13/01/2023 10:23 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Sau một năm cống hiến làm việc hết mình, đây cũng là thời điểm dân văn phòng mong chờ nhất khi nhận được lương tháng thứ 13, hay còn gọi là thưởng Tết. Nhiều người sẽ sử dụng số tiền này để mua sắm và chơi Tết, nhưng nếu vội tiêu số tiền này quá sớm sẽ dẫn đến tình trạng "rỗng túi" nhanh chóng.
Phần thưởng, tiền thưởng vào dịp Tết là khoản lợi nhuận trong năm được các đơn vị, doanh nghiệp trích ra để thưởng cho người lao động. Điều này không quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động, nhưng đó là nét đẹp văn hóa trong quan hệ lao động, nên được đại đa số đơn vị, doanh nghiệp ở nước ta thực hiện hằng năm. Phần thưởng có thể là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong năm.
Theo một khảo sát do công ty đầu tư Fort Pitt (Mỹ) thực hiện, gần 40% số người tham gia dự định sử dụng tiền thưởng Tết cho việc trả nợ, tiết kiệm hoặc đầu tư. Hơn 60% còn lại tiêu số tiền này vào những kỳ nghỉ hoặc mua sắm những món đồ sang trọng.
Tiền thưởng Tết ảnh hướng đến thói quen tiêu tiền của nhiều người
"Nhiều người nhìn nhận tiền thưởng giống như tiền nhặt được, nên họ nhanh chóng ‘đốt’ vào những thứ bình thường ít dám mua", chuyên gia kế hoạch tài chính Travis Sollinger chia sẻ. Điều này xảy ra do kế toán nhận thức (mental accounting), khi con người ra quyết định tài chính dựa trên các phán đoán cảm tính. Các quyết định này thường không có lợi, song ta không nhận ra. Hệ quả là bạn gán các giá trị khác nhau cho cùng một khoản tiền dựa trên nguồn gốc của nó và cảm xúc tạm thời của bạn.
Theo nhà kinh tế học Richard Thaler, con người dễ ra các quyết định bốc đồng và liều lĩnh với những khoản tiền "từ trên trời rơi xuống". Suy cho cùng thì thưởng Tết không phải là khoản tiền như vậy, bởi bạn phải cống hiến cả năm mới có được nó. Tuy nhiên, bạn vẫn nên có kế hoạch chi tiêu hợp lý để không "vung tay quá trán" khiến cho tài chính đầu năm mới sẽ trở nên ảm đạm.
Không chỉ áp lực trong việc chi tiêu tiền sắm sửa đồ đạc, mua quà biếu người thân, gia đình ngày Tết, không ít người gặp áp lực khi phải tân trang lại ngoại hình để thay đổi bản thân trong những ngày đầu năm mới, đặc biệt là phụ nữ.
Theo khảo sát về xu hướng tiêu dùng dịp Tết của Q&Me năm 2021, 74,5% phụ nữ cho biết trang phục và mỹ phẩm là khoản bắt buộc phải chi.
22,2% phụ nữ tiêu khoảng 3-5 triệu đồng để chăm sóc sức khoẻ và sắp đẹp. 11,5% người được hỏi cho biết họ chấp nhận chi trả 10-15 triệu đồng để làm đẹp trước Tết. Đối với phụ nữ độc thân, đây là khoản chi lớn nhất.
Khảo sát của Q&Me cũng cho thấy phụ nữ ở các thành phố lớn có xu hướng chi tiêu cho bản thân nhiều hơn trước mỗi dịp lễ.
Áp lực đồng trang lứa khiến cho nhu cầu làm đẹp của phụ nữ trong những ngày Tết tăng mạnh (Ảnh minh họa)
Thủy Tiên (24 tuổi, Hà Nội) trong thời điểm này là dịp cao điểm với các deadline và kế hoạch làm đẹp, chuẩn bị cho mùa lễ Tết.
Theo cô, công việc bận rộn vào cuối năm kết hợp với việc thức khuya, ăn uống không điều độ khiến làn da của mình nhạy cảm hơn, dễ nổi mụn ửng đó hoặc sạm đen trông thấy. Không muốn đón năm mới với làn da kém sắc, cô quyết định đầu tư cho các gói trị liệu tại cơ sở thẩm mỹ.
