Người dân tự phát về quê: Đừng để nhu cầu 'chính đáng' trở thành hành vi nguy hiểm, sai trái

01/10/2021 22:17 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Con đường về nhà vốn tưởng như rất đỗi bình thường, chính đáng của nhiều người dân các tỉnh thành miền Tây cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước hiện đang sinh sống, làm việc ở TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai lại đang trở nên rất gian truân.

Khuyến cáo việc người dân tự phát về quê bằng xe máy

Khuyến cáo việc người dân tự phát về quê bằng xe máy

Ngày 1/10, gần 200 người dân ngoài tỉnh qua chốt cầu Rạch Miễu (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) để về quê. Lực lượng chức năng đã tập trung chốt chặn, xử lý từng trường hợp để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ai cũng biết, trong điều kiện dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, người dân phải chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch. Thế nhưng, dù thế nào đi nữa, xin hãy đừng để những nhu cầu chính đáng của người dân trở thành những hành vi nguy hiểm, sai trái với bất cứ lý lo nào.

Chú thích ảnh
Hàng nghìn người dân tập trung khu vực Quốc lộ 1 đoạn qua Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Trong hai ngày 30/9 và 1/10, hàng ngàn người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai (gọi tắt là khu vực) đã di chuyển bằng xe máy với lỉnh kỉnh đồ đạc hướng đến các chốt kiểm soát ở các khu vực cửa ngõ mang theo “niềm tin” hanh thông trong con đường về quê sau bao ngày cơ cực nơi “đất khách quê người”, vất vả mưu sinh.

Đặc biệt, họ đang là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, mất việc làm, không có nguồn thu nhập nào. Vì vậy, với họ, việc lựa chọn con đường về quê được - xem như giải pháp cuối cùng thoát cảnh khó khăn hiện nay.

Chú thích ảnh
Người dân được chở về quê bằng xe ô tô. Ảnh: TTXVN phát

Có thể nói, người dân lao động nhập cư tại Thành phố Hồ Chí Minh đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, ở lại không xong, về cũng không được. Tình trạng này đã từng diễn ra trước những ngày Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chuẩn bị tăng cường thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

Đến ngày 30/9, khi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành nới lỏng giãn cách xã hội, họ đã chuẩn bị cho “kế hoạch” về quê khi kéo về chốt kiểm soát giáp ranh với tỉnh Long An ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh.

Những hành động tự phát này ngoài không đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19, vi phạm trong quá trình di chuyển trên đường, ảnh hưởng sức khỏe, nhất là đối với trẻ em, người lớn tuổi. Thậm chí, một số người đã có biểu hiện kích động tại trạm kiểm soát đêm 30/9.

Chú thích ảnh
Lực lượng công an phân luồng, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực người dân tập trung trên Quốc lộ 1, đoạn qua Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Nhiều người dân đã cố thủ tại đây từ nhiều giờ từ tối 30/9 đến sáng 1/10 cho biết, họ thất nghiệp đã hơn 4 tháng trời, hầu như không có nguồn thu nhập nào, nhưng lại phải chi rất nhiều khoản như tiền trọ, tiền ăn, tiền điện, tiền nước; hỗ trợ của nhà nước và mạnh thường quân cũng chỉ cầm cự được ít ngày. Về quê, tuy khó khăn nhưng đỡ phải lo lắng bệnh tật, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Con cái học hành cũng ổn định hơn.

Những chiếc xe máy chở theo cả gia đình với 3-4 con người và lỉnh kỉnh đồ đạc, tư trang trên đó cùng với “quyết tâm” vượt qua các chốt kiểm soát dọc hành trình về quê. Xót xa hơn, trong dòng người đó, có rất đông trẻ em, người lớn tuổi hiển rõ sự mệt mỏi trên khuôn mặt trong hành trình về quê nhà. Hàng trăm con người đã trải qua một đêm “màn trời, chiếu đất” để chờ được giải quyết qua chốt trong đêm 30/9. Mỗi người một đích đến nhưng ở đó có người thân, có gia đình có sự bình yên, dù có khó khăn vất vả phía trước.

Chú thích ảnh
Nhiều người chở cả con nhỏ để về quê. Ảnh: TTXVN phát

Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9 nêu rõ: Yêu cầu đi lại của người dân trong “khu vực” và với các tỉnh, thành phố khác là rất lớn và chính đáng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong "khu vực" dù đã từng bước được kiểm soát nhưng vẫn còn phức tạp do dịch bệnh đã nhiễm sâu trong cộng đồng. Cùng với đó, mức độ bao phủ vaccine của các địa phương còn thấp; nếu dịch bệnh lan rộng sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Nhấn mạnh việc việc kiểm soát chặt là vì an toàn, bảo vệ sức khỏe của người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nếu không có việc cần thiết, người dân cần hạn chế tối đa việc di chuyển tới các chốt. Việc này cũng là tạo điều kiện để ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa và sản xuất kinh doanh”.

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương lân cận đã thực hiện nhiều biện pháp, đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động người dân ở lại địa phương, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo như tiêm vaccine phòng COVID-19, triển khai các hỗ trợ về tiền mặt, gói an sinh xã hội, đồng thời cũng đưa ra các thông tin về nhu cầu lao động việc làm, tổ chức các hoạt động tạo việc làm cho người lao động có nguồn thu nhập, tự trang trải cuộc sống sống cho bản thân và gia đình. Tương tự, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong thời gian qua cũng đã có những chính sách, chăm lo cho người dân khó khăn rất thiết thực.

Nhu cầu về quê của người dân là chính đáng. Thực tế, họ cũng mong muốn có thể tự lo cho cuộc sống của mình, không trông chờ vào sự hỗ trợ của địa phương hay nhà nước. Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9 cũng nêu rõ: Việc đưa đón người ra, vào "khu vực" phải được chính quyền các tỉnh, thành phố trong "khu vực" và tỉnh, thành phố khác thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo. Các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong "khu vực" tuyên truyền, vận động và có sự hỗ trợ cần thiết để động viên nhân dân không tự ý di chuyển về quê; phối hợp đưa công nhân, người lao động đã về quê trở lại các tỉnh, thành phố trong "khu vực" để khôi phục sản suất.

Thực hiện các giải pháp khôi phục kinh tế - xã hội thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn, động viên người lao động ở lại tiếp tục đóng góp, cùng đồng hành với thành phố. “Tuy nhiên, nếu người dân có nguyện vọng về quê, Thành phố sẽ phối hợp với các tỉnh, thành để đưa người dân về quê một cách chu đáo. Thời gia qua, Thành phố đã tổ chức 54 đợt đưa người dân về các địa phương”, đại điện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chia sẻ. Ngay trong ngày 1/0, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các địa phương để tổ chức cho hơn 1.300 người dân di chuyển một cách thuận lợi, đảm bảo an toàn trên đường về quê; tổ chức test nhanh COVID-19, bố trí hơn 30 xe ô tô để chở người lớn tuổi, trẻ em.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn người dân không nên tự phát di chuyển về quê bằng phương tiện cá nhân, các cơ quan chức năng thành phố sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố để đưa người dân có nhu cầu về quê chu đáo, đảm bảo sức khỏe và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 nơi người dân đi về.

Thiết nghĩ, với các địa phương có người dân có nguyện vọng về, dù biết gặp khó khăn về điều kiện cách ly, quản lý để đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch nhưng cũng cần có trách nhiệm, quan tâm đón người dân trở về địa phương. Chính quyền các địa phương cần có kế hoạch, tổ chức phối hợp để có đưa người dân về quê, qua đó tránh được việc người dân tự phát di chuyển bằng xe cá nhân, bị ách tắc tại các chốt kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, nhất là nguy cơ lây lan dịch COVID-19 khi dịch đang còn diễn biến phức tạp.

Anh Tuấn/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm