17/02/2025 18:07 GMT+7 | Văn hoá
TP.HCM không chỉ là cái nôi của những vở kịch tâm lý xã hội sâu sắc, những vở hài dí dỏm, hoặc những tác phẩm lịch sử hoành tráng, mà còn là nơi ươm mầm cho một thể loại kịch đặc biệt: kịch thiếu nhi.
Đây không chỉ là món ăn tinh thần dành cho các em nhỏ, mà còn là cầu nối giữa nghệ thuật sân khấu với thế hệ tương lai, góp phần giáo dục nhân cách, khơi gợi trí tưởng tượng và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật từ những năm tháng đầu đời.
IDECAF - một lá cờ đầu
Nhắc đến sân khấu thiếu nhi tại TP.HCM, có thể xem IDECAF là đơn vị tiên phong mang đến những vở kịch đặc sắc, vừa giàu tính nghệ thuật, vừa đậm chất giáo dục, dành cho các em nhỏ. Hơn hai thập niên qua, sân khấu IDECAF đã tạo dựng dấu ấn mạnh mẽ với loạt chương trình Ngày xửa ngày xưa - chuỗi kịch thiếu nhi đã trở thành thương hiệu quen thuộc, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả.
Các vở như Tấm Cám, Hoàng tử Sọ Dừa, Công chúa Chích Chòe, Aladdin và đủ thứ thần, Cậu bé rừng xanh, Nàng Bạch Tuyết lạc 7 chú lùn, Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá, Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai… không chỉ mang đến những phút giây giải trí thư giãn, mà còn gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về tình bạn, tình yêu thương gia đình, lòng dũng cảm, sự tử tế…
Vở "Alibaba và đủ thứ thần" trên sân khấu IDECAF. Ảnh: H.K
Một trong những điểm đặc biệt giúp Ngày xửa ngày xưa duy trì sức hút chính là sự đầu tư hoành tráng và nghiêm túc về thiết kế, trang phục, hiệu ứng. Mỗi vở kịch thường phải diễn ở sân khấu lớn như Nhà hát Bến Thành mới đủ sức "bày biện", và đều có bối cảnh được thiết kế công phu, âm thanh, ánh sáng hiện đại giúp tái hiện chân thực thế giới cổ tích ngay trên sân khấu, đặc biệt là viết nhạc riêng cho từng vở, một cách đầu tư tốn kém, nhưng tâm huyết.
Bên cạnh đó, đội ngũ diễn viên tài năng có thể diễn xuất lẫn ca múa, vũ đạo, là yếu tố thu hút mạnh mẽ. Các vở diễn của IDECAF luôn được sáng tạo theo hướng hiện đại, hấp dẫn, kết hợp giữa kịch bản truyền thống và cách thể hiện mới lạ. Nhờ vậy, không chỉ trẻ em mà cả phụ huynh cũng hào hứng khi đưa con đến rạp, nơi các em được nuôi dưỡng ước mơ, trí tưởng tượng và tình yêu nghệ thuật giúp phát triển tư duy sáng tạo.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc IDECAF, chia sẻ: "Chúng tôi muốn tạo ra một sân chơi để trẻ em vừa được cười, vừa được học. Mỗi vở diễn đều có tính tương tác cao, khán giả nhí có thể tham gia đối thoại với nhân vật, giúp các em mạnh dạn và sáng tạo hơn".
"Làm kịch thiếu nhi là làm cho tương lai. Mỗi hạt giống nghệ thuật gieo vào tâm hồn trẻ thơ hôm nay sẽ nảy mầm thành những bông hoa đẹp cho ngày mai" - NSND Mỹ Uyên.
Trăm hoa đua nở
Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B lại đi theo một phong cách khác. Với không gian nhỏ gọn nhưng ấm cúng, sân khấu 5B mang đến những vở diễn thiếu nhi giản dị, nhưng vẫn đậm chất nghệ thuật. Điểm đặc biệt của sân khấu này chính là nhỏ và gần, nên có sự tương tác cao giữa diễn viên và khán giả nhí, giúp các em có thể hòa mình vào từng câu chuyện. Phong cách kịch của 5B không quá cầu kỳ về dàn dựng hoặc kỹ xảo hoành tráng, mà tập trung vào cốt truyện gần gũi, gắn liền với đời sống thường ngày của trẻ em.
Những tác phẩm như Trạm cứu hộ động vật, Vương quốc những người xấu xí, Bộ lạc nanh trắng, Đại náo long cung, Ve ve chành chành và 2 cục bướu, Thế giới đồ chơi và câu chuyện chú bé rồng, Cây bút thần… không chỉ mang lại tiếng cười, mà còn giúp các em học hỏi nhiều bài học ý nghĩa về tình bạn, lòng nhân ái và sự trung thực.
Vở "Cây bút thần" trên sân khấu 5B. Ảnh: H.K
Các sân khấu khác cũng góp mặt trong thị trường kịch thiếu nhi với những phong cách rất riêng. Hoàng Thái Thanh với Nữ hoàng ngang ngược, Chú kiến lạc loài, Ngàn lẻ hai đêm, Lọ Lem và hoàng tử… nổi bật ở kịch bản chặt chẽ, chi tiết được xử lý tinh tế, giàu cảm xúc, chất hài hước chừng mực và giàu tính giáo dục. Sân khấu Trương Hùng Minh có Bí mật trăm đốt tre, Mễ Cốc phiêu lưu ký, kịch Hồng Vân với Chú heo con biết bay, Ngũ hành bí ẩn, Thế Giới Trẻ có Tên trộm thành Bát Đa, sân khấu Quốc Thảo có Đảo muôn màu - Cuộc thử thách sinh tồn, Siêu thú tranh tài đều trẻ trung, hiện đại, không quá đặt nặng vào tính hàn lâm, mà tập trung vào tình tiết ly kỳ, bất ngờ, hài hước, dễ hiểu, thu hút cả trẻ em lẫn phụ huynh.
Thách thức và cơ hội
Dù được đánh giá cao về mặt nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục, kịch thiếu nhi tại TP.HCM vẫn đối mặt với muôn vàn thách thức. Trong bối cảnh thị trường giải trí ngày càng đa dạng, việc níu chân khán giả nhỏ tuổi không phải điều dễ dàng khi có sự cạnh tranh gay gắt từ phim hoạt hình, trò chơi điện tử và mạng xã hội - những loại hình sở hữu kỹ xảo hiện đại. Trong khi đó, kịch thiếu nhi vẫn phải duy trì sức hút bằng chất liệu sân khấu truyền thống. NSND Mỹ Uyên, Giám đốc sân khấu 5B, chia sẻ: "Trẻ em hôm nay lớn lên cùng công nghệ. Nếu sân khấu không đổi mới, các em sẽ dễ dàng quay lưng. Làm kịch thiếu nhi là làm cho tương lai. Mỗi hạt giống nghệ thuật gieo vào tâm hồn trẻ thơ hôm nay sẽ nảy mầm thành những bông hoa đẹp cho ngày mai". Điều này đặt ra bài toán cân bằng giữa bảo tồn tinh hoa nghệ thuật và tiếp thu xu hướng mới.
Chi phí sản xuất cao là rào cản lớn. Một vở kịch thiếu nhi của IDECAF có thể tiêu tốn từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng cho trang phục, bối cảnh hoành tráng, âm nhạc viết riêng và hiệu ứng đặc biệt. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của IDECAF thừa nhận: "Chúng tôi phải tính toán kỹ từng đồng. Giá vé chỉ có thể trong mức để phụ huynh chấp nhận được, nhưng doanh thu thì phải đủ bù đắp chi phí". Trong khi đó, các sân khấu nhỏ hơn như 5B cũng chật vật duy trì kịch mục thiếu nhi đều đặn do thiếu nguồn lực tài chính. Sân khấu Quốc Thảo thì tiết kiệm bằng cách diễn viên tự thiết kế và may trang phục luôn, nhưng rất đáng ngưỡng mộ là nhờ vậy họ rèn thêm tay nghề, trang phục ngày càng đẹp hơn.
Vở "Đảo muôn màu - Cuộc thử thách sinh tồn" trên sân khấu Quốc Thảo. Ảnh: H.K
Viết kịch bản cho thiếu nhi được xem là "nghề khó" khi đòi hỏi sự am hiểu tâm lý trẻ nhỏ cùng khả năng sáng tạo không giới hạn. Nhiều tác giả e ngại vì cho rằng đây là mảng "khó nhằn", dễ rơi vào khuôn mẫu, hoặc thiếu chiều sâu. Kịch bản phải vừa hấp dẫn, vừa truyền tải thông điệp nhân văn, lại phải phù hợp với lứa tuổi. "Viết cho trẻ con khó hơn viết cho người lớn gấp bội. Chúng không chấp nhận sự giả tạo hoặc giáo điều" - nhà biên kịch Vương Huyền Cơ tâm sự.
Đạo diễn Ái Như sân khấu Hoàng Thái Thanh thì nói: "Chúng tôi không làm kịch người lớn thu nhỏ. Mỗi vở phải là thế giới diệu kỳ, nơi trẻ em tìm thấy tiếng cười và bài học đầu đời".
Diễn xuất cho thiếu nhi cũng là một nghệ thuật đặc thù. Diễn viên phải luyện thêm múa, hát, biết khuấy động không khí, thu hút sự tập trung của khán giả nhí. Một số vở diễn vẫn mắc lỗi "người lớn hóa" nhân vật, thiếu đi sự hồn nhiên cần thiết, nói như nghệ sĩ Đình Toàn "Trẻ con rất thẳng thắn. Nếu diễn viên không chân thật, các em sẽ lập tức mất hứng".
Dẫu vậy, kịch thiếu nhi đang có được chỗ đứng nhờ sự quan tâm từ nhà trường và phụ huynh. Nhiều trường học tại TP.HCM đã chủ động hợp tác với các sân khấu để tổ chức xem kịch định kỳ cho học sinh. Các dịp lễ Tết, nghỉ Hè, Trung Thu hoặc Noel trở thành "mùa vàng" khi vé kịch thiếu nhi cháy hàng, thậm chí phải kê thêm ghế phụ.
Cùng với đó là sự xuất hiện của những sân khấu thiếu nhi mới, chẳng hạn Sân khấu Ban Mai gây ấn tượng với loạt nhạc kịch như Rago - Hành trình đầu tiên, Colora - Xứ sở rực rỡ, Trăng ơi trăng à... Các bạn trẻ đã tận dụng vỏ chai nước để tạo thành bối cảnh muôn màu, mạnh dạn kết hợp kịch nói với âm nhạc, múa, xiếc và công nghệ như đầu tư sản xuất phim hoạt hình 3D lồng ghép vào vở diễn, tạo nên trải nghiệm đa giác quan cho khán giả. "Chúng tôi muốn chứng minh rằng kịch truyền thống và công nghệ có thể song hành" - đạo diễn trẻ Bảo Chu chia sẻ.
Với sự chung tay của cộng đồng và niềm đam mê cháy bỏng của những người làm nghề, kịch thiếu nhi TP.HCM hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển, không chỉ là món ăn tinh thần mà còn là người bạn đồng hành trong hành trình trưởng thành của thế hệ trẻ, trở thành cầu nối vững chắc giữa nghệ thuật và giáo dục, nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ biết mơ ước và trân trọng cuộc sống.
"Chúng tôi không làm kịch người lớn thu nhỏ. Mỗi vở phải là thế giới diệu kỳ, nơi trẻ em tìm thấy tiếng cười và bài học đầu đời" - đạo diễn Ái Như.
(Còn tiếp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất