15/07/2025 07:43 GMT+7 | Văn hoá
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra thành cổ Penico ở miền Bắc Peru từ năm 2017. Đây là trung tâm đô thị sôi động, tồn tại trong khoảng từ năm 1800 tới 1500 trước Công nguyên (TCN). Phát hiện này góp phần định hình lại hiểu biết của nhân loại về lịch sử thời kỳ tiền Columbus (*).
Sau nhiều năm khai quật và nghiên cứu, thành cổ Penico vừa chính thức mở cửa đón khách du lịch vào ngày 12/7 qua.
Phản ứng trước biến đổi khí hậu
Penico có niên đại 3.500 năm, tức là cùng thời kỳ các nền văn minh sơ khai ở Trung Đông và châu Á đang phát triển rực rỡ. Đáng nói, Penico có đời sống xã hội tinh tế và phức tạp có thể sánh ngang với các nơi kia.
Tọa lạc tại trung tâm thung lũng Supe thuộc tỉnh Barranca, cách thủ đô Lima của Peru khoảng 200km về phía Bắc và nằm ở độ cao 600 mét so với mực nước biển, Penico cung cấp những hiểu biết mới mẻ về di sản của nền văn minh Caral - nền văn minh lâu đời nhất được biết đến ở châu Mỹ.
Thành cổ Penico nhìn từ trên cao xuống.
Tiến sĩ Ruth Shady, giám đốc Khu khảo cổ Caral, là người đứng đầu nhóm khai quật và lập bản đồ Penico trong 8 năm qua. Qua các cuộc khảo sát được thực hiện bằng máy bay không người lái lẫn các phương pháp khảo cổ học truyền thống, nhóm nghiên cứu đã xác định được ít nhất 18 công trình, bao gồm các tòa nhà công cộng, khu phức hợp dân cư và khu đền thờ.
Nổi bật nhất là quảng trường hình tròn ở trung tâm, được xây dựng trên sườn đồi, bao quanh bởi kiến trúc bằng đá và gạch bùn. Thiết kế này phản ánh quy hoạch đô thị cẩn thận, với vị trí cao nhằm tăng cường tầm nhìn và chống lũ lụt. Nơi đây cũng thể hiện thế giới quan dựa trên sự cân bằng, tính tập thể khi cho phép các nhóm người khác nhau tụ họp, tiếp khách, tổ chức các nghi lễ và phân phối sản phẩm.
Khách tham quan chứng kiến nghi lễ tạ ơn mẹ Trái đất Pachamama, được tổ chức tại Penico.
Các phân tích xác định niên đại cho thấy Penico tồn tại vào khoảng năm 1800 đến 1500 TCN, tức cùng thời với các nền văn minh Ai Cập, Sumer và Harappan sơ khai. Tuy nhiên, khác với các nền văn minh này, Penico khi đó phát triển biệt lập so với bối cảnh chung ở thung lũng Supe - vốn bắt nguồn từ xã hội Caral từng phát triển mạnh mẽ vào khoảng năm 3000 TCN.
Theo tiến sĩ Shady, Penico xuất hiện sau khi Caral gặp khủng hoảng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, khi tình trạng khan hiếm nước dẫn đến khủng hoảng lương thực, nhiều người chết, sự suy tàn của các thể chế và sự bỏ hoang của các trung tâm đô thị cũ.
"Hạn hán là tác động tàn khốc nhất" - bà Shady giải thích - "Không có nước trong các con sông hay trên những ngọn núi phủ tuyết ở Andes. Vì không có nông nghiệp nên không có sản phẩm nào để trao đổi với ngư dân. Hơn nữa, biển ấm lên. Điều đó cũng ảnh hưởng đến nghề cá".
Tiến sĩ Ruth Shady, giám đốc Khu khảo cổ Caral, là người đứng đầu nhóm khai quật và lập bản đồ Penico trong 8 năm qua.
Penico như phản ứng trước Caral suy tàn. Thành cổ này đại diện cho sự tiếp nối bền vững khi vừa bảo tồn các yếu tố kiến trúc và nghi lễ của tổ tiên, tiếp thu mạng lưới xã hội và kinh tế tinh tế, đồng thời thích nghi với môi trường đang thay đổi.
Ngay từ ban đầu, Penico đã được hình thành như một điểm giao thương. Vị trí của nó kết nối được với các tuyến đường nối liền các cộng đồng đánh cá Thái Bình Dương với các xã hội vùng cao nguyên Andes và các khu định cư ở rừng rậm Amazon.
Vai trò "thành phố hội nhập" về cả xã hội và kinh tế của Penico được thể hiện rõ qua các hiện vật khai quật được: Vòng cổ làm bằng xương, vỏ sò và hạt đá hoa đào; các tác phẩm điêu khắc bằng đất sét và hình động vật; cùng với việc phát hiện ra huyết sa - thứ có thể được sử dụng cho các nghi lễ tôn giáo và đặc biệt là pututo.
Pututo là loại kèn vỏ ốc xà cừ, có thể truyền âm thanh đi xa, thường xuất hiện trong văn hóa vùng cao nguyên Andes. Những nhạc cụ này là một phần không thể thiếu trong các thông báo công khai, các cuộc họp và nghi lễ tôn giáo. Các nhà khảo cổ cho rằng đây là biểu tượng về quyền lực và uy quyền trong xã hội Penico.
Bài học cho hiện tại
Việc phát hiện ra Penico đã giúp lấp đầy khoảng trống mù mờ trong khảo cổ học vùng Andes, giữa thời kỳ suy tàn của Caral và sự xuất hiện của nền văn hóa Chavin hơn 1 thiên niên kỷ sau đó.
Theo tiến sĩ Shady, "Penico mở rộng danh sách di chỉ khảo cổ có thể được tham quan dưới sự quản lý của chúng tôi", cùng với Caral, Aspero và Vichama, mở ra một chương mới trong lịch sử của các nền văn minh tiền Columbus.
Nhiều potuto (kèn vỏ ốc) được tìm thấy tại Penico.
Vào 11h sáng ngày 12/7, tiếng pututo vang lên đã phá vỡ sự im lặng của thung lũng Supe. Đó là thông báo đầu tiên cho biết thành cổ 3.500 năm Penico chính thức mở cửa đón khách.
Rất đông du khách từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về. Mọi người đều tập trung tại quảng trường hình tròn trung tâm. Tại đây, nghi lễ tạ ơn mẹ Trái đất Pachamama đã được tổ chức với nhiều nghi lễ trang trọng và vật phẩm cúng tế.
Đây không phải một màn trình diễn. Khách tham quan cũng cảm thấy Penico không chỉ là điểm du lịch mà còn là nơi mang tới kết nối sâu sắc với quá khứ. Không phải thành phố chết, Penico sống động với những biểu hiện về quyết định tập thể, quy hoạch đô thị, giải quyết khủng hoảng khí hậu và kiến thức được truyền qua nhiều thế hệ.
Từ quảng trường này, du khách có thể đi tới các đền thờ, dinh thự, hội trường, nơi trưng bày các di tích, bao gồm cả một khu vực dành riêng cho các pututo. Tất cả cho thấy Penico không chỉ là trung tâm hành chính hay kinh tế, mà còn là không gian gặp gỡ, giao lưu và đối thoại giữa các nền văn hóa ven biển, cao nguyên và rừng rậm.
Thành cổ Penico chính thức mở cửa đón du khách từ 12/7/2025.
Ban ngày, các cuộc thi vẽ tranh và biểu diễn múa truyền thống cũng được tổ chức cho khách tham quan. Khách cũng có thể nhìn thấy các sản vật bản địa: Ngô, dưa hấu, ớt,…, thể hiện sự tương phản giữa cảnh quan khô cằn và môi trường nông nghiệp tươi tốt.
"Chúng ta vẫn cần biết cách thức tổ chức nhà ở, cách các cộng đồng này sinh sống sau khi Caral sụp đổ" - theo tiến sĩ Shady - "Khảo cổ học không chỉ nên trình bày các hiện vật hay di tích, mà còn cung cấp thông tin lịch sử giúp khơi gợi sự suy ngẫm trong cộng đồng ngày nay".
Tiến sĩ cũng chỉ ra rằng những tác động của biến đổi khí hậu đã xóa sổ Caral không phải là một hiện tượng đơn lẻ. "Điều tương tự cũng xảy ra ở các trung tâm đô thị Bắc Lưỡng Hà" - bà nói - "Ở đó, hạn hán cũng rất nghiêm trọng. Và ở biển, nước ấm lên".
Hơn thế, bà nhận định rằng những hiện tượng tự nhiên này còn xảy ra định kỳ. "Đó là lý do tại sao cần phải hiểu lịch sử này, bởi vì nó giúp chúng ta chuẩn bị cho những thách thức của hiện tại" - theo tiến sĩ Shady.
Thành cổ Machu Picchu là một trong những di tích quý giá nổi tiếng nhất ở Peru.
(*): Thời kỳ tiền Columbus bao gồm các giai đoạn lịch sử của châu Mỹ trước khi chịu ảnh hưởng đáng kể từ châu Âu.
Nhiều khám phá khảo cổ ở Peru
Peru là nơi có nhiều khám phá khảo cổ quan trọng nhất của châu Mỹ, bao gồm tàn tích Machu Picchu của người Inca và những Đường Nazca bí ẩn. Thành cổ Machu Picchu được đế chế Inca xây dựng vào khoảng thế kỷ 15. Trong khi đó, các Đường Nazca - một loạt hình ảnh giống động vật được khắc rất lớn trên mặt đất - được cho là có niên đại từ năm 200 TCN đến năm 500 sau CN.
Bản thân Penico cũng chỉ là một phần của một hệ thống lớn hơn: 25 khu định cư hoành tráng ở thung lũng Supe, trong đó chỉ có 11 khu đang được nghiên cứu. Việc công bố Penico là khoảnh khắc quan trọng đối với ngành nhân chủng học và khảo cổ học, cho thấy các nền văn minh lớn, có tổ chức đã phát triển độc lập trên khắp thế giới thế nào. Nó cung cấp góc nhìn lịch sử mới mẻ về khả năng thích nghi, mạng lưới thương mại và khả năng phục hồi văn hóa của các xã hội Andes sơ khai.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục khám phá quanh Penico và phân tích các hiện vật, hứa hẹn thành cổ này sẽ định hình lại quan điểm học thuật về nền văn minh Andes. Nó là minh chứng cho sự khéo léo và sự gắn kết cộng đồng của con người, làm nổi bật cách các cấu trúc xã hội tiên tiến đã phát triển sớm hơn nhiều và dưới nhiều hình thức đa dạng hơn so với trước đây được công nhận.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất