08/11/2018 19:35 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Du học sinh quốc tế là những học sinh nước ngoài đến từ ngoài EU. Đối với học sinh quốc tế đến Anh học được chia làm 2 nhóm: nhóm 1 (số ít) là con cái những người nước ngoài được phép làm việc tại Anh có thời hạn như làm cho các tổ chức trực thuộc chính phủ các nước, làm cho các công ty của Anh và các công ty nước ngoài đóng tại Anh; và nhóm 2 là các du học sinh quốc tế.
Đối với nhóm 1, có thể được phép học tại các trường công của Anh không mất tiền, tuy nhiên không được xin các trợ cấp từ quỹ phúc lợi xã hội Anh. Việc đăng ký sắp xếp theo học trường nào sẽ do hội đồng khu vực nơi đăng ký chỗ ở xếp, dựa trên nếu các trường công nào trong khu vực còn chỗ. Nhiều khả năng sẽ được gửi đến các trường chất lượng thấp vì chỉ có những trường đó là luôn còn chỗ nhận học sinh mới đến.
Với các trường công tốt, danh sách đợi xin học có thể đợi đến mấy năm vẫn chưa có chỗ trống. Những học sinh này sẽ theo học chương trình của người bản xứ. Do vậy, các em sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với du học sinh học tại các trường quốc tế ở Anh vì chương trình giảng dạy cho học sinh tại các trường quốc tế sẽ được thiết kế cho phù hợp đối tượng học. Du học sinh học tại các trường quốc tế trường tư có lợi thế hơn vì lớp ít học sinh, giáo viên tập trung vào những môn chính để thi vào đại học, không học nhiều môn như trường công. Do vậy, tỷ lệ du học sinh được nhận vào các trường đại học tốt ở Anh cao hơn so với học sinh nước ngoài theo học các trường công của Anh.
Việc kèm học thêm ở Anh ở các bậc GCSE và A level được tổ chức rất quy củ và rõ ràng. Giáo viên không được dạy thêm lấy tiền đối với học sinh của trường mình. Tiền phụ đạo học thêm ở Anh dao động trung bình từ 25 bảng- 50 bảng/giờ (khoảng 850.000 đồng- 1.650.000 đồng/giờ). Học sinh có thể đến trung tâm luyện, hoặc học trực tuyến trả tiền qua mạng, hay gia sư đến tận nhà kèm. Mặc dù học ở trường công không mất tiền học phí, nhưng chi phí cho học thêm đối với học sinh Anh cũng như học sinh quốc tế theo học tại các trường công không phải là điều quá ngạc nhiên. Phụ huynh học sinh Anh thường chi trả thêm tiền học ngoại khóa, tiền học đàn, hát, múa ...cho con em mình.
Nhận xét về yếu tố quyết định chất lượng giáo dục của Anh, chị Trần Hương Ly, đại diện của Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam tại Vương quốc Anh, cho rằng hệ thống đánh giá chất lượng của Anh là yếu tố then chốt đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng học sinh tại các trường học ở Anh.
Đối với các trường phổ thông, tổ chức Ofsted, một tổ chức độc lập với Bộ Giáo dục Anh, trực tiếp kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất của nhà trường và chất lượng học sinh và báo cáo trực tiếp cho Quốc hội. Đối với hệ thống đại học sẽ do Cục Quản lý chất lượng giáo dục đại học (QAA) đánh giá và công bố công khai trên mạng của tổ chức này. Việc tự chủ tài chính ở các trường đại học giúp các trường được quyền tự quyết cao hơn đối với công tác quản lý, nội dung giảng dạy và tiêu chí tuyển sinh. Vai trò của Bộ Giáo dục Anh chủ yếu ở mảng đưa ra các chính sách giáo dục nói chung cho các bậc học ở Anh nhằm đảm báo chất lượng đào tạo , đảm bảo quyền lợi của người học gồm cơ hội học tập, cung cấp đủ thông tin liên quan đến học thuật và đảm bảo cơ sở vật chất tại các trường học.... Quyền tự chủ của các trường được đề cao tối đa.
Giáo dục Anh quốc là một ngành công nghiệp kiếm tiền với du học sinh quốc tế đóng góp một khoản thu lớn cho ngân sách giáo dục của nước này. Hiện nay, số lượng du học sinh Việt Nam tại Anh ước chừng khoảng 12.000 em, đa phần theo diện du học tự túc với mức chi phí trung bình khoảng 700 triệu đồng/năm cho hệ GCSE và A level cho học phí, chi phí ăn, ở, đi lại, y tế và khoảng 900 triệu đồng/năm đối với học sinh bậc đại học và sau đại học. Các ngành sinh viên Việt Nam thường theo học là kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, y, dược, kỹ sư, quản trị kinh doanh, quan hệ quốc tế....
Hiện nay, Anh không có chính sách cho sinh viên quốc tế được phép ở lại Anh làm việc một thời gian nhất định sau khi tốt nghiệp. Các điều kiện để được cấp visa làm việc tại Anh cho sinh viên nước ngoài mới tốt nghiệp là vô cùng khó vì Anh áp chỉ tiêu cấp visa làm việc cho lao động nước ngoài. Những người có thu nhập tối thiểu trên 30.000 bảng/năm mới đủ điều kiện tối thiểu để nộp đơn xin cấp visa làm việc.
Đây là mức lương khá cao đối với sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Anh. Vấn đề làm thêm ở Anh đối với du học sinh cũng có quy định số giờ trong tuần. Với mức lương tối thiểu lao động theo giờ khoảng 7,25 bảng/giờ, du học sinh không thể đủ trang trải cho mọi chi phí sinh hoạt của mình. Do vậy, các em chủ yếu vẫn dựa vào trợ cấp từ gia đình. Cho dù chi phí đắt đỏ, cơ hội ở lại tìm việc làm thấp nhưng Anh vẫn được ví như là thanh nam châm thu hút du học sinh trên toàn thế giới do chất lượng giáo dục và chất lượng cuộc sống tại đây.
Diễm Quỳnh – P/v TTXVN tại Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất