27/02/2022 07:38 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Mâm cỗ ở làng quê thường 8 món. Trên cái mâm gỗ để mộc hình mặt trăng, vành ngoài chừng 5 phân, phần lòng trũng xuống đặt 8 món cả bát lẫn đĩa vừa đầy chặt. Thời trước chỉ nhà giàu mới có mâm đồng, còn rặt mâm gỗ.
Nghe 8 món thì nhiều, nhưng thời ấy bát đĩa đều nhỏ, ví dụ canh chỉ bát chiết yêu, đĩa thì đường kính dưới 15 phân. Bát đĩa ngày nay thì mâm thời ấy không kham nổi 8 món, vì nhìn chung bát đĩa đều to hơn.
Từ mâm cỗ nhìn sang sự bố trí trong nhà cũng có phần đồng điệu. Sự đầy đặn dẫn đến cảm giác chật chội, và ngày một chật chội thêm khi các nhà có điều kiện sắm sanh đồ thờ, biện lễ.
Trong nhà là cái bàn thờ, ở đình là gian tiền bái, gian hậu đình luôn đầy ăm ắp. Và đỉnh cao là bàn thờ Phật trong chùa chật chội đến không còn chỗ thở.
Người xưa quan niệm: “Đẹp vàng son, ngon mật mỡ”! Đồ thờ gia đình sơn son thếp vàng đến nhức mắt nhưng phải thế mới đẹp, mới trang trọng. Tâm lý con người luôn hướng đến cái giàu, vì dân mình nghèo quá, đói quá. Ước mơ giàu có no nê dù chỉ phù phiếm ở màu sắc bày biện thôi, cũng là quý lắm rồi. Bàn thờ là nơi cung kính tổ tiên, hoàng thiên hậu thổ, là nơi được chăm sóc sao cho nổi bật để bày tỏ tấm lòng gia chủ, nên được săn sóc kỹ lưỡng như là trách nhiệm cần hướng tới. Quan niệm đó đã thành thói quen ăn sâu vào nhiều thứ trong cuộc sống (Ăn ở như bát nước đầy), dần thành thứ cố tật.
Hãy xem tranh Đông Hồ: Bố cục thật đầy đặn như bánh chưng vuông, tròn trịa như chiếc bánh dày, một lối mâm cao cỗ đầy trong tạo hình dân gian. Đó không phải thực dụng mà là thực tế, là ước mong no đủ. Chất thơ trong tranh dân gian không nhiều vì tranh dân gian không hão huyền mà đi vào cụ thể như cuộc sống mộc mạc quanh mình, rất chân thành: “Đại cát”, “Vinh hoa phú quý”, “Lễ trí - Nhân nghĩa”, “Đám cưới chuột”, “Thầy đồ cóc”, “Đánh ghen”, “Hứng dừa” v.v... Tranh nào cũng đầy đặn vuông vức mạch lạc từ ước vọng đến thể hiện. Nó nhất quán một cách kỳ lạ dù bất kỳ đề tài gì.
Tranh dân gian của ta khác hẳn lối nhìn thủy mặc của Trung Hoa. Người Trung Hoa vẽ luôn tính đến khoảng trống, chỗ thở cho tranh, tìm đến chất thơ mơ mộng thi ca của tầng lớp nho sĩ, còn ta gần với chất “bố cu mẹ đĩ” dung dị thôn quê. Đem so tranh dân gian Đông Hồ với tranh thủy mặc Trung Hoa (thủy mặc tuy vẽ tay từng bức nhưng vẫn được xếp vào hàng dân gian) không khác gì so với người Tàu giỏi võ tay, người Mông giỏi võ chân vậy.
Vài suy nghĩ về mâm cao cỗ đầy của người Việt mình ảnh hưởng vào nhiều mặt cuộc sống, và những khác biệt về vũ trụ quan của mình với người, để biết mình là mình, người là người. Còn hay dở lại là chuyện khác, lại tùy quan niệm của mỗi người, mỗi dân tộc, thường chỉ gần mà chẳng giống nhau.
Họa sĩ Đỗ Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất