(TT&VH) - Luật có thể được tạo ra để cứu mình trong trường hợp khẩn cấp, nhưng ghi bàn để chiến thắng trên sân cỏ lại là một chuyện khác, vì các cầu thủ M.U không phải là các nghị sĩ Italia và là công cụ trong tay Berlusconi.
Vào cái đêm mà Thượng viện Italia thành công khi thông qua một dự luật nhằm cứu Berlusconi khỏi các tòa án đang muốn đưa ông ra xét xử vì các tội hối lộ và trốn thuế, một cách tuyệt vời để tiếp tục duy trì sự tồn tại trên chính trường mà không phải ra vành móng ngựa cho đến khi chết già, thì món đồ chơi của ông không thoát khỏi một thất bại ê chề trên đất châu Âu, trong một phiên tòa mà không luật nào có thể cứu nổi. Đấy dường như là hệ quả cuối cùng (hay chỉ là tiếp theo?) từ quá trình xuống dốc không phanh của một đội bóng đã chết già trên vinh quang quá khứ. Thời gian không ngừng lại, nhưng chiếc đồng hồ Milan đã chết từ tháng 12/2007, sau khi giành được chức VĐ giải World Cup Club năm ấy. Ngoảnh lại nhìn những năm tháng quá khứ vàng son của triều đại Berlusconi, những thất bại như trên đất Anh đêm thứ tư vừa qua không thực sự đau đớn (trừ tỉ số). Đội bóng hiện tại không còn mạnh như những năm tháng hoàng kim mà vẫn chịu những trận thua kinh hoàng hơn nhiều, như đã thua tan tác Deportivo 0-4 năm 2004 hay đã thua cay đắng khi tất cả nghĩ rằng họ sắp thắng Liverpool năm 2005 ở Istanbul, nhưng các Milanista và những người yêu calcio vẫn không khỏi chạnh lòng tự hỏi, Milan đấy ư?
Sau cái đêm khủng khiếp ở Istanbul, Berlusconi chua chát bảo: “Bóng đá cũng như chính trị. Khi ta nghĩ rằng mình đã thắng, thì cuối cùng lại thua”. 5 năm sau, khi theo dõi trận này trên tivi, chắc ông sẽ tự nhủ: “Bóng đá khác chính trị. Vì chính trị đôi khi có thể nhào nặn được và ta luôn thắng, còn bóng đá thì không”. Phải, con người luôn sống trên đỉnh cao quyền lực và biết bao lần vươn lên chiến thắng từ những cuộc lội ngược dòng ngoạn mục vẫn đang cố gắng để giữ cho mình không tuột dốc, nhưng Milan và những ý tưởng tấn công đẹp đẽ cũng như những lời hiệu triệu vang lên ngày càng nhiều của nó đã ở phía bên kia của cái dốc thất bại. Sau Cúp Liên lục địa 2007, không còn gì nữa. Họ đã thua Arsenal 0-2 ngay ở San Siro tháng 2/2008, đã bị Werder Bremen đánh bại ở vòng knock-out Cúp UEFA mùa trước, và bây giờ, bị làm nhục bởi M.U. Họ đã ở chân dốc chưa, hay vẫn còn xuống tiếp thì không ai xác định được. Galliani bảo: “Sẽ rất khác ở Old Trafford, nếu có 100 triệu euro”. Ông nhầm. Real Madrid vẫn thua dù đã đắp đến 250 triệu vào thân mình. M.U và một số CLB Anh còn nợ gấp đôi Milan, nhưng tại sao họ vẫn thắng và áp đặt quyền lực trên đất châu Âu? Từ sau chiến thắng ở đêm Athens rực lửa 2007, Milan đã chỉ còn quá khứ ấy để mà sống. Không phương hướng phát triển, không có những đầu tư quan trọng tăng chiều sâu của đội hình, không bổ sung cho nó những cầu thủ trẻ xuất sắc, không có những cải tổ hoặc hy sinh cần thiết để thôi sống trên lưng các công thần. Milan ngày một già đi và cứ mỗi mùa xuân đến lại chiêu nạp cho mình những ngôi sao làm cảnh để kiếm tiền theo dạng Beckham.
Đội bóng đã ra sân Old Trafford đêm thứ tư không phải Milan. Nó chỉ là một tập hợp của những con người gánh trên vai sức nặng kinh khủng của tuổi tác và những thắng lợi trong thập niên đầu của thế kỉ 21 (Pirlo, Inzaghi, Gattuso, Ambrosini, Seedorf), của những con người mới mẻ (Thiago Silva), những người cũ mới trở lại (Nesta) và những sự đầu tư dựa ý thích ngông cuồng của ông chủ (Ronaldinho) cũng như những vớt vát cuối cùng về mặt hình ảnh và tiền bạc với một ngôi sao đang hết thời (Beckham). Những thắng lợi được đưa lên mây xanh. Những thất bại được bao biện bằng những lời than vãn về việc không có tiền để cạnh tranh với các đại gia của Galliani, những lời ca thán của Berlusconi về việc mức thuế trên đất Anh hay TBN thấp hơn (ông thừa hiểu rằng, giảm thuế thu nhập để “thu hút các ngôi sao về Milan” cũng là để giảm thuế cho ông, một trong những người giàu nhất nước Ý và vẫn còn giàu nữa). Bao trùm lên tất cả luôn là một niềm lạc quan ảo tưởng trong những cuộc lên dây cót tinh thần không dứt mà đạo diễn của nó là Berlusconi. Làm sao có thể chiến thắng chỉ bằng niềm tin, hay lên tiếng hô hào theo kiểu các chính trị gia là cách duy nhất còn lại họ có thể làm vào lúc này?
Đêm thứ tư, bước ra khỏi Old Trafford với những mái đầu cúi gằm không chỉ là Milan. Bước ra cùng với họ là chủ nghĩa thắng lợi tinh thần của Berlusconi cùng thứ bóng đá không tưởng của Leonardo. Sau Athens 2007, Milan như một bức tranh theo chủ nghĩa siêu thực. Đẹp nhưng nặng nề, cả khi thắng lẫn thua, và không cái đinh nào có thể treo được nó.
Anh Ngọc (Roma, Italia)