Man United sẽ sụp đổ rất nhanh, như Liverpool

09/01/2014 08:48 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Đó là nhận định của nhà báo Dominic King trên tờ Daily Mail. Theo ông, Man United không Sir Alex cũng sẽ sụp đổ nhanh chóng, giống như Liverpool khi chia tay Kenny Dalglish vậy

Ngày 28/04/1990, Anfield bùng nổ khi Liverpool vô địch Anh lần thứ 18. Một thập kỷ mới bắt đầu với đầy những ánh hào quang, được xây dựng từ những năm 1970 và 1980 và Kenny Dalglish là HLV có uy tín nhất của bóng đá Anh, với 3 chức vô địch trong vòng 5 năm, cùng 2 chiếc cúp FA. Kết thúc mùa giải ấy (1989-90), Liverpool xếp đầu với 7 điểm nhiều hơn đối thủ gần nhất Aston Villa, và 31 điểm nhiều hơn đội thứ 13 Man United. Đó là danh hiệu thứ 34 của họ kể từ năm 1973, tức là cứ trung bình 1 năm lại đoạt 2 danh hiệu.

Không ai nghĩ đế chế ấy có thể sụp đổ dù Dalglish bất ngờ ra đi vào tháng 2/1991. Nhưng đó lại là sự thật. “Pháo đài bất khả chiến bại”, theo cách gọi của huyền thoại Bill Shankly, đã đánh mất chính mình. Khi King Kenny ra đi, họ chỉ kém ngôi đầu có 3 điểm và vẫn là một ứng viên sáng giá. Đến cuối mùa, Liverpool đã thua nhà vô địch Arsenal 7 điểm. Điều đáng buồn là trong ba mùa giải sau đó, khoảng cách giữa Liverpool và ngôi đầu cứ ngày càng bị nới rộng, từ 18 điểm (1992), 25 điểm (1993), và 32 điểm (1994).  Liverpool đã giành 13 danh hiệu từ năm 1990, trong đó có cả chức vô địch Champions League 2005, nhưng danh hiệu VĐQG thứ 19 thì vẫn luôn lẩn tránh họ.

Sir Alex hồi tưởng “Bạn có thể nhận thấy rõ sự thay đổi ở mùa giải cuối cùng của Kenny: đội bóng đã già cỗi, còn Liverpool bắt đầu những thương vụ khá bất thường như Jimmy Carter và David Speedie. Đó không phải những bản hợp đồng theo phong cách của họ”. Tuy nhiên, độ tuổi trung bình của Liverpool ở trận derby Merseyside năm đó là 27,3, và những cựu binh như John Barnes, Jan Molby, Ian Rush thật ra vẫn chưa đến nỗi già lắm. “Graeme Souness đã đi đúng hướng, nhưng quá sớm khi trẻ hóa đội hình và điều đó khiến ông ấy phải trả giá”, Sir Alex lập luận.

Bóng đá đã thay đổi rất nhiều sau hơn 2 thập kỷ, nhưng những gì diễn ra ở cuối thời kỳ hoàng kim ở Anfield cũng điểm tương đồng với Old Trafford dưới triều đại David Moyes. Sự ra đi của một biểu tượng lớn như Sir Alex không thể không tạo ra tác động tiêu cực. Ferguson có thể ủng hộ Moyes hết mình ở thời điểm hiện tại, nhưng liệu các cầu thủ có cháy hết mình vì vị tân HLV này?


“Nếu các cầu thủ Man United không thi đấu tốt như năm trước, đó không phải lỗi của HLV. Đó là sự phản ánh từ chính bản thân họ. Tại sao không thể hiện như dưới thời Sir Alex? Tại sao phải thay đổi?”, cựu danh thủ John Barnes đặt câu hỏi “Nhưng đó là bản chất của con người. Trong bóng đá hiện tại, các HLV là người giơ đầu chịu báng cho những kết quả tiêu cực. Tôi từng có những trải nghiệm như thế khi Graeme Souness cập bến Anfield”. Barnes cũng nói rằng ông không bao giờ buộc tội ai đó không đá hết sức, nhưng ai cũng biết trong một trận đấu mà đội nhà không thắng, người bị la ó nhiều nhất là HLV chứ không phải cầu thủ rời sân. “Bạn phải đặt câu hỏi với các thủ, rằng họ có tôn trọng HLV và thi đấu vì màu cờ sắc áo hay không, rằng họ có thi đấu vì HLV không, hay vì chính họ”, Barnes kết luận. 

Sự sụp đổ của Liverpool trong quá khứ kể từ khi King Kenny ra đi là một lời tiên báo cho Man United ở thời điểm hiện tại. Họ đã đứng quá lâu trên đỉnh cao, và sẽ phải đi xuống như một quy luật của xã hội, và nguyên nhân bắt đầu từ quyết định nghỉ hưu của Sir Alex Ferguson.
Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm