13/12/2019 09:05 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 12/12, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thử một tên lửa đạn đạo thông thường phóng từ mặt đất, động thái trước đây bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc cho biết cuộc thử nghiệm diễn ra từ Căn cứ Không quân Vandenberg tại bang California. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi hiện đang đánh giá kết quả của cuộc thử nghiệm này”.
Đây là vụ thử tên lửa lần thứ hai của Lầu Năm Góc, vốn không được phép theo Hiệp ước INF. Trước đó, hôm 19/8 vừa qua, Lầu Năm Góc thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và tên lửa đã đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500 km. Tên lửa này là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Hiệp ước INF do cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và cựu lãnh đạo của Liên bang Xôviết trước đây Mikhail Gorbachev ký kết năm 1987, theo đó cấm các loại tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500 km. Tháng 8 vừa qua, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF sau khi Washington cáo buộc Moskva vi phạm hiệp ước này, trong khi Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc của Nhà Trắng.
Việc Mỹ chính thức rút khỏi INF kéo theo việc Nga cũng đình chỉ hiệp ước này. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga-Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Vụ thử tên lửa trên diễn ra trong bối cảnh trước đó trong tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến thăm Washington và gặp Tổng thống Donald Trump cùng người đồng cấp Mike Pompeo. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại đề nghị của Nga về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa hai bên. Về phần mình, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh sự cần thiết của một cuộc đối thoại chiến lược, trong đó bao gồm cả Trung Quốc.
Hiệp ước New START được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã được triển khai và chưa được triển khai.
Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần mỗi năm. Tuy nhiên, New START sẽ hết hạn vào năm 2021 và cho đến nay, triển vọng chính quyền Mỹ gia hạn hiệp ước này vẫn chưa rõ ràng, dù phía Nga coi New START là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới".
Phạm Ngọc Ánh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất