Nếu Thượng đế là Moratti…

16/09/2011 12:03 GMT+7 | Italy

(TT&VH) - …thì hẳn là ngài đã có cách nào đó để Inter thoát khỏi cơn bĩ cực khủng khiếp đã kéo dài trong suốt hơn một năm qua, kể từ cái đêm hạnh phúc tột bậc tại Madrid với chiếc Cúp vô địch Champions League lần đầu tiên sau gần nửa thế kỉ.

Chủ tịch Inter oratti - Ảnh Getty

Nhưng ngài chỉ là người trần mắt thịt, và ngài bất lực chứng kiến Inter chìm dần trong tuyệt vọng của một sự khởi đầu mùa bóng tệ chưa từng có kể từ 80 năm qua. Sự thật là Inter đã chứng kiến biết bao vinh quang và thất bại, không chỉ mỗi trận thua Trabzonspor cũng như nhiều thất bại khác, nhưng trong con mắt của dư luận Italia, kể từ khi ngài trở thành chủ Inter vào năm 1995, đã có một triết lí tồn tại ở đây: Moratti không bao giờ sai lầm, không phải trên khía cạnh chuyển nhượng, mà là định hướng chiến lược. Nói một cách khác, ông chủ của Inter luôn luôn có một tầm nhìn đúng đắn vào mọi vấn đề, và nếu những thất bại xảy ra, thì là do các cầu thủ chơi không hết mình, hoặc các HLV không hiểu biết gì về Inter và về bóng đá (trừ Mancini và Mourinho).

Theo nhà bình luận nổi tiếng Gianni Mura, những vấn đề liên quan đến Gasperini hiện tại thực chất đã nảy sinh từ ngày 22/5/2010, sau khi Inter vô địch Champions League. Chủ nghĩa “Moratti mới” đã xuất hiện, với một vài điểm không khác gì chủ nghĩa “Moratti cũ” đã tồn tại trước Calciopoli: rất nghe lời tư vấn của các cầu thủ trụ cột (đứng đầu là J.Zanetti và Cambiasso), chịu tác động tiêu cực từ báo chí, có quan hệ mật thiết với một số HLV ở đủ các “thể loại” và triết lí khác nhau (từ Zeman, Ranieri, Zenga đến Capello) ngay cả khi Inter không có kết quả tồi và tiến hành mua sắm cầu thủ mà không cần hỏi HLV. Sau đêm Madrid, chủ nghĩa Moratti có thêm vài đặc tính mới. Một là: sau những chiến thắng, luôn làm một điều giống như Berlusconi là đưa ra các tuyên bố về tăng ngân sách, hứa hẹn về những dự án của Moratti…Hai là, đưa Luật công bằng về tài chính của UEFA ra để biện hộ cho việc Inter phải bán đi những ngôi sao lớn như Eto’o (và suýt Sneijder), không đưa về những cầu thủ siêu hạng mà các tifosi mong đợi. Ba là, Inter sẵn sàng bán đi những cầu thủ hay nhất nếu nhận được đề nghị hợp lí. Không một CLB có tham vọng nào có thể mơ trở lại đỉnh cao với việc kiếm tiền nhờ bán đi một vài cầu thủ siêu sao. Bốn là, dường như đang tồn tại một sự mệt mỏi lớn lao từ Moratti và BLĐ của đội sau khi Inter đã leo lên đến đỉnh cao vào mùa hè 2010. Các tifosi còn chưa quên việc Moratti từng thổ lộ ý định sẽ nhường ngôi vị chủ tịch cho con trai lớn của mình cách đây chưa lâu.

Tất cả những điều này không phải là lỗi của Gasperini, nhưng là những nguyên nhân sâu xa tác động trực tiếp đến Inter, khiến họ đang rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng như ta đang thấy. Sự sốt ruột của Moratti được thể hiện rõ rệt trên báo chí, với những tuyên bố của ông về việc phải dùng Pazzini hay Sneijder, hay sự phản đối của ông vào việc Gasperini nhất nhất dùng sơ đồ 3 trung vệ. Tác động của những can thiệp ấy không chỉ tạo sức ép nặng nề lên vai người mà chính ông đã lựa chọn mùa hè qua, mà còn khiến Gasperini chìm trong một biển hoài nghi vào năng lực thực sự của ông từ phía các cầu thủ và tifosi. Ai cũng hiểu, sau Mourinho là những mùa bóng của thời kì quá độ và sẽ còn nhiều cái đầu còn tiếp tục rơi. Quá trình ấy chắc chắn phải kéo dài và không ít đau đớn. Moratti hiểu như thế. Những Bielsa hay Capello mùa hè này đã từ chối về làm HLV Inter cũng hiểu như thế nên mới không đến San Siro. Gasperini là một con người dũng cảm khi nhận lời Moratti. Nhưng ông cũng không tránh khỏi việc bị số phận Inter trong một mùa bão táp cuốn trôi. Ông và có thể dăm ba HLV nữa sẽ là vật lót đường để đón chờ Guardiola. Nhưng bao giờ tay HLV 40 tuổi ấy sẽ đến Inter?

        Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm