Ngẫm ngợi cuối tuần: Tệ hại của thói quen

27/03/2016 06:38 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Chúng ta từ lâu quen với những giá trị nhận được từ sách giáo khoa, quen chấp nhận những giá trị được thừa nhận mẫu mực. Tất cả đóng khuôn trong đầu từ thuở học đường.

Rồi sau này, ra công tác, tinh thần “quán triệt” ý kiến rồi cả “kiên định” với ý kiến cấp trên cũng lên khuôn trong đầu. Cái đó không sai hoàn toàn, nhưng nếu chấp nhận như một giá trị bất biến không thể thay thế thì tác hại của nó đến sự phát triển sẽ rất nặng nề. Vì, đó chính là cái gốc dẫn đến bảo thủ và trì trệ.

Xin lấy một ví dụ. Những kiến trúc Pháp ở Việt Nam cách đây vài thế kỉ để lại nhiều giá trị. Đến nay hầu như  mọi người vẫn thích, ít người chê bai, ít ý kiến ngược, chỉ có lời khen. Thậm chí, những trọc phú có tiền còn yêu cầu thợ xây đưa cái chỏm Nhà hát Lớn của Pháp về nóc nhà mình mà không thấy kệch cỡm thô thiển, lại còn tự hào  là người ăn chơi có  gu…

Điều đó dẫn đến một hệ lụy: Cái khác lạ mới nảy sinh không nằm trong dòng chảy quen thuộc sẽ rất nhanh chóng bị loại trừ ra ngoài. Nên, những kiến trúc lạ mắt một chút như Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia đều bị nhiều người chê ỏng chê eo ngay từ phút đầu trông thấy mà không cần xem xét.

Đó không chỉ là sự hồ đồ mà chính là sự trì trệ của bảo thủ do thói quen cố hữu. Thói quen đó ngăn chặn sự thay đổi,tiến đến cái mới, ngăn chặn sự sáng tạo.

Khi đọc cuốn Những kiến trúc sư bạn tôi của Trần Trọng Chi, tôi bắt gặp những ngôi nhà kì dị đến lạ lùng: một bảo tàng nghệ thuật của Brazil là khối tam giác dựng ngược,một căn nhà như con ốc khổng lồ. Rồi một quảng trường Thời đại ở Melbourne (Australia) trông xa cái vỏ ngoài như một đống bìa cứng vứt bỏ ở bãi rác…

Những sự thay đổi ấy làm cho nhịp điệu thành phố trở nên chuyển động, không chết cứng trong một phong cách kiến trúc.

Bất chợt nhớ lại câu nói của một nhà phê bình nghệ thuật: Văn học nghệ thuật là tiếng nói của thời đại, là tiếng nói từ cõi lòng nó, nên không có chuyện tiến bộ hay lạc hậu. Kiến trúc cũng vậy,  nó chỉ đáp ứng yêu cầu của thời đại mà thôi.

Là người đọc sách, tôi luôn tiếp cận cái mới qua sách vở. Nhưng rồi, chỉ hơn một tuần rong ruổi trên đất Australia, ngắm nhìn một số kiến trúc mới, tôi dần nhận ra là mình vẫn là kẻ còn nhiều bảo thủ, và thấy ngay sự tai hại của thói quen bảo thủ lớn như thế nào.

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm