Ngẫm ngợi cuối tuần: Niềm kiêu hãnh của làng xưa

01/06/2024 07:08 GMT+7 | Văn hoá

Trong sách Chuyện cũ làng Nành, ông Nguyễn Khắc Quýnh, tác giả sách, chỉ cho biết: làng Nành xưa có 7 văn chỉ: 1 cái của tổng Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội), 6 cái của 6 thôn trong tổng. Ông cho biết: văn chỉ là nơi tế hàng năm của Văn hội. Văn hội là tập hợp của những người có học thức thành một tổ chức ở làng, ở tổng.

Ngày nay, những làng cổ xưa không còn văn chỉ, cái mà xưa kia là niềm kiêu hãnh của làng: "Văn" là văn hoá, học thức, "chỉ" là nền, "Văn chỉ" là cái nền văn hoá, học thức. Làng có văn chỉ là làng có văn hoá, học thức.

      ***

Văn chỉ thường được xây lộ thiên, nền lát gạch, có tường rào bằng gạch bao quanh, giữa xây ba bệ. Bệ giữa thờ Khổng Tử, người mà Nho học tôn vinh là "Vạn thế sư biểu". Bên phải thờ Thập triết và Tứ phối (mười bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử), bên trái thờ các bậc khoa bảng danh nho của làng, của tổng. Trước mỗi bệ có xây bàn gạch để bát hương đèn nến...

Chủ trì Văn hội hàng tổng gọi là Bỉnh văn (làng thì gọi là tư văn), là người có bằng cấp và học thức cao nhất, có uy tín và có tư cách đạo đức tốt. Tế lễ ở Văn chỉ hàng năm thì ông làm chủ tế. Người muốn gia nhập Văn hội phải có lời xin. Khi được Văn hội xét công nhận thì phải sửa cỗ xôi gà làm lễ tổ, gọi là lễ vọng, lúc ấy mới là thành viên chính thức.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Niềm kiêu hãnh của làng xưa - Ảnh 1.

Cổng làng Nành - một công trình kiến trúc cổ mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hoá. Nguồn: Internet

Lễ chỉ có xôi gà, hương, rượu. Làng cấp cho Văn hội một sào ruộng, các thành viên thay nhau cày cấy để lấy lúa gạo sửa lễ hàng năm. Lễ gồm cỗ xôi trắng 10 cân ta (6 kg), một gà sống thiến khoẻ đẹp nuôi nhốt một năm cho thật béo.

Làm gà tế cũng phải cẩn thận: không để gà bị sát da, cổ uốn ngẩng cao, mỏ ngậm bông hồng có cánh uốn bay, chân doãi mình nở, trên lưng phủ miếng mỡ vàng. Luộc cũng phải vừa lửa, không để da bị co, rách.

Lễ tế Văn chỉ hàng tổng (xã) làm vào đầu Xuân. Ông chủ tế phải bảo ban cho các thành viên chuẩn bị trước hàng tháng. Lễ tế khởi vào 8 giờ sáng. Trước khi tế, chủ tế và các quan viên cùng nhau bình chọn cỗ. Cỗ đẹp nhất được đặt bệ giữa (Khổng Tử), cỗ nhì đặt bên phải (Thập triết và Tứ phối), còn lại đặt ở bệ thứ ba. Các cỗ dưới hạng xếp đều xung quanh. Cỗ xấu bị phạt, có khi không được dâng lễ, khi ấy chủ mâm lễ phải lo làm lễ tạ. Cỗ bị loại thì chủ lễ xấu hổ lắm, sẽ mang tiếng suốt đời, và có khi phải bỏ cả Văn hội.

Văn chỉ thôn thì tế vào mùa Thu, ngày Đinh, nên thường gọi là Đinh tế, làm cỗ gọi là cỗ Đinh.

Vào Tư văn (là hội viên Văn hội thôn) gọi là mua Nhiêu. Chỉ những người có Nhiêu mới được đi tế ở đình, đền, miếu vào những ngày làng có việc. Khi vào được ngồi bên phải. Những suất đinh chưa có Nhiêu, nghĩa là dân bạch đinh, ngồi phía bên trái gọi là "trung nam". Khi có việc rước xách thì "tư văn" mũ áo nghiêm chỉnh cầm cờ biểu,"trung nam" đóng khố bao, nước kiệu, kéo ngựa... nói chung là những việc nặng nhọc hơn...

              ***

Văn chỉ hàng tổng và các văn chỉ thôn ở Ninh Hiệp và ở nhiều nơi bây giờ không còn.

Ngày xưa việc học được coi trọng và phải chăng có quá ít người có điều kiện được đi học nên sự học được đề cao, là hội viên của Văn hội làng thôi cũng đã được trọng vọng. Và cũng thật khó khăn để giữ được tư cách là người của Văn hội...

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm