Nghệ sĩ hụt hẫng với rạp cải lương mới

24/04/2015 11:11 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo đã được xây dựng xong. Thế nhưng dư luận trong giới những ngày qua lại tỏ ra khá hụt hẫng về thiết kế bên trong của công trình này.

Trước khi được đập bỏ và xây mới vào năm 2010, rạp Hưng Đạo được xem là “thánh địa” của sân khấu cải lương TP.HCM, dù xuống cấp trầm trọng vì gánh nặng thời gian (được xây dựng từ những năm 1960), đây gần như là điểm diễn cải lương duy nhất, nơi lưu giữ chút hào quang sót lại cho nghệ thuật cải lương đang chìm đắm trong cơn khủng hoảng kéo dài suốt hơn 20 năm.

Vì thế, việc rạp Hưng Đạo được đầu tư xây mới trở thành Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo hiện đại, “xứng tầm” với loại hình nghệ thuật được xem là “hồn cốt” của phương Nam này thực sự là niềm vui lớn cho những người làm nghề lẫn khán giả mộ điệu.

Lệch "quy chuẩn" sân khấu cải lương!

Tuy nhiên, khi Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo đã được xây dựng xong, có thể dùng từ “hụt hẫng” để diễn tả ngắn gọn tâm trạng chung của khá nhiều người nặng lòng cùng sân khấu cải lương lúc này. Một số ý kiến cho rằng, cái sân khấu được cho là rất hiện đại trong cái nhà hát hoành tráng ấy không đáp ứng được các quy chuẩn của sân khấu cải lương.

Chuông Vàng Vọng cổ 2014 Nguyễn Minh Trường chia sẻ: “Mới bước chân vào mặt tiền nhà hát thực sự phấn khởi lắm, hoành tráng, hiện đại quá nhưng khi vào khán phòng nhìn thấy sân khấu chính rồi thì… hụt hẫng, tôi đã mơ nhiều về một sân khấu hiện đại có thể dàn dựng những vở tuồng bối cảnh hoành tráng mà người nghệ sĩ có thể thỏa sức bay nhảy và giờ chúng tôi sẽ bay nhảy ra sao trên cái sân khấu… học đường đó!”.

NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết: Nếu xem sân khấu rạp Hưng Đạo cũ với 12m sàn diễn là chuẩn thì chiều ngang của sân khấu mới là 10m, nếu phủ hai bên cánh gà mỗi 2m nữa thì diện tích sàn diễn thực chất chỉ còn lại… 6m (giảm một nửa với quy mô sân khấu cũ).

Với diện tích chừng ấy, chưa tới 10 diễn viên đã đứng chật sân khấu, không thể dàn dựng những vở diễn hoành tráng, quy mô lớn và đông người. Và với sân khấu ấy, Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo TP.HCM sẽ không thể đăng cai được các kỳ liên hoan hay hội diễn sân khấu chuyên nghiệp (trừ liên hoan thể nghiệm).

Tác giả Hoàng Song Việt còn chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý của sân khấu mới: “Không có hố nhạc. Từ sàn nhà lên đến mặt sân khấu là 1m. Nếu nhạc công ngồi giăng ngang mặt tiền sân khấu thì khán giả phải nhìn… đầu nhạc công rồi mới thấy nghệ sĩ; hai bên cánh gà sân khấu chỉ cao 2,05m, nếu cảnh cứng cao quá chiều cao này thì không thể chuyển cảnh ra vào được; khán giả ngồi trên lầu sẽ khó xem vì ban công ngang tầm mắt, nếu ngồi ở hàng số 1 trên lầu thì thấy mặt nghệ sĩ đang diễn thông qua mấy ô trống của ban công…”.

Không chỉ riêng sân khấu chính, sân khấu thể nghiệm cũng được xây dựng như một sàn diễn… thời trang và cố định bằng bê tông trong khi đáng lẽ nên là sân khấu bục rời, có thể tháo lắp tiện cho những thử nghiệm sáng tạo của người dàn dựng…

“Liệu cơm gắp mắm”

Dù có hụt hẫng, than thở cũng là việc… đã rồi, trong khi chờ đợi những sửa chữa (nếu có) trong tương lai, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là đơn vị tiếp nhận và khai thác công trình này, đã phải "liệu cơm gắp mắm".

NSND Trần Ngọc Giàu, trên cương vị Giám đốc Nhà hát, chắc chắn là người chịu nhiều áp lực nhất. Vở cải lương Chiến binh mà ông dồn tâm sức dàn dựng để khai trương Nhà hát và chào mừng 40 năm ngày thống nhất đất nước phải thu nhỏ quy mô, rút bớt cảnh trí và diễn viên, điều chỉnh lại nhiều dàn dựng tạo hiệu ứng hoành tráng để có thể “vừa” với sân khấu mới. “Sân khấu mới không phải là không dàn dựng được, chỉ là quy mô các vở diễn phải thu nhỏ gọn lại. Nhà hát sẽ phải có những kế hoạch, mô hình hoạt động phù hợp với quy mô sân khấu này” - NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.

NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ, “tổng chỉ huy” của hai vở cải lương “đại hoành tráng” Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga, đã chuẩn bị sẵn 5 kịch bản chào Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo cũng đành bỏ hết khi sân khấu mới chỉ hợp với... ca ra bộ!

Những nhóm cải lương xã hội hóa vốn rất chờ đợi sự trở lại của rạp Hưng Đạo đã không khỏi thất vọng, nhất là với những người chuyên diễn cải lương tuồng cổ như NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ Vũ Luân, Tú Sương, Lê Thanh Thảo... khi sân khấu bước vài bước đã hết, xoay trở đã khó thì chỗ đâu để phô bày vũ đạo? Mà cải lương tuồng cổ hay lịch sử nếu không có vũ đạo, không hoành tráng, không “quần là áo lượt” thì “ai thèm coi”!  

Việc cân bằng thu chi cũng là một thử thách khi giá vé rất có thể sẽ đội lên cao vì số ghế giảm đi (chỉ còn hơn 630 ghế so với hơn 1.000 ghế của rạp Hưng Đạo cũ). Và dù có yêu mến cải lương đến đâu thì liệu khán giả sẽ chấp nhận trả số tiền lớn để vào xem một sân khấu mà quy mô theo sự ví von của một nghệ sĩ trẻ chỉ cỡ hội trường Trung tâm văn hóa quận hoặc sân khấu Nhà Văn hóa Sinh viên?

Ninh Lộc
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm