19/03/2013 07:30 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Sau khi tôn vinh một số nhân vật trẻ hơn và ít nổi tiếng hơn, trong đó có kiến trúc sư Trung Quốc Wang Shu (49 tuổi) hồi năm 2012, năm nay, BGK giải Pritzker đã chọn Toyo Ito, một kiến trúc sư nổi tiếng Nhật Bản đã 71 tuổi và có sự nghiệp kéo dài suốt 40 năm qua. Giải thưởng đã được công bố hôm 17/3.
10 năm qua, Ito luôn được coi là ứng cử viên hàng đầu cho giải thưởng Pritzker, vốn được coi là giải Nobel của kiến trúc. Ông sẽ được nhận giải kèm theo số tiền thưởng 100.000 USD vào ngày 29/5 tại Thư viện & Bảo tàng Tổng thống John F. Kennedy ở Boston (Mỹ).Các công trình “đột phá về kỹ thuật”
Ito là kiến trúc sư Nhật Bản thứ 6 được trao giải Pritzker, trước đó là Kenzo Tange (1987), Fumihiko Maki (1993), Ando (1995) và Nishizawa & Sejima. Ban giám khảo giải Pritzker ca ngợi hoài bão và những dự án của Ito. |
Giống như nhiều công trình khác của ông, tòa nhà Mediatheque là một sự đột phá về kỹ thuật, người ta có thể mở cửa và bước vào thư viện cùng phòng trưng bày nằm ở bên trong từ mọi phía. Ngoài ra, nhờ được lắp kính từ sàn nhà lên tới trần nên từ ngoài đường người ta vẫn có thể nhìn được vào bên trong thư viện.
Ito đã thiết kế nhiều bảo tàng, sân vận động, nhà và công trình thương mại khắp Nhật Bản. Dự án lớn nhất và hoài bão nhất của ông hiện nay là Nhà hát Opera Metropolitan Taichung, có diện tích 186.000m2, đang được xây dựng ở Đài Loan (Trung Quốc) và dự kiến khánh thành vào năm 2014.
Ông còn là thầy của nhiều kiến trúc sư Nhật Bản. 2 kiến trúc sư từng làm việc trong văn phòng ông và hiện đang điều hành Công ty SANAA là Ryue Nishizawa và Kazuyo Sejima, đã đoạt giải Pritzker năm 2010. Mới đây, Ito làm việc với một nhóm kiến trúc sư Tokyo ở tuổi ngoài 40 để phát triển các trung tâm cộng đồng cho các khu vực từng bị ảnh hưởng nặng nề vì thảm họa sóng thần và động đất ở phía Đông Bắc Nhật Bản.
Trong cuộc phỏng vấn qua Skype, tại văn phòng của ông ở Tokyo, kiến trúc sư Ito cho biết ông rất kinh ngạc khi biết tin mình được trao giải. “Sau khi một kiến trúc sư Trung Quốc đã đoạt giải hồi năm ngoái và SANAA được trao giải cách đây 3 năm, tôi không hy vọng lần này sẽ là mình” – Ito bày tỏ.
Stephen Breyer, thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ đồng thời là thành viên BGK giải Pritzker năm nay, tuyên bố: “Kiến trúc của Toyo Ito đã cải thiện chất lượng không gian chung và riêng. Các công trình của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều kiến trúc sư, nhà phê bình và công chúng. Cùng với tất cả thành viên khác của giải Pritzker, tôi vô cùng hài lòng khi Ito được trao giải”.
Không quan tâm tới các cuộc thi kiến trúc
Ito sinh năm 1941. Khi còn nhỏ, Ito mơ ước trở thành một cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp và ít quan tâm tới nghệ thuật. Cha Ito qua đời khi ông mới 12 tuổi. Khi bắt đầu vào trung học, mẹ ông đã nhờ kiến trúc sư Yoshinobu Ashihara, người từng làm việc cho kiến trúc sư nổi tiếng Marcel Breuer ở Mỹ, thiết kế ngôi nhà cho gia đình ông ở Tokyo.“Đó là một ngôi nhà gỗ nhỏ mang phong cách đặc trưng của Breuer” – Ito nhớ lại.
Ông từng theo học Trường Đại học Tổng hợp Tokyo. Sau một thời gian làm việc cho kiến trúc sư Kiyonori Kikutake ở Tokyo, Ito mở văn phòng riêng vào năm 1971, ban đầu lấy tên là Công ty Urban Robot nhưng năm 1979 đã đổi tên thành Toyo Ito & Associates. Phần lớn các bản thiết kế ban đầu của ông là nhà ở, trong đó có một công trình ở ngoại ô Tokyo mang tên Aluminum House.
Mặc dù không nổi tiếng bằng các kiến trúc sư Rem Koolhaas và Frank Gehry, song Ito gây tiếng vang sau khi hoàn thành sân vận động ở Cao Hùng, Đài Loan, được xây dựng để phục vụ World Games hồi năm 2009.
Ito đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải Praemium Imperiale năm 2010, giải thưởng ghi nhận thành tựu cả đời trong các lĩnh vực nghệ thuật. Các bản thiết kế của ông đã được trưng bày trong nhiều bảo tàng ở Mỹ, Anh, Đan Mạch, Italia, Chile và nhiều thành phố ở Nhật Bản.
Ito nói ông không nghĩ đến vị thế hay các cuộc thi kiến trúc. “Chúng ta không thể đoán trước mình có đoạt giải hay không” – Ito bày tỏ.
Với Ito, ông chỉ cần được làm những việc mà ông muốn.Thời gian này, ông đang bận rộn với những dự án như thiết kế tòa nhà cho Tod – công ty giày và túi xách của Italia; làm mặt tiền cho cửa hàng Mikimoto Ginza 2 – cả 2 công trình này đều ở Tokyo. Ông đang tiếp tục hoàn tất các dự án công cộng đầy hoài bão khác như Nhà hát Opera Taichung.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất