27/10/2023 06:12 GMT+7 | Bóng đá Italy
Không một CLB bóng đá Italy nào, cũng như nhiều đội lớn khác ở châu Âu, có bảng cân đối kế toán tốt như Milan. Một năm sau khi RedBird mua lại, CLB vừa công bố có lãi.
Sự bùng nổ về doanh thu thương mại, chi phí được kiểm soát và không có nợ, hướng đến xây dựng SVĐ mới, Milan đang thành công với Moneyball.
Con đường từ Elliott đến RedBird
Lần gần nhất Milan báo lãi là 31/12/2006: 2,5 triệu euro, nhờ bán Shevchenko cho Chelsea. Đó là lý do tại sao lợi nhuận 6 triệu euro trong bảng cân đối kế toán tính đến 30/6/2023 có ý nghĩa lịch sử. Sau cuộc giải cứu của Elliott, Milan tái cơ cấu thành công trong năm đầu tiên với RedBird. Chênh lệch doanh thu và chi phí hoạt động - chưa tính thuế - là 8 triệu euro, 398 so với 390 triệu euro. Không CLB Italy nào sánh được. Chắc chắn không phải Juventus hay Inter, những đội báo lỗ 123 và 85 triệu euro; không phải Roma hay Lazio; cũng không phải Atalanta hay Napoli, những đội dự kiến sẽ có lãi nhưng chỉ nhờ vào lãi vốn.
Quá trình phục hồi của Milan, đi kèm khả năng cạnh tranh từ Serie A ra châu Âu, thể hiện qua doanh thu ròng: -195 triệu euro mùa 2019-20; -96 mùa 2020-21; -66 mùa 2021- 22; mùa trước đạt +6. Nhưng như thế không đủ. Khoản nợ tài chính ròng tính đến 30/6 thậm chí còn dương. So với khoản nợ 71 triệu euro, thanh khoản ở mức 82 triệu, nghĩa là +11 triệu. Ngày 30/6/2022, mức này là -28 triệu. Việc cải thiện số nợ không liên quan đến thấu chi hoặc trái phiếu ngân hàng, mà là bao thanh toán, tức là các khoản ứng trước cho hoạt động tín dụng tương lai.
Chính sách mà Elliott bắt đầu hiện được RedBird kế thừa và phát triển hơn nữa. Một mặt là tăng trưởng doanh thu, nhờ kết quả trên sân và sự hồi sinh của thương hiệu. Mặt khác là khả năng kiểm soát chi phí, đặc biệt là ngân sách quản lý đội, chủ yếu nằm ở mức lương.
Mùa giải 2018-19, mùa giải cuối cùng hoạt động hết công suất trước dịch Covid-19, Milan có doanh thu ròng 216 triệu euro. Ngược lại, 249 triệu euro được chi ra, gồm quỹ lương 185 triệu, trong đó 169 triệu cho đội, cùng khoản khấu hao 80 triệu. Như vậy, CLB chi 115% doanh thu, không gồm chuyển nhượng. Một tình huống không bền vững. Mùa 2022-23, doanh thu tăng vọt lên 398 triệu trong khi lương giảm xuống 174 triệu (149 cho đội một). Khấu hao cũng giảm còn 51 triệu. Chi phí chung cho đội một giới hạn mức 200 triệu, chiếm 50% doanh thu. Một kết quả ấn tượng.
Ưu tiên sân mới
Trong khoảng thời gian mà doanh thu tăng gấp đôi và chi phí giảm, Milan giành scudetto và là vị khách thường xuyên ở Champions League. Những màn trình diễn thể thao được khai thác một cách khéo léo bởi những người đang nâng cao thương hiệu Rossoneri và đánh thức niềm đam mê đang ngủ quên của khán giả, ở Italy lẫn nước ngoài. Con số 73 triệu doanh thu từ San Siro, gấp đôi so với thời kỳ trước đại dịch, phản ánh điều này, cùng 127 triệu doanh thu thương mại. Trước mùa dịch chỉ đạt 57 triệu; hoặc 83 triệu mùa 2021-22.
Mùa hè vừa qua, công ty con Milan Management Middle East được thành lập tại Dubai để đại diện và quản lý các hoạt động thương mại trên khu vực này, đặc biệt liên quan đến Emirates. Triển vọng năm tài chính 2023-24 rất tươi sáng. Chiến dịch bán vé mùa sớm báo cáo doanh thu tăng. Quan trọng hơn, chuyển nhượng hè 2023 tạo ra 48,5 triệu tiền lãi vốn (đáng kể là Tonali đến Newcastle), trong khi mức đầu tư 91,3 triệu USD được khấu hao cho nhiều năm tiếp theo. Có nghĩa là ngày 30/6/2024, Milan sẽ ăn mừng lợi nhuận dương mùa thứ hai liên tiếp.
Đứng đầu chương trình về quyền sở hữu mới là SVĐ. Quỹ RedBird do Gerry Cardinale đứng đầu mua lại 99,93% cổ phần Milan từ 31/8/2022 thông qua Acm Bidco, công ty có văn phòng đăng ký tại Amsterdam. Đồng thời, cổ phiếu CLB được thế chấp cho Rossoneri Sport Investment Luxembourg, có thể hiểu là cho người bán Elliott. Trên thực tế, đây là khoản vay của nhà cung cấp, gồm 550 triệu được Elliott cấp cho RedBird và trả trong 3 năm, lãi suất 7%.
Giá trị doanh nghiệp tăng từ 1,2 lên 1,3 tỷ euro, sự tăng trưởng rõ rệt hơn nữa của vũ trụ Milan. Do đó, SVĐ mới là ưu tiên hàng đầu. Tiền chuyển nhượng được tái đầu tư thông qua bán ngôi sao, như trường hợp Tonali. Cardinale muốn hai cánh tay của mình, chủ tịch Scaroni và CEO Furlani, duy trì khả năng tự chủ mặt quản lý, nhằm cung cấp cho Milan số tiền cần thiết để trang trải chi phí xây dựng sân mới. Tất cả đều đang đi đúng hướng một dự án có khả năng định vị Milan ở một tầm cao hơn.
Chính sách Moneyball
Ngay khi mua Milan, Cardinale không ngừng nói về thuyết Moneyball, một phim nổi tiếng có Brad Pitt tham gia sản xuất và đóng chính. Phim lấy cảm hứng từ nhân vật có thật: Billy Beane, cựu cầu thủ bóng chày và hiện là nhà quản lý thể thao. Thực tế, Beane cũng là một phần trong RedBird. Beane cùng với Cardinale lập công ty RedBall chuyên đầu tư thể thao chuyên nghiệp. Luke Bornn, người từng quản lý CLB bóng rổ Sacramento Kings và AS Roma, là phó chủ tịch điều hành.
Trước khi đầu tư vào Milan, năm 2020, RedBird mua lại 85% cổ phần Toulouse mà Bornn tham gia điều hành. CLB từ Ligue 2 lên Ligue 1 và mùa nay đang dự Europa League thông qua chiến thắng Cúp Pháp. Để tránh vi phạm quy tắc về sở hữu nhiều CLB thuộc các giải đấu UEFA, Bornn rút lui nhưng Toulouse vẫn hoạt động dưới quyền RedBird. Nhờ vậy, UEFA cho Toulouse và Milan cùng dự cúp châu Âu mùa này. Chủ tịch hiện tại của Toulouse là Damien Comolli, người từng đại diện cho tập đoàn Fenway Sports Group áp dụng thuyết Moneyball ở Liverpool, tiền đề giúp CLB vô địch Champions League và Premier League.
Có thể nói, đây là xu thế chung của thể thao hiện đại, như Man City đứng đầu nhóm 13 CLB trên thế giới, Red Bull đầu tư vào một số CLB châu Âu, hay giới chủ Chelsea có cổ phần Strasbourg ở Ligue 1. Trong bối cảnh bóng đá ngày càng được quyết định bởi "Big Data", dựa trên dữ liệu và số liệu thống kê, Moneyball ngày càng thêm nổi bật. Cả Milan lẫn Toulouse đều thành công về tài chính lẫn danh hiệu trong thời gian rất ngắn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất