01/05/2010 08:07 GMT+7 | Phim
(giaidauscholar.com) - Trong quá trình thực hiện loạt bài nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2010), chúng tôi đã có nhiều cuộc tìm kiếm lại những gương mặt không thể quên của điện ảnh Cách mạng, của Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Biệt động Sài Gòn, Hòn Đất…, và không thể thiếu Sáu Tâm của Biệt động Sài Gòn - người đàn ông có gương mặt “xi nê” nhất của điện ảnh Việt Nam một thời: Thương Tín.
Gọi tới số máy 090…, đầu dây là Thương Tín, anh vui vẻ cho một cuộc hẹn. Nhưng rồi cuộc hẹn ấy cứ kéo dài để mãi vẫn còn là một cuộc hẹn: khi anh nói bận vì bố ốm, lúc lại cho biết con trai anh gặp nạn…Chúng tôi hiểu Thương Tín chưa sẵn sàng cho một lần xuất hiện trở lại… Nhưng có một người luôn sẵn sàng nói về anh, thậm chí, còn bất bình với một vài bài báo viết về Thương Tín thời gian gần đây. Người ấy là nghệ sĩ Minh Hoàng.
Minh Hoàng học cùng Thương Tín tại trường Kịch nghệ Quốc gia TP.HCM thời kỳ sau giải phóng, ra trường thì cùng làm việc tại một số đoàn kịch nói. Nhưng nếu như Thương Tín từng “dậy sóng” trên màn bạc từ 20-30 năm trước thì khán giả chỉ biết đến Minh Hoàng từ bộ phim truyền hình Mùi ngò gai. Công việc thành công nhất của Minh Hoàng là viết kịch bản và đạo diễn (một số vở kịch như Tình nghệ sĩ, Trôi theo dòng đời, Ngôi nhà hoang… được giới chuyên môn dành cho khá nhiều thiện cảm).
* Thương Tín hầu như biệt tăm, trong giới nghệ sĩ, nhiều người không rõ anh ấy ở đâu, ra sao, chỉ anh còn lưu số của Thương Tín, nhưng tại sao hai người lại không liên hệ gì nữa?
- Tín rơi vào bế tắc trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống, điều đó làm nó xa lánh mọi người. Chúng tôi là đàn ông, có gặp nhau cũng không phải để tâm sự chuyện nọ chuyện kia, Thương Tín lại là người hay “gặp khó” trong việc bày tỏ tình cảm, nhất là với quan hệ bạn bè, vì vậy mà ít gặp nhau. Nhưng mối liên hệ giữa chúng tôi là tất cả những gì có trong quá khứ.
* Vậy với những gì “có trong quá khứ”, anh có thể chia sẻ những gì về nghệ sĩ nhiều tài nhưng cũng lắm tật này?
- Thương Tín rất ít bạn, bản tính của cậu ấy là khó gần. Điều này, theo tôi, có hai lí do. Thứ nhất là sự thành công của Tín vào những năm đó khiến Tín rất bận rộn, công việc túi bụi, không có thì giờ để có những mối quan hệ với người xung quanh, thậm chí với cả người mến mộ. Nhiều khi, sự khó gần của Tín khiến mọi người xung quanh rất khó chịu. Nhưng như thế không có nghĩa là cậu ấy xấu tính. Tín là người vui vẻ, khôi hài và không chơi xấu ai, không hại ai bao giờ. Lí do thứ hai là cậu ấy hơi đông… bạn gái, chia sẻ thời gian ít ỏi cho họ thôi là cũng hết ngày rồi.
Với một người bạn như tôi, sự chia sẻ của Tín cũng chỉ dừng ở mức vừa vừa thôi. Đến giờ tôi cũng không hiểu Tín nghĩ gì về mình nhưng mỗi lần gặp nhau, chúng tôi vẫn vui vẻ. Lúc Tín đã “thất sủng”, tôi vẫn muốn làm việc chung với cậu ấy, tôi đã lôi cậu ấy về kịch Phú Nhuận để hai thằng diễn chung với nhau như ba chục năm trước. Sau khi Tín bị bắt vì đánh bạc, chúng tôi có gặp lại nhưng chỉ nói chuyện vui chứ không tâm sự gì nhiều vì cuộc sống của Tín sau đó là những điều tế nhị khó chia sẻ. Chỉ biết là trước mình thế nào thì sau này vẫn vậy, nhưng hoàn cảnh thì khác.
* Anh nhìn nhận thế nào về sự “xuống dốc” của Thương Tín?
- Hãy nhìn Thương Tín bằng con mắt cảm thông. Tín sa đà vào chính thời kì mà cậu ấy không còn nổi trội, phải nhường ngôi cho những Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Lý Hùng…, cảm giác mình là một ngôi sao hết thời có thể làm cho bất kì ai rơi xuống vực thẳm, với Tín thì điều đó càng dễ hơn. Từ chỗ được săn đón, nhiều nhà làm phim ở ngoài Bắc còn lặn lội mang cả phim vào trong này quay chỉ để có mặt Tín, đến chỗ bị bỏ rơi thì dễ sinh ra lầm lạc lắm. Những lúc như thế, gia đình là chỗ dựa quan trọng, nhưng Tín lại không có được chỗ dựa ấy. Tín phải trả giá cho cuộc sống tự do khi còn hoàng kim, đó là sự cô đơn vào lúc hết thời. Vợ bỏ, con sống riêng, một thân một mình lủi thủi.
* Vợ con anh ấy giờ ra sao, anh có biết không?
- Vợ Thương Tín học chung với chúng tôi, năm 1977 họ lấy nhau sau khi cùng bị buộc thôi học tại trường Kịch nghệ Quốc gia vì cô ấy… mang bầu. Sinh con xong, cả hai cũng xin về đoàn Kịch Cửu Long Giang nhưng khả năng không nổi trội nên vợ Tín chỉ có những vai quần chúng. Hoàn cảnh sống lúc đó rất khó khăn, Tín đóng nhiều phim, lại đào hoa nữa, nên khi đứa con mới 3-4 tuổi thì họ bỏ nhau. Cách đây vài năm, tôi được Tín mời đến dự đám cưới con trai cậu ấy (nay đã ngoài 30 tuổi, kinh doanh quán cà phê), tôi có nghe vợ cũ Tín nói là sắp đi Mỹ, giờ cũng không biết cô ấy còn ở đây hay đi rồi. Lúc đó, bạn bè anh em còn nói đùa với Tín: “Hôm nay mày được đóng một vai hết sức nghiêm túc, nhưng có lẽ vai này khó cho mày!”
* Tôi biết anh rất bức xúc với những phát biểu của một nghệ sĩ về Thương Tín…
- Phải nói thế này, một diễn viên như Thương Tín ở Việt Nam là rất hiếm, không phải tự nhiên mà những vai diễn của anh người ta vẫn nhớ, ngoài tố chất rất lớn ra, Thương Tín còn có sự nỗ lực không hề nhỏ. Vì thế mà cho đến bây giờ, người ta vẫn còn nhớ Tín, báo chí vẫn đi tìm Tín. Như tôi đã nói ở trên, Tín khó gần nhưng không phải người xấu. Những hiềm khích mà anh chàng nghệ sĩ kia nói ra là theo con mắt của anh ta, một người cũng không lấy gì làm tốt đẹp lắm. Nhưng cần phải hiểu thế này, anh chàng đó không phải người bằng vai phải lứa với Tín, nếu có chuyện bất công chèn ép thì cũng không có gì không đúng, là người trong giới thì càng phải hiểu điều đó bởi đấy là luật bất thành văn ở một đơn vị biểu diễn. Rõ ràng diễn viên ngôi sao phải có vị trí hơn diễn viên mới, và diễn viên trẻ cần phải nỗ lực vươn lên bằng thực tài chứ không phải bằng sự bực tức. Tôi cứ ví dụ thế này, nếu ở đoàn kịch nơi anh ta đang quản lí có sự mâu thuẫn giữa Kiều Oanh với một diễn viên mới vào nghề thì anh ta sẽ đứng về phía ai? Bây giờ vẫn thế thì ngày xưa càng như thế. Tuy nhiên, việc nói ra những điều ấy vào thời điểm Thương Tín đã ở dưới vực thẳm như bây giờ còn thể hiện cả khía cạnh đạo đức của người nói.
Mặt khác, tôi nghĩ rằng chuyện báo chí đào bới cuộc sống của Tín trước giờ nhiều khi cũng là quá nhẫn tâm. Thời điểm Tín đánh bạc và bị bắt, một tờ báo còn dám lấy ảnh Tín đứng sau song sắt chụp từ một bộ phim đưa ra trang nhất và giật tít “Thương Tín bị bắt vì đánh bạc”. Lúc Tín vừa bị bắt, mọi chuyện chưa sáng tỏ mà dùng cái hình ảnh đó thì quá vi phạm nhân quyền. Là một nghệ sĩ, Tín đã làm tốt vai trò của mình, còn là một công dân, cậu ấy sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những sai phạm mà mình gây ra. Cá nhân tôi quan niệm Tín làm được nhiều hơn những bê bối đời tư, chúng ta cần có cái nhìn công bằng hơn với Tín.
* Những thông tin cuối cùng của anh về Thương Tín là gì?
- Mấy năm trước, một người bạn chung của chúng tôi khi làm phim ở quê Thương Tín, Phan Rang, có nói chuyện rằng Tín đã về quê ở với cha già, làm lại cuộc đời. Nhưng giờ bạn lại nói là Tín đang ở TP.HCM. Dù sao, tôi mong bạn tôi sẽ vượt qua được tất cả.
* Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.
Vân Anh (thực hiện)
TT&VH Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất