(TT&VH cuối tuần) - 7 bàn thua trong 2 trận thất bại với M.U ở vòng 1/8 là một trong những kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử Milan. Từ duy nhất để nói về những thất bại ấy: Tự sát.
Như một con thiêu thân lao mình vào ngọn lửa mà cứ ngỡ mình chết như thiê nga (hoặc đã biết là sẽ chết như thế nhưng vẫn làm), Milan cháy rụi ở Old Trafford cũng như ở San Siro. Những ấn tượng về chiến thắng đẹp đẽ trên sân Bernabeu cũng nhanh chóng tan thành hư vô bởi chính Real Madrid cũng bị loại cùng ngày, cùng giờ với Milan vĩ đại và như thế, đội bóng của Berlusconi không chỉ được an ủi và sẽ chịu hầu hết những lời chỉ trích, bởi Real đã bỏ ra hơn 250 triệu euro để mua sắm mùa hè qua, gấp hơn 10 lần Milan. Nhưng những gì được chứng kiến là một nỗi chua chát kinh khủng với các tifosi Milan, bởi không ít người trong số họ đã có thể nhìn thấy trước những thất bại ấy ngay từ khi lá thăm vòng 1/8 đưa Milan đến với M.U trong cuộc bốc thăm vào tháng 12, thời điểm mà Milan vẫn còn bay nhảy theo điệu samba của Ronaldinho. Cái gì đến cũng đã phải đến, và có lẽ Leonardo, một tay HLV non trẻ và mơ mộng, cũng thừa thông minh để hiểu là những thất bại ấy khó có thể tránh khỏi: thời buổi này, chẳng ai có thể chiến thắng bằng cách đưa ra những tuyên bố ầm ỹ, những tư tưởng tấn công ào ạt và hào nhoáng mà không hề có một cơ sở vững vàng để đảm bảo cho chiến thắng ấy.
Ở San Siro, Milan đã chết như cách đây 2 năm, trước Arsenal. Ngày ấy, hòa 0-0 trên đất Anh và tiếp tục hòa 0-0 trên sân nhà, Ancelotti đã thúc đẩy cả đội lên tấn công ào ạt trong những phút cuối, một hành động tự sát, bởi đội ngũ già nua ấy không còn đủ sức để đương đầu với những chàng trai trẻ Arsenal và sự kiệt sức ấy đã khiến họ thủng lưới 2 bàn những phút cuối. Trước M.U, những khái niệm cơ bản nhất của sự cân bằng chiến thuật, sức trẻ và thể lực biến mất, trong khi lại có thừa sự ảo tưởng từ tuổi trẻ của một HLV muốn áp dụng cho một đội bóng quá già và không thể mơ được theo. Leonardo tự sát khi tung ra một đội hình siêu “tưởng bở”, bố trí 3 tiền đạo phía trên, 3 tiền vệ phía dưới thì 2 không phòng ngự nổi (Pirlo, Beckham). Chẳng có gì ngạc nhiên khi M.U khống chế hầu hết trận đấu khi tung ra sân từ đầu 5 tiền vệ (chỉ 1 người ngoài 30, Scholes), tận dụng ngon ơ những cơ hội có được và cũng chẳng cần phải dùng hết quyền thay người mà vẫn thắng. Ba tuần sau, Leonardo đến Anh với ảo tưởng chiến thắng. Trong suy nghĩ của anh, tấn công và bố trí một mớ tiền đạo là cách tốt nhất để dẫn đến thắng lợi. Tiếp tục 3 tiền đạo ra sân từ đầu (Ronaldinho-Borriello-Huntelaar) và nỗi khổ ải kinh người lại đổ ập xuống 3 tiền vệ (Ambrosini-Pirlo-Flamini) mà một đã bị theo như hình với bóng, trong khi 2 người còn lại không chỉ phải chiến đấu với những 4 tiền vệ M.U mà còn phải đương đầu với 2 hậu vệ cánh thường xuyên dâng cao của đối phương (Evra, Neville). Trong một thế trận như thế, Milan may ra chỉ có thể thắng một khi Rooney chạy về sân nhà và sút tung lưới Van der Sar 4 lần!
Lịch sử là một khái niệm trừu tượng và giờ đây, nhờ các phương tiện truyền thông tối tân, có thể xem lại được qua băng hình, đĩa DVD hay You Tube. Lịch sử nói rằng người ta không thể chiến thắng chỉ bằng cách “nghĩ là họ sẽ thắng”, mà phải tạo ra thắng lợi bằng nhiều yếu tố khác nhau về chiến thuật và con người. Milan của Leo chỉ vĩ đại khi đương đầu với những đội bóng xây nên mơ mộng khác bằng tiền như Real Madrid, một đội bóng cũng phá vỡ mọi nguyên tắc cân bằng với việc sưu tập và lắp ghép các ngôi sao. Nhưng không thể trách Leo, người đâm đầu vào đá, vì anh cũng chỉ có bài 4-3-3 thôi, bởi từ bỏ sơ đồ ấy cũng là giết chết Ronaldinho, người không thể đá một chiến thuật nào khác. Mà Ronaldinho là ai? Con cưng của một người vì quá thừa thực tế nên đôi khi cũng cần phải mơ mộng viển vông, Berlusconi.
Anh Ngọc