04/07/2013 08:17 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Edward Snowden, nhân vật tiết lộ chương trình do thám tuyệt mật Prism của Mỹ, đã lẩn trốn quá lâu trong khu vực trung chuyển ở Moskva tới mức người ta đang so sánh hoàn cảnh của anh với The Terminal - bộ phim trong đó nhân vật chính đã phải sống suốt một thời gian dài ở sân bay do đột ngột mất quyền công dân và không có nơi nào đón nhận ông.
Sau khi Nga tuyên bố rằng Edward Snowden chỉ có thể ở lại nếu không tiết lộ thêm tin mật "gây hại" tới Mỹ, anh đã lập tức gửi 21 đơn xin tị nạn tới nhiều nước trên thế giới, phát đi tín hiệu cho thấy bản thân đang muốn tìm một nơi ở lâu dài mới.
Người vô thừa nhận
Thế nhưng chỉ sau vài giờ, hơn một nửa quốc gia được gửi đơn đến đã có phản ứng. Một số từ chối thẳng thừng như Brazil, Ấn Độ, Ba Lan. Số khác nói rằng Snowden phải tới lãnh thổ của họ rồi mới có thể đâm đơn xin tị nạn (Ecuador, Ireland, Na Uy). Các nước còn lại trong danh sách thì cần thêm thời gian để trả lời.
Guy Goodwin-Gill, một giáo sư về luật tị nạn quốc tế tại Đại học Oxford và là cựu cố vấn pháp lý của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, nói rằng chính trị là yếu tố chủ đạo chi phối vụ của Snowden.
Luật quốc tế cho phép anh đâm đơn tị nạn đi bất kỳ nơi nào. Nhưng việc chấp nhận cho anh tị nạn hay không lại là sự lựa chọn của từng nước. Nhiều nước anh muốn xin tị nạn đã có những thỏa thuận dẫn độ song phương với Mỹ. Nhưng nhìn chung các nước đều không muốn làm căng thẳng quan hệ với Mỹ thông qua việc che chở cho một người tiết lộ thông tin mật.
Họ có thể sẽ để anh ở tình trạng "treo" như hiện nay. Snowden đã từng là công dân Mỹ, nhưng hiện gọi bản thân mình là "không quê hương" kể từ khi Mỹ thu hồi hộ chiếu của anh. “Tôi thấy đã có những sự bối rối, ngay cả trong các quốc gia có liên quan, về việc nên xem đây là một vấn đề liên quan tới tình trạng của người tị nạn hay liên quan tới nơi tị nạn. Người ta rồi sẽ cảm thấy thoải mái khi để nguyên tình trạng như hiện nay bởi dính vào nó rất rắc rối về chính trị. Vì thế đừng ngạc nhiên khi nhiều nước sẽ lửng lơ trong việc đưa ra quyết định" - ông nói.
Điều này có nghĩa cơ hội lựa chọn điểm tị nạn tốt nhất của Snowden chỉ còn là một quốc gia sẵn sàng đương đầu với Mỹ như Ecuador. Tuần trước, Ecuador mới tuyên bố từ bỏ thỏa thuận thương mại với Mỹ, bởi thỏa thuận đã trở thành "một công cụ tống tiền" liên quan tới số phận của Snowden sau khi anh xin tị nạn ở Ecuador.
Tuy nhiên Tổng thống Ecuador Rafael Correa sau đó có nói rằng việc giúp Snowden chạy trốn từ Hong Kong (Trung Quốc) tới Moskva là một "sai lầm". Ông cũng nói rằng Nga sẽ là nước nắm quyền quyết định điểm đến của Snowden.
"Tại thời điểm này, giải pháp về điểm đến của Snowden nằm trong tay nhà chức trách Nga" - ông Correa nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình tư nhân Oromar - "Chúng tôi đã không tự tạo ra tình huống này. Snowden đã liên hệ với sáng lập viên WikiLeaks Julian Assange, người đã khuyên anh ta nên xin tị nạn ở Ecuador".
Về phần mình, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin là Dmitry Peskov nói vào cuối tuần rồi rằng số phận của Snowden không có trong chương trình làm việc của Kremlin. Ông cho biết thêm rằng Tổng thống Putin đã nêu quan điểm của ông về Snowden, rằng anh chỉ là một hành khách chờ trung chuyển và Nga sẽ không dẫn độ anh sang Mỹ.
“Chúng tôi chỉ có thể dẫn độ các công dân nước ngoài sang các nước mà chúng tôi đã ký thỏa thuận về dẫn độ tội phạm" - Putin nói và cho biết Snowden không phạm tội gì ở Nga nên có thể đi đâu tùy thích - "Snowden là người tự do. Anh ấy càng sớm chọn điểm đến cuối cùng thì càng tốt cho bản thân".
Viễn cảnh ảm đạm
Stephen W. Yale-Loehr, một giáo sư luật quốc tế tại Trường luật Cornell nghĩ rằng Snowden sẽ phải ở lại Moskva trong thời gian rất dài. Nhưng ông cho rằng Snowden vẫn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ trong Điều 28 của Công ước Liên Hợp Quốc liên quan tới tình trạng của người tị nạn, trong đó yêu cầu các nước thành viên của công ước phải "cân nhắc thể hiện sự cảm thông" với những người không có được các giấy tờ cần thiết từ quê hương họ để tiếp tục hành trình.
Còn theo Douglas McNabb, một chuyên gia về dẫn độ toàn cầu, trong tình huống mối thiện cảm với Snowden không còn và sức ép tăng lên, anh sẽ phải đối diện với kịch bản xấu nhất. "Liên bang Nga có thể trục xuất Snowden do anh đang ở trong khu vực trung chuyển mà không có giấy tờ đi lại hợp lệ. Họ có thể trục xuất anh ta trở lại nơi mà anh ta đã đến" - McNabb nói. Và xuất phát điểm này chính là Hong Kong, đặc khu hành chính của Trung Quốc nơi Snowden lần đầu tiết lộ về Prism và các hoạt động do thám khác của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Không nên trở lại Hong Kong
Hồi tháng 3, năm nay, Tòa Thượng thẩm Hong Kong đã yêu cầu chính quyền xem xét lại các quy trình xin tị nạn. Hiện việc này chưa hoàn tất, cũng có nghĩa Snowden hoàn toàn có thể ở lại Hong Kong cho tới khi quy trình xin tị nạn mới được thông qua. Nhưng có 2 lý do để anh không nên trở lại Hong Kong.
Thứ nhất, McNabb nói rằng để tránh gây thêm rắc rối với Mỹ, chính quyền Hong Kong có thể sẽ bắt Snowden ngay khi anh vừa xuống khỏi máy bay, khiến anh không thể đâm đơn xin tị nạn, rồi giao anh lại cho người Mỹ. Khả năng thứ hai là giống người Nga, Hong Kong có thể sẽ trục xuất anh về xuất phát điểm ban đầu, chính là nước Mỹ.
"Nếu tôi đại diện pháp lý cho anh ấy lúc này, tôi sẽ đề nghị việc gửi thêm nhiều đơn xin tị nạn hơn nữa" - McNabb nói.
Tường Linh (Theo Time)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất