Ngẫm ngợi cuối tuần: Dễ và khó

08/12/2024 08:35 GMT+7 | Văn hoá

Một lần trò chuyện với một nhà điêu khắc, ông bảo: Vẽ phong cảnh là thứ dễ nhất. Tôi giật mình về ý nghĩ đó của người đã dày dặn trong sáng tác. Sao ông ấy dễ dãi vậy? Với tôi, trong nghệ thuật chẳng có gì dễ cả, kể cả mẹo Trang Quỳnh mấy giây vẽ được 10 con giun.

Không dễ, bởi vẽ là thể hiện cảm xúc lên mặt giấy và lưu giữ được cảm xúc đó, chứ vẽ đâu phải chuyện của cơ bắp. Cảm xúc là sự rung động trong sáng tác, sao lại có cảm xúc dễ hay khó! Mà nữa, song hành với cảm xúc còn là tri thức nữa, không có nó thì có gì mà vẽ…

Một bức vẽ không để lại cảm xúc cho người xem thì đó là một bức vẽ chết!

Có nhiều thứ ngẫu nhiên trong tự nhiên cũng đem lại cho ta mĩ cảm. Chẳng hạn những chú voi, chó, khỉ, lợn… được con người rèn cho cách quệt màu, hoặc dẫm chân lên giấy, chúng cũng tạo ra được những cấu trúc ngẫu nhiên có thể xem là đẹp mà có khi con người không làm được… Nhưng có thể coi đó là "tác phẩm nghệ thuật" không? Nếu coi đó là "tác phẩm" thì thật ngớ ngẩn.

Thiên nhiên tạo ra, loài vật tạo ra những vẻ đẹp nhưng đó không phải sáng tạo. "Sáng tạo" chỉ có ở con người. Mà sáng tạo đó thuộc về nhận thức và cảm xúc cùng khả năng chuyển tải những giá trị đó lên toan, lên giấy.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Dễ và khó - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ. Nguồn: Internet

Tác phẩm nghệ thuật được hình thành qua cảm xúc và tư duy, trên phông văn hóa của người thể hiện. Nên không thể có chuyện vẽ cái này dễ, vẽ cái kia khó. Dễ và khó dành cho kĩ thuật chứ không có trong nghệ thuật. Đây là khái niệm người ta dễ nhầm lẫn và đưa đến nhưng nhận định vội vàng phiến diện.

***

Mới đây xem loạt tranh sơn dầu của Nguyệt Nga vẽ phong cảnh miền núi và miền biển rất phong phú và ẩn khuất như miền kí ức. Sự phối màu bổ túc của bà đã gợi nhớ xa xăm về miền rừng trong sương khói mờ tỏ, trong âm u huyền bí. Tất cả đẹp mơ màng như những áng văn mượt mà ngọt dịu của Paustovsky hoặc hơi thở bổi hổi trong "Cánh buồm đỏ thắm" của Aleksandr Grin. Vẽ phong cảnh dễ hay khó, thì chúng ta cùng xem đấy sẽ hiểu.

Những đường làng ngõ xóm của Phạm Viết Hồng Lam tươi màu Đông Hồ thật đặc sắc. Ông đã vẽ như rong chơi, trông rất "dễ". Nhưng đó là thành quả sau mấy chục năm ra trường và mấy lần thay đổi chất liệu mới nhận ra đứa con ruột của mình là dó điệp và màu bột, là đồng quê với cảnh đường làng, ngõ xóm. Ông vẽ phong cảnh, nhưng thật ra không hẳn thế, mà đó là góc nhìn tinh thần làng quê của ông, mà có khi chính người sinh ra từ đó chưa chắc đã nhìn ra. Cũng như người ta tìm tài nguyên từ tàu vũ trụ khi chụp hình về mặt đất. Có những vẻ đẹp nhìn từ xa mới thấy, còn gần thì nó thô thiển và tầm thường. Người xưa bảo "xa thương, gần thường" có phải thế chăng? Đó là nhận thức sáng tạo hay là gì? Làm gì có dễ và khó ở đây.

Còn nhiều cách xử lý không gian khi vẽ phong cảnh. Có người chi tiết đến từng ngọn cỏ, có người chỉ khái quát vài mảng lớn. Có người dùng sắc trung tính, có người dùng màu nguyên rực rỡ, có người chỉ thâm trầm đen trắng… Có hàng trăm cách thể hiện cảm xúc và nhận thức về phong cảnh.

Tôi chỉ lấy 2 ví dụ để xác lập lại cách nhìn hay bị nhầm lẫn trong giới, dễ và khó!

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm