(TT&VH) - Không cần phải là một HLV giỏi như Alex Ferguson mới có thể đưa M.U đến thắng lợi. Nói thế không có nghĩa hạ thấp chiến thắng của M.U, nhưng những gì Leo đã làm là cách nhanh nhất để Milan tự đào huyệt chôn mình.
Việc bố trí đến 3 tiền đạo (Ronaldinho-Borriello-Huntelaar) thể hiện sự cần thiết phải ghi bàn bằng mọi giá. Nhưng như đã thấy trong trận gặp Roma, số lượng tiền đạo trên sân trong đội hình chính thức không đảm bảo cho số lượng bàn thắng mà họ có thể ghi được. Sự khác biệt lớn giữa 4-3-3 của Milan với M.U nằm ở 2 cánh: những tiền vệ của M.U (Nani, Valencia) là những linh hồn sống động dọc biên, thường xuyên lao lên tấn công và lui về hỗ trợ bịt chặt cánh khi cần thiết, những người của Milan thì một là tiền đạo (Huntelaar), người kia chuyên hộ công (Ronaldinho), chỉ “cắm trại” ở phía trên và hoàn toàn không tham gia phòng ngự. Có gì ngạc nhiên đâu, khi Neville không bị cả Ronaldinho lẫn Jankulovski theo sát, bình thản tạt bóng để Rooney (chỉ cao 1m78) đánh đầu ghi bàn, hệt như lượt đi, một nỗi xấu hổ với các trung vệ cao to của Milan?
Hệ quả:
1) Khi M.U có bóng, chỉ có điên mới không tận dụng những khoảng trống toang hoác dọc biên. Cả 4 bàn thua của Milan đều từ những pha phối hợp biên của M.U, khi cả các tiền vệ và hậu vệ biên M.U dâng lên, đẩy các hậu vệ Milan vào thế 1 chọi 2.
2) Khi Milan có bóng, không khó để tiêu diệt lối chơi của họ. Ferguson bố trí một người theo sát Pirlo, số đông M.U chia cắt bộ ba tiền đạo Milan, trong khi luôn thắng trong các tranh chấp tay đôi ở tuyến giữa (2 tiền vệ thủ Milan luôn phải chống chọi với 4 tiền vệ M.U và đôi khi 2 hậu vệ cánh đối phương dâng lên). Sự thất bại là không tránh khỏi một khi các tiền vệ không đủ oxy để thở khi tranh chấp với họ, chưa nói đến việc hỗ trợ tấn công và che chắn cho hàng thủ.
3) Milan muốn liều mạng tấn công cũng không được, vì lấy đâu ra bóng, khi người cầm bóng chính (Pirlo) bị cô lập hoàn toàn với các đồng đội?.
4) Tuổi trung bình đội hình xuất phát của M.U cao hơn Milan (29,27 so với 28,36), nhưng điều đó không hề được thể hiện trong trận đấu. Việc áp dụng một đấu pháp hợp lí hơn và sự gắn kết của cả đội đã khiến tất cả nhận thấy chỉ có Milan mới chơi như những người thuộc lứa U40.
Có nên trách Leonardo không? Không. Thật ra Leo cũng không thể làm gì hơn nữa. Anh làm sao có thể từ bỏ được sơ đồ 4-3-3 được tạo nên để phục vụ con cưng của Berlusconi, Ronaldinho? Làm sao có thể tìm ra một vị trí nào khác cho Ronaldinho, trong khi chính Leo tội nghiệp cũng như Berlusconi đang tự lừa dối mình, rằng tiền vệ người Brazil đã trở lại với thời kì đỉnh cao như ở Barcelona 4 năm trước đây? Vị HLV trẻ người Brazil là một người mơ mộng, nhưng anh thừa thông minh để hiểu rằng, bố trí sơ đồ ấy là tự sát, nhưng anh vẫn phải làm vì không còn cách nào khác, vì ngoài sơ đồ ấy và những lời lên gân lên cốt, anh và cả Berlusconi đều không còn bất cứ thứ vũ khí nào nữa. Thế nên, Milan-M.U trở thành cuộc đối kháng tương phản kì lạ giữa một HLV trẻ cầm quân một đội bóng già nua với một HLV già cầm quân một đội bóng trẻ trung và thực dụng, và kết cục chẳng khó đoán ra: Cái trẻ đầy phổi bò của tay HLV năm đầu tiên hành nghề làm sao phù hợp cái già dơ, kinh nghiệm và tuổi tác của đội già, khi những cả tập thể được xây dựng trên xương sống của các công thần. Họ lấy đâu ra sức để chạy đua theo tư duy tấn công trẻ của Leo? Thứ bóng đá của anh chỉ thích hợp với Serie A, khi các đối thủ của Milan là Atalanta hay Udinese.
Ai đó trong số các tifosi Milan đã ngẩng mặt cầu Chúa phù hộ cho họ có Kaka trong đêm Old Trafford, vì chỉ có anh, chính anh mới là diễn viên chính trong show bóng đá trong mưa hạ gục M.U cách đây 3 năm ở San Siro. Chúa không nghe thấy. Ngài ở đâu đó quá xa. Nên Milan thua và Kaka thất bại ở cách đó gần 2 nghìn cây số. Trong cùng một đêm.
A.N