"Tôi cố gắng sắp xếp công việc, gác lại những nhu cầu khác để điều trị da tức thời. Tuần trước tôi mới đăng ký một gói trị liệu cấp tốc phục hồi da 10 triệu đồng".
Theo Thủy Tiên tham khảo, các công nghệ thẩm mỹ này sẽ nhanh chóng cải thiện sự sáng bóng, mịn màng của da, điều trị các vấn đề khiến da trở nên kém sắc như mụn, nám, tàn nhang,...
Nhiều bạn trẻ lập ra kế hoạch chi tiêu, làm đẹp cấp tốc trước dịp lễ Tết
Nỗi ám ảnh phải đẹp trước Tết cũng khiến Hải Yến (25 tuổi, TP.HCM) bận tâm. Năm nay, cô dự định về quê ra mắt nhà người yêu, việc gặp gỡ họ hàng và nhiều người khiến cô áp lực và muốn tạo ấn tượng khi xuất hiện. Không chỉ đầu tư cho trang phục, chăm sóc da, năm nay cô đã đầu tư mạnh cho công cuộc cải thiện vóc dáng.
"Tết này ra mắt nhà người yêu nên tôi cũng lo lắng, đợt vừa rồi hơi buông thả bản thân nên tôi lên cân chóng mặt, một số quần áo size S giờ chật cứng không kéo khóa lên được. May cũng vừa nhận được thưởng Tết nên tôi quyết định đầu tư mua gói tập với huấn luyện viên cá nhân (PT) và thẻ tập cố định ở phòng gym với giá 20 triệu đồng cho 38 buổi tập, còn thẻ thành viên là 800.000 đồng/tháng. Đầu tư cho bản thân đẹp lên nên tôi cũng không tiếc cho lắm".
Vì mức thưởng Tết của từng cá nhân khác nhau, nên rất khó tìm ra câu trả lời chung phù hợp cho mọi người. Tuy nhiên, với những gợi ý dưới đây có thể sẽ giúp bạn sử dụng số tiền thưởng Tết của mình một cách thông minh, khôn ngoan, khiến số tiền đó trở nên ý nghĩa và giá trị hơn:
1. Áp dụng quy tắc 50-30-20
Trước khi nhận được thưởng Tết, bạn hãy tự phân tích tình hình tài chính hiện tại của bản thân bằng cách đặt ra các câu hỏi "Bạn có những kế hoạch gì quan trọng cần ưu tiên dùng đầu tiên?"; "Bạn có khoản nợ nào đang tồn đọng hay không?"; "Trong nhà có đồ đạc nào cần sửa hay mua mới không?",...
Sau khi phân tích xong, bạn dựa vào tình hình mà chia tiền thưởng thành nhiều phần để đáp ứng yêu cầu đó theo quy tắc 50-30-20.
- 50% - Các khoản chi tất yếu: Trả nợ, tiền nhà, sửa chữa đồ đạc, các loại phí sinh hoạt hàng ngày.
- 30% - Các khoản chi thứ yếu: Sắm Tết, biếu bố mẹ, tân trang bản thân và tự thưởng (đi du lịch, ăn uống hoặc mua sắm).
- 20% - Tiết kiệm hoặc đầu tư, để dành cho các kế hoạch quan trọng (học thêm hoặc mua nhà, mua xe).
Quy tắc ngân sách 50-30-20
2. Đầu tư
Nếu bạn không có nhu cầu mua sắm và chi khoản nào, hãy xem xét đến việc đầu tư số tiền thưởng Tết. Đừng mang tâm lý đây là khoản tiền “trời cho” mà đầu tư một cách thiếu sáng suốt. Hãy xem xét các kênh đầu tư và đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân cũng như số tiền thưởng mà mình có.
3. Tiết kiệm cho những mục tiêu lớn hơn
Nếu đang có mục tiêu lớn đang hướng tới và cần thực hiện, lời khuyên thường được đưa ra ở đây là hãy tiết kiệm.
Khoản tiền thưởng Tết là điều ai cũng mong đợi vào dịp cuối năm. Điều quan trọng là bạn phải lập kế hoạch để tận dụng tối đa khoản tiền này. Bạn có thể sử dụng chúng để đạt được nhiều mục tiêu tài chính khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào vị trí của bạn việc vạch ra kế hoạch tài chính hợp lý và những gì bạn muốn ưu tiên.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất