Milan: Tham vọng & hoài nghi

25/07/2010 07:10 GMT+7 | Italy

(TT&VH Cuối tuần)  - Hôm 20/7, Milan đã chính thức tập trung chuẩn bị cho mùa giải mới. Sau những năm trắng tay, chủ tịch Berlusconi chờ đợi vào sự lột xác của Milan dưới thời tân HLlV Massimiliano Allegri. Tuy nhiên, không nhiều cơ sở để tin tưởng Milan có thể trở lại vị thế hàng đầu Serie A và châu Âu.


Fabiano đang trong tầm ngắm của Milan- Ảnh: Getty
Nếu không tính HLV Massimiliano Allegri, một trong những nhân vật gây đình đám nhất ở Serie A kể từ đầu mùa Hè và khiến Milan gặp rất nhiều khó khăn để mang về San Siro nhằm thế chỗ Leonardo, hôm 20/7 vừa qua, Trung tâm Milanello chính thức mở cửa và giới thiệu 3 gương mặt mới toanh, đều ở hàng thủ. Họ là trung vệ Yepes, thủ môn Marco Amelia và hậu vệ đa năng Sokratis

Papastathopoulos. Tuy nhiên, những chàng tân binh ấy chẳng để lại nhiều ấn tượng cho các tifosi Milan có mặt tại Trung tâm thể thao Milanello ngày hôm ấy.

Vì sao? Một lẽ đơn giản, trong khi các tifosi chờ đợi sự đổi mới từ một vài ngôi sao thực thụ, thì các quan chức Milan giới thiệu 3 chàng tân binh mà họ không tốn một xu nào. Thủ thành Amelia đã qua thời đỉnh cao và đến San Siro theo dạng cho mượn. Yepes không được đội bóng trung bình yếu Chievo gia hạn hợp đồng, nên tự do chọn Milan làm nơi dưỡng già. Sokratis là nhân vật đáng chú ý hơn cả, và hậu vệ trẻ người Hy Lạp được Genoa cho Milan mượn một năm (kèm điều khoản mua đứt).

Juve vung tiền mua sắm, Inter có những kế hoạch cụ thể để duy trì đội ngũ đầy sức mạnh, nên các tifosi Milan có lý do để không hài lòng với các quan chức cấp cao của CLB, cụ thể là chủ tịch Berlusconi và TGĐ Adriano Galliani.

Vì vậy, trong ngày đầu tiên tập trung, rất đông CĐV Milan đã kéo đến trước Trung tâm Milanello liên tục la ó, đồng thời căng biểu ngữ phản đối cách làm hiện nay của CLB. Người ta không thể chấp nhận việc Milan chỉ còn là đội bóng hạng trung ở Italia, và chẳng còn là gì trên đấu trường châu lục. Cái tên Milan vẫn thường gây e ngại cho các đối thủ, nhưng điều đó thuộc về quá khứ.

Vấn đề của Milan không chỉ là tài chính. Trước đây, khi thua lỗ, Milan vẫn có thể tậu những tên tuổi đắt giá, dưới sự hỗ trợ của Berlusconi. Tuy nhiên, Berlusconi đã không còn mặn mà trong việc xây dựng Milan nữa. Vị Thủ tướng Italia tham gia nhiều hơn vào cuộc chơi chính trị, dính vào những vụ scandal tình ái, để rồi “cuộc tình” của ông với Milan chỉ còn là danh nghĩa. Trong đội hình Milan giờ đây không còn một ngôi sao lớn nào, ngoài những ông già đã hết động lực, một Huntelaar chưa bao giờ thích nghi với môi trường ở San Siro, những Borriello và Pato thì chưa đủ lớn...

Không còn tình cảm với Milan (mà thực tế, Milan cũng không còn ảnh hưởng nhiều đến con đường chính trị), Berlusconi đã từ chối cấp tiền để mua những chân sút hạng sang như Fabiano và Dzeko; bác bỏ đề xuất mua “Kaka mới” Ganso; buông vụ Bonucci và Ranocchia, những trung vệ trẻ giàu triển vọng của bóng đá Italia. Ngay cả khi Barca bắn tin cho mượn Ibra, khi thỏa thuận mua bán bất thành, Berlusconi cũng từ chối ngồi vào bàn thương lượng (vì sẽ phải trả một khoản phí nhất định).

Từ chối chuyển nhượng, bỏ qua việc xây dựng lại đế chế Milan hùng mạnh ngày nào (những cầu thủ trẻ tài năng nhất lần lượt bị mang cho mượn), không đồng ý để Allegri mang về những học trò cưng ở Cagliari đến San Siro, Berlusconi đang từng bước phá nát Milan. Liên tục trắng tay kể từ sau thành công ở Athens năm 2007, với chức VĐ Champions League lần thứ 7, nếu không có những thay đổi tích cực trong thời gian ngắn sắp tới, nguy cơ Milan sống trong những mơ mộng để rồi một lần nữa thất bại là rất cao.

Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm