Nghệ sĩ với EURO: Ký ức EURO 2020 - Nghịch lí trái bóng tròn

18/06/2024 07:12 GMT+7 | Văn hoá

Sau bài viết "3 kỳ EURO đi vào tiềm thức bóng đá" trên số báo ngày 14/6, nhà thơ - PGS ngôn ngữ Phạm Văn Tình tiếp tục gửi tới Thể thao và văn hóa (TTXVN) những ký ức về trận chung kết EURO 2020. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả

EURO 2020 là Giải Vô địch Bóng đá châu Âu lần thứ 16. Theo sáng kiến của cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini, lần đầu tiên EURO được tổ chức trên sân vận động của 11 thành phố thuộc 11 quốc gia. Đó là: Amsterdam (Hà Lan), Baku (Azerbaijan), Bucharest (Rumani), Budapest (Hungary), Copenhagen (Đan Mạch), Glasgow (Scotland), London (Anh), Munich (Đức), Roma (Ý), Saint Petersburg (Nga), Seville (Tây Ban Nha).

Đó là một sáng kiến hay, nhưng khi chuẩn bị giải đấu thì cả thế giới đang trong đại dịch Covid-19, vì vậy việc tổ chức gặp nhiều trở ngại. Lí do: Các cầu thủ và đặc biệt là khán giả phải di chuyển khắp châu Âu để xem các trận đấu. Cuối cùng, mọi việc cũng đã được thu xếp ổn thỏa. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh, các sân vận động phải hạn chế số lượng người xem. Các sân vận động chứa tối đa 50% khán giả so với số ghế và thấp nhất là 25%.

Ký ức EURO 2020 - Nghịch lí trái bóng tròn - Ảnh 1.

Tác giả Phạm Văn Tình

2 ông lớn của làng bóng đá châu Âu vừa có mặt tại trận chung kết của kỳ EURO trước đó (2016) là Pháp (đương kim vô địch) và Bồ Đào Nha (á quân) đều bị loại ở vòng 16 đội. Trong 2 trận bán kết, Anh đã loại Đan Mạch, còn Ý đã thắng Tây Ban Nