28/03/2012 14:46 GMT+7 | Champions League
Một nhà bình luận bóng đá nổi tiếng của Ý đã viết ngay khi lá thăm chọn Barcelona là đối thủ của Milan ở vòng tứ kết: "Mọi chuyện thật tệ, nhưng cũng chỉ nên nói thế thôi, bởi bây giờ mà khóc nhè thì quả thật chẳng giải quyết được vấn đề gì". Ông nói đúng. Dù cho cái chết có thể là đã được báo trước đi chăng nữa, với khả năng vào sâu của Milan chỉ chừng 20%, thì mọi suy nghĩ bi quan trên thực tế đều không giúp ích gì cho các nhà ĐKVĐ Italia. Trong những năm qua, cái tên Barca trở thành một cơn ám ảnh thực sự đối với tất cả những ai "vô tình" gặp phải họ trong các trận đối đầu trực tiếp, nhưng trên thực tế, không phải ai cũng sợ họ, hoặc sợ nhưng không để nỗi sợ hãi ấy giết chết họ trước khi trái bóng lăn.
Barca từng thua 1-3 ở San Siro hai năm về trước - Ảnh Getty
Trong triều đại của Guardiola, Barca đã chơi tổng cộng 10 vòng knock-out Champions League thì chỉ có 1 lần duy nhất họ bị loại. Inter trở thành đội bóng duy nhất gạt được Barca khỏi cuộc chơi ở bán kết mùa 2009/2010 (3-1 ở San Siro, 0-1 ở Camp Nou). Rất nhiều điều ý nghĩa được thể hiện từ trận chiến ấy: lần đầu tiên Barca thua trên một bàn cách biệt, là một trong hai trận thua ở loạt đối đầu trực tiếp (trận thua Arsenal 1-2 ở vòng 1/8 mùa 2010/2011). Đó cũng là lần đầu tiên Barca tái ngộ với một đối thủ mà họ đã từng gặp ở vòng đấu bảng, và thất bại. Đấy là lí do tại sao Guardiola luôn làm một việc để tránh những nguy cơ rủi ro cao với đội bóng của anh: Pep giữ bí mật tối đa các thông tin liên quan đến đội hình thi đấu cũng như sơ đồ chiến thuật của Barca, nhất là trong trường hợp đội bóng của anh sẽ đối mặt hai lần nữa với Milan, đối thủ đã gặp hai lần ở vòng bảng mùa này. Allegri đã nhận thức được điều ấy ngay từ trận lượt về vòng bảng tháng 11/2011: Guardiola đã làm Milan ngạc nhiên vì bố trí một sơ đồ siêu tấn công với ý đồ chủ động đánh gục đội bóng Italia ngay từ đầu.
Những hy vọng loại Barca và vượt qua vòng này chủ yếu đến từ lí thuyết: thắng đối phương và rồi bảo vệ thành quả ấy trong trận lượt về. Thế nên, sự trở lại của Van Bommel ở Camp Nou và việc sẽ gặp lại Barca 6 ngày sau đó trên đất Tây Ban Nha là một lợi thế nho nhỏ, bởi Barca sẽ phải đá một trận không đơn giản với Bilbao trên sân nhà, trong hoàn cảnh đối thủ của Milan phải chiến thắng để tiếp tục duy trì khoảng cách với Real Madrid. Bài học của Inter 2010 cho thấy, một khi các đối thủ của Barca tìm ra cách đánh mà đối phương ít đề phòng nhất, họ sẽ chiến thắng. Mourinho đã áp dụng một lối đá nhanh, đơn giản, ít chạm và pressing liên tục vào các vị trí then chốt của Barca ở hàng tiền vệ, cắt đứt tuyến ấy với Messi và cô lập anh này bằng sự hỗ trợ của các tiền đạo hy sinh vai trò tấn công của mình để bám cánh và hỗ trợ phòng ngự. Việc triển khai lối đá từ phòng ngự chủ động sang phản công với sự cơ động của các tiền đạo. Cơ cấu tổ chức của Milan bây giờ khác với Inter thời đó, nhưng Milan hoàn toàn có thể làm được điều kì diệu nếu thực sự tập trung và biết tận dụng mọi cơ hội có thể. Những cơ hội ấy có thể đến từ đâu? Những pha bóng chết chính là món quà đem lại sự sống.
Trước khi trái bóng lăn, không ai nói trước điều gì và tỉ số vẫn dừng ở vạch 0-0. Đó chính là sự cân bằng duy nhất xét trên phong độ và sức mạnh của hai đội ở Champions League lúc này. Sau 90 phút tới ở San Siro, sẽ là một câu chuyện khác...
Thư Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất