(giaidauscholar.com) - Khi trận nắng nóng khủng khiếp đang khiến số nạn nhân thiệt mạng ở Ấn Độ từ từ leo qua mốc 1.800 người, việc tránh ánh Mặt trời và ngồi nghỉ trong bóng râm, như lời khuyên của chính quyền, là sự lựa chọn xa xỉ với rất nhiều người lao động, dân nghèo nơi đây.
Ratna Devi là một trong số khoảng một chục lao động làm việc tại một công trường xây dựng nằm ở phía Nam thủ đô New Delhi, nơi chị phụ trách việc trộn bê tông.
Không có miếng ăn nếu tránh nắng nóng
Công việc nặng nhọc mang lại cho người phụ nữ 32 tuổi khoản thu nhập thường nhật bèo bọt, chỉ 250 rupee, hay dưới 4 USD - số tiền mà chị dùng để nuôi cô con gái 7 tuổi của mình.
Trong buổi trưa ngày 27/5 vừa qua, khi Devi làm việc, con gái chị đã ngất xỉu lúc đang chơi gần đó. Nguyên nhân cũng chỉ bởi cái nóng nung người, đã khiến nhiệt độ ban ngày ở thủ đô Delhi luôn hơn 40 độ C trong vòng một tuần qua.
Hôm con gái Devi bị ngất, nhiệt độ bên ngoài là 44 độ C. Nhưng chỉ ngay ngày hôm sau, chị đã đi làm trở lại, khi nhiệt độ dừng ở mức 43 độ C. Và như mọi ngày, con gái chị lại tiếp tục chơi loanh quanh gần đó.
Suốt tuần qua, nhà chức trách Ấn Độ đã kêu gọi người dân tránh ra ngoài vào buổi trưa, khi trời nắng nóng nhất. Nhưng ở nhà tránh nắng không nằm trong sự lựa chọn của mẹ con Devi. "Tôi không thể để con ở lại một mình vì chẳng có ai trông cháu cả. Tôi là một bà mẹ đơn thân. Tôi không thể ngừng làm việc, dù chỉ là trong một ngày" - chị nói.
Người lao động Ấn Độ nghỉ dưới bóng râm để tránh nắng nóng chết người
Buộc phải lao động nặng nhọc trong điều kiện nóng nung người, các công nhân xây dựng như Devi, cùng những người già, người vô gia cư, là những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt nắng nóng, đã khiến hơn 1.800 người thiệt mạng.
Đại đa số nạn nhân tập trung ở các bang Andhra Pradesh và Telangana của Ấn Độ. Các bang này đã có hơn 1.750 trường hợp thiệt mạng. Những nạn nhân khác cũng được báo cáo tại Delhi và một số bang như Gujarat và Odisha, nơi nhiệt độ hồi đầu tuần này đã đạt đỉnh 47 độ C. Nắng nóng dữ dội tới mức hồi đầu tuần, một tờ báo lớn ở Delhi đã tải lên bức ảnh chụp nhựa đường ở thủ đô Ấn Độ bị chảy ra. Nhưng bất chấp nắng nóng, dân lao động nghèo ở Ấn Độ vẫn phải ra đường.
"Hoặc chúng tôi phải làm việc và khiến mạng sống của mình bị đe dọa. Hoặc chúng tôi sẽ phải sống không có thực phẩm" - anh nông dân Narasimha ở quận Nalgonda thuộc bang Andhra Pradesh nói với hãng tin AFP - "Dù sao, chúng tôi có nghỉ ngơi đôi chút, khi nhiệt độ tăng lên mức không thể chịu nổi".
Tại thành phố Nizamabad, cách phía Bắc Hyderabad khoảng 150km về phía Bắc, công nhân xây dựng vẫn còn ở lại công trường làm việc. "Nếu tôi không làm việc chỉ vì nắng nóng, gia đình tôi sẽ sống ra sao?" -Mahalakshmi, người kiếm được khoản thu nhập còm cõi, chỉ tương đương 3,1 USD mỗi ngày, cho biết.
Chẳng có nhiều sự lựa chọn cho người nghèo
Các chuyên gia nói rằng trong các đợt nắng nóng, trẻ em và người già thường dễ trở thành nạn nhân, dễ bị tình trạng say nắng và sốc nhiệt hạ gục. Quả thực, các bệnh viện ở Delhi đều đã đầy bệnh nhân say nắng.
Ajay Lekhi, lãnh đạo một quan chức y tế của thành phố, nói với hãng tin AFP rằng, nhiều bệnh nhân than phiền về việc bị chóng mặt và đau đầu. "Họ thể hiện nhiều dấu hiệu say nắng” - ông nói.
Dù con số nạn nhân năm nay cao hơn so với năm 2014, Ấn Độ thực tế đã đón nhiều trận nắng nóng dữ dội hơn. Năm 2003, một trận nắng nóng từng khiến 3.000 người thiệt mạng tại Andhra Pradesh.
Cũng khoảng từng đó người đã chết, khi nắng nóng tấn công các bang Đông Nam Ấn Độ hồi năm 2010. Con số thực có thể cao hơn, nếu tính tới những người gián tiếp chết vì nắng nóng.
Không khó hiểu khi nước đá là mặt hàng bán rất chạy ở Ấn Độ
Thay đổi khí hậu đã đóng vai trò lớn trong việc khiến nắng nóng xảy ra ở Ấn Độ thường xuyên hơn, dữ dội hơn. Ủy ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC) của Ấn Độ từng đưa ra đánh giá nói rằng "số ngày và đêm lạnh đã giảm, trong khi số ngày và đêm ấm nóng đã tăng lên trên khắp khu vực châu Á, kể từ những năm 1950." IPCC cũng cho rằng nắng nóng xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn kể từ giữa thế kỷ 20, tại nhiều vùng ở châu Á.
Tình trạng thời tiết khắc nghiệt được dự báo còn kéo dài trong vài ngày nữa, khi Ấn Độ chờ đợi các cơn mưa rào thường niên, dự kiến sẽ tới một số khu vực ven biển vào cuối tháng này. Nhưng sẽ phải mất nhiều tuần lễ nữa để mưa tiến sâu vào đất liền.
Trời càng lâu mưa, số người thiệt mạng chắc chắn sẽ càng tăng thêm. “Mùa Hè luôn nóng nực, nhưng năm nay tôi đã không thể chịu nổi cái nóng" - Devnandan Saha, 52 tuổi và là đồng nghiệp của Devi, cho biết - "Dù vậy, tôi vẫn phải làm việc mỗi ngày, vì chủ thầu không cho chúng tôi nghỉ ngày nào cả".
Tường Linh
Thể thao & Văn hóa