17/12/2014 12:16 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - 741 cuộc thi đấu của 45 môn và phân môn trong chương trình Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - 2014 đã khép lại hành trình kéo dài gần 5 tháng của sân chơi lớn nhất của nền thể thao nước nhà.
Để đánh giá lại kỳ Đại hội, cũng như làm rõ hơn những ý kiến trái chiều xung quanh việc tổ chức sân chơi này, Thể thao & Văn hoá đã có cuộc trao đổi với ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2014.
Thành công về chuyên môn và công tác tổ chức
Trước tiên, xin ông đánh giá một cách khái quát về chất lượng chuyên môn cũng như công tác tổ chức kỳ Đại hội vừa qua?
- Có thể khẳng định, đây là một kỳ Đại hội thành công trên nhiều phương diện. Việc tổ chức thi đấu chặt chẽ hơn, công bằng hơn và cũng xuất hiện nhiều thành tích khả quan hơn. Đã có 57 KLQG mới được thiết lập và trên 100 lượt phá kỷ lục Đại hội ở các môn điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, bắn cung và lặn. Trong đó, xuất hiện nhiều thành tích rất tốt như của Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Huyền, Dương Văn Thái (điền kinh).
Chất lượng nhiều cuộc thi đấu được nâng lên rõ rệt, thể hiện sự đầu tư và chuẩn bị tích cực của nhiều địa phương. Sự thành công này cũng đến từ sự phát triển phong trào, thể hiện qua việc Đại hội TDTT các cấp đã được tổ chức ở 98,5% số xã, 99,8% số huyện của 63 tỉnh thành phố.
Về công tác tổ chức, Đại hội TDTT lần này tổ chức ở 10 địa phương khác nhau, trong đó Nam Định là địa điểm đăng cai chính và tất cả đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc đầu tư cho lĩnh vực thể thao nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều cấp chính quyền, nhân dân và đây chính là điều kiện thuận lợi để thể thao ngày càng phát triển.
Bên cạnh thành công nói trên, vẫn còn xuất hiện những hạn chế và trở thành bài học quý giá cho những người làm công tác tổ chức. Việc xuất hiện những phản ứng không đẹp của 1 HLV, 1 VĐV ở môn vật là một điển hình. Sự việc như thế này dù không nhiều, nhưng làm ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của Đại hội.
Ngoài ra, cũng phải thấy rằng cần tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ điều hành các môn ở Đại hội. Thực tế thi đấu ở một số môn cho thấy có những trọng tài chưa đáp ứng được yêu cầu.
Xử lý bệnh thành tích và nỗi lo lãng phí
Trước, trong và sau khi Đại hội TDTT toàn quốc, có nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức Đại hội dễ làm bùng phát căn bệnh thành tích ở các địa phương và bên cạnh đó là nỗi lo về sự lãng phí về các công trình thể thao được xây mới nhưng không sử dụng hết công năng, quan điểm của các nhà tổ chức về vấn đề này như thế nào?
- Chuyện có nhiều địa phương chạy theo thành tích ảo ở mỗi kỳ Đại hội là câu chuyện có thật, luôn là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm qua và ở kỳ này chúng tôi cũng thực sự lo lắng. “Bệnh” thành tích thể hiện qua việc, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, gây ra sự thiếu minh bạch trong chuyển nhượng VĐV và “chia chác” huy chương trong thi đấu.
Tuy nhiên, lần tổ chức này, chúng tôi đã cố gắng hạn chế bằng việc bắt buộc địa phương phải có ràng buộc rõ ràng hơn với VĐV và giám sát chặt chẽ các cuộc thi đấu để đảm bảo kết quả công bằng nhất. Còn với các công trình thi đấu mới được xây dựng, phía ngành thể thao đã có các cuộc trao đổi với lãnh đạo địa phương về kế hoạch khai thác công năng cũng như duy trì, bảo dưỡng.
Về cơ bản thì các địa phương đều đã có kế hoạch chi tiết để khai thác một cách hiệu quả. Ví dụ như ở Hà Nam, các công trình mới được xây dựng sau này sẽ là nơi để tổ chức các sự kiện khác ngoài tổ chức thi đấu, tập luyện, đào tạo VĐV và một trường năng khiếu thể thao cũng sẽ được thành lập tại đây.
Ở Thái Bình hay Nam Định cũng vậy, phía địa phương đã có kế hoạch rõ ràng để khai thác một cách hiệu quả, chống lãng phí và hơn hết là phục vụ cho nhu cầu tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe cho quần chúng nhân dân, cũng như đào tạo VĐV thành tích cao.
Thay đổi hệ thống thi đấu
Ở nhiều môn trong chương trình Đại hội cho thấy, các VĐV ĐTQG thường giành kết quả cao và thực tế thì các VĐV này đang được nuôi dưỡng bằng chính sách đối với đội tuyển của Tổng cục TDTT. Như vậy, các địa phương có VĐV ĐTQG có lợi thế rất lớn và ông có lo ngại vấn đề này không tạo nên chuyển biến thực chất trong đào tạo ở các địa phương, thậm chí là khiến địa phương có tâm lý “ỷ lại” Tổng cục TDTT?
- Đây là vấn đề không quá lo lắng khi mỗi địa phương đều phải nỗ lực trong công tác đào tạo để có được VĐV tốt, sau đó Tổng cục TDTT mới triệu tập lên các ĐTQG. Ở nhiều môn hiện nay kinh phí đào tạo VĐV cũng được kết hợp giữa Tổng cục TDTT và địa phương (cụ thể như với Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ...).
Bản thân địa phương cũng phải có trách nhiệm với VĐV của mình trong quá trình đào tạo, chứ không hoàn toàn “ỷ lại”. Tổng cục TDTT luôn công bằng trong tuyển chọn và cánh cửa ở các ĐTQG luôn rộng mở với tất cả. Tôi cũng hy vọng, đây sẽ là động lực để mỗi địa phương nỗ lực hơn trong đào tạo VĐV.
Tại kỳ Đại hội năm nay, có tới 741 bộ huy chương ở 45 môn và phân môn, con số này thực tế là quá nhiều và đem đến cảm giác có sự dàn trải, chạy theo số lượng?
- Chắc chắn những người làm công tác tổ chức sẽ có sự điều chỉnh về số môn, số nội dung trong chương trình thi đấu Đại hội TDTT những năm tới. Thể thao Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức và áp lực trong hành trình vươn mình ra châu lục, hệ thống thi đấu trong nước cũng sẽ phải đi theo hướng này.
Hiện tại, bằng những chính sách cụ thể mang tính thời điểm như việc quy đổi huy chương quốc tế ra HCV đại hội, Tổng cục TDTT đang khuyến khích các địa phương đầu tư theo hướng có trọng điểm. Tuy nhiên, tất cả cần được đánh giá lại một cách kỹ lưỡng trong thời gian tới và để đưa ra được quyết định đúng đắn nhất.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Phúc Hưng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất