Viết tiếp cuộc tranh cãi về con đường gốm sứ

11/09/2009 10:03 GMT+7 | Văn hoá

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy: Hơn 1.000m không có logo nhà tài trợ

Không chỉ bị cho là “cắt khúc ra để làm quảng cáo”, không mạch lạc về chủ đề, “không khác gì vườn trẻ”… Con đường gốm sứ còn bị cảnh báo là trở thành “rác văn hóa”(?). Điều gì đang xảy ra trên Con đường gốm sứ cũng như trong dư luận?

TT&VH đã có cuộc trao đổi với họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, người khởi xướng và thực hiện dự án này.

* Rất nhiều ý kiến chỉ trích việc chị đặt logo nhà tài trợ trên Con đường gốm sứ. Chị giải thích thế nào về việc này?

- Khi viết dự án trình UBND Thành phố phê duyệt, tôi có đề xuất đây sẽ là một công trình nghệ thuật công cộng huy động nguồn vốn xã hội hóa, như một món quà của nhiều tổ chức, cá nhân dành tặng Hà Nội nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Tại cuộc họp do Chủ tịch UBND TP Hà Nội hồi đó là ông Nguyễn Quốc Triệu chủ trì vào ngày 21/6/2007, sau khi tôi trả lời rất nhiều câu hỏi phản biện từ các Sở Giao thông Công chính, Quy hoạch Kiến trúc, Văn hóa Thông tin (tên của các Sở vào thời gian đó), tôi có nhận được một câu hỏi rất thiết thực từ vị Chủ tịch: “Xã hội hóa một con đường thì được thu lộ phí, xã hội hóa một bệnh viện được thu viện phí, xã hội hóa một trường học được thu học phí, vậy xã hội hóa một bức tranh gốm công cộng dài như vậy làm thế nào để thu hút tài trợ?". Khi đó mọi người rất ủng hộ việc tôi đề xuất là tạo quyền lợi cho nhà tài trợ bằng việc họ được gắn logo gốm bên cạnh bức tranh họ tài trợ.


* Đành rằng các nhà tài thường đòi hỏi được “xuất hiện” trên tác phẩm, chương trình mà họ bỏ tiền ra thực hiện, tuy nhiên, về phía những người thực hiện dự án cũng phải “thuyết phục” làm sao để họ chấp thuận chỉ ghi tên, hoặc đặt logo ở một mức nào đó mà không gây phản cảm với tác phẩm, chương trình; đồng thời phù hợp với các quy định về quảng cáo... Xin hỏi chị, ở các dự án nghệ thuật công cộng khác, vấn đề “quyền lợi” nhà tài trợ được giải quyết như thế nào?

- Ở Barcelona (Tây Ban Nha), công viên Park Guel được lấy tên nhà Mạnh Thường Quân nghệ thuật thay vì tên của nghệ sĩ sáng tạo ra nó. Tại cầu thang xuống vịnh Toronto ở Canada, các nhà tài trợ cũng được đặt tên mình trên các khu vực được phân công trang trí và làm sạch. Đài phun nước Archibald ở trung tâm thành phố Sydney cũng mang tên nhà tài trợ...

Nếu không có các nhà tài trợ, thử hỏi những dự án nghệ thuật công cộng làm đẹp cho Thủ đô có đủ kinh phí thi công? Tuy nhiên chúng tôi sẽ điều chỉnh để logo xuất hiện hợp lý hơn trong tổng thể bức tranh. Hiện chúng tôi đang viết đề xuất với UBND TP Hà Nội về việc này.


Có quy hoạch tổng thể từ tháng 3/2009

“Ngay khi ra quyết định giao cho Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội triển khai dự án Con đường gốm sứ (ngày 23/ 10/2007), UBND Thành phố cũng đồng thời ra quyết định thành lập một Hội đồng nghệ thuật gồm 9 thành viên từ Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Sở VH,TT&DL Hà Nội, Sở QH-KT, Sở GTVT... Hội đồng nghệ thuật đã họp nhiều lần để phê duyệt các phác thảo trước khi triển khai nung gốm và ghép gốm gắn lên đê. Các họa sĩ đều tiếp thu ý kiến đóng góp và chỉnh sửa phác thảo theo ý kiến của hội đồng. Một quyển quy hoạch tổng thể toàn bộ Con đường gốm sứ với các phân đoạn nội dung chi tiết đã được Hội đồng Nghệ thuật phê duyệt và UBND thành phố ra quyết định quy hoạch tổng thể vào tháng 3/2009” (phát biểu của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy).

* Chị nghĩ gì về việc việc “vinh danh” các nhà tài trợ trong dự án này?

- Việc gắn tên tuổi các đơn vị tài trợ với Con đường gốm sứ là hết sức công bằng. Chúng tôi đã có quy hoạch tổng thể cho suốt chiều dài con đường. Hơn 1.000m hoa văn lịch sử và hoa văn trên thổ cẩm và trang trí kiến trúc của 54 dân tộc Việt Nam sẽ hoàn toàn không có logo nhà tài trợ, chỉ có phần tranh đương đại sẽ gắn logo nhà tài trợ với kích thước nhỏ. Tỷ lệ của logo chỉ chiếm 0,0025% của toàn thể bức tranh và đứng ngoài mép tranh. Nếu các bạn đến thăm các công trình nghệ thuật công cộng trên thế giới, bạn sẽ thấy chuyện đó là hết sức bình thường. Đó là xu thế chung của thế giới để phát triển nghệ thuật công cộng nhằm phá bỏ vẻ khô cứng và tối tăm của những khối bê tông trong thành phố. Nếu bạn không quyết tâm hành động thì những khối bê tông xám xịt sẽ mãi mãi làm buồn tẻ không gian sống của bạn.

* Về nội dung tác phẩm, có ý kiến cho rằng việc chị mang biểu tượng của quá khứ ra gắn ngoài đường là không hợp. Ý kiến của chị về việc này?

- Nguồn cảm hứng rất lớn của tôi cho ý tưởng dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng - Quà tặng Thăng Long Hà Nội 1.000 năm chính là những gì tôi được chứng kiến tại cuộc khai quật khảo cổ tại trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào cuối năm 2003. Những đầu phượng đầu rồng lớn bằng đất nung, những lá đề và đầu ngói ống trang trí kiến trúc, viên gạch trang trí hoa cúc dây thời Lý, thạp gốm lớn hoa nâu thời Trần, bình gốm men lam và men trắng rạn thời Lê, đã khiến tôi xúc động mạnh và nghĩ về một dòng chảy lịch sử xuyên suốt được lưu giữ trên chất liệu gốm, được cất giữ ngay giữa trái tim Thủ đô. Tôi ấp ủ ý tưởng về một con đường gốm sứ tôn vinh chất liệu gốm truyền thống lâu đời của cha ông và sẽ tái hiện lại một phần những họa tiết hoa văn đẹp theo dòng chảy lịch sử trên con đường này. Tôi đã đi thăm một loạt các bảo tàng ở Thanh Hóa, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh để so sánh đối chiếu các di vật gốm có cùng niên đại và mối liên hệ với trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tôi cũng rất xót xa khi thấy nhiều hoa văn đẹp trên đồ đồng Đông Sơn đang bị mờ dần theo thời gian do bị oxy hóa và do điều kiện bảo quản ở các bảo tàng nước ta chưa được tốt. Vậy là ý đồ tái hiện lại và phóng to các hoa văn trên chất liệu gốm đã ám ảnh tôi. Các hoa văn được phóng to và giữ nguyên bản gắn trên nền mosaic gốm màu chuyển động.

Có nhiều họa sĩ phản đối việc tôi tái hiện các hoa văn lịch sử này trên tường đê sông Hồng, nhưng cũng có nhiều họa sĩ đồng tình ủng hộ, đặc biệt là các bạn nghệ sĩ nước ngoài. Các bạn cho rằng như vậy sẽ tạo nên một bảo tàng ngoài trời sống động để hàng ngày đông đảo người dân có thể tiếp cận trong cuộc sống quá bận rộn.

Kỳ sau: Họa sĩ Trần Lương nói gì về Con đường gốm sứ?

Nếu “phi thẩm mỹ”, sao thu hút được nhiều nghệ sĩ quốc tế?


“Theo tôi, trong nghệ thuật khen chê là chuyện bình thường - họa sĩ Nguyễn Thu Thủy khẳng định - nhất là với một bức tranh dài như vậy, có người thích chỗ này, không thích chỗ kia. Bản thân chúng tôi cũng cảm thấy hài lòng với đoạn này, chưa hài lòng với đoạn kia. Nhưng nếu 10 người dân khen đẹp, có 2 nghệ sĩ chê xấu thì không có nghĩa là bức tranh đó phải xấu.

Chúng tôi rất tự hào khi dự án thu hút được sự ủng hộ của các quỹ văn hóa nghệ thuật nước ngoài có uy tín (Quỹ Ford Foundation, Quỹ Phát triển và Trao đổi văn hóa Đan Mạch, Quỹ Art Action (Singapore) và một số đại sứ quán tại Hà Nội. Khi viết hồ sơ xin tài trợ của các quỹ này, dự án đều phải thông qua một hội đồng nghệ thuật riêng của quỹ xem xét và quyết định tài trợ. Rồi các nghệ sĩ của Đan Mạch, Mỹ, Italia, Anh, Pháp, Tây Ban Nha tham gia dự án đều là các nghệ sĩ có uy tín và tên tuổi ở nước họ. Bạn có thể truy cập các website (www.muralarts.org; www.espersen.nu; www.cumbrianblues.com...) để xem các tác phẩm của họ và những bình luận của các nhà phê bình nghệ thuật thế giới viết về họ.

Thiết nghĩ, sự tham gia tích cực của các nghệ sĩ quốc tế trong dự án Con đường gốm sứ đủ để chứng tỏ sức hấp dẫn và ý nghĩa của dự án. Đến nay đã có 20 họa sĩ Việt Nam và 10 họa sĩ quốc tế tham gia thiết kế, triển khai dự án. 50 sinh viên mỹ thuật (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) cùng các nghệ nhân và công nhân tham gia thi công. Con số này còn có thể phát triển hơn nữa. Chúng tôi cũng tự hào tiết lộ rằng Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội cũng nhận lời mời sang hợp tác làm tranh ghép gốm ở Chicago (Mỹ) và Rawson (Argentina).

Tuy nhiên chúng tôi đều hoãn đến sau năm 2010. Nếu công việc của chúng tôi làm là “phi thẩm mỹ” như một số nghệ sĩ đánh giá thì làm sao dự án Con đường gốm sứ có thể thu hút nhiều nhà tài trợ và các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế tham gia đến như vậy” - chị khẳng định.

Đ.K (ghi)

Đông Kinh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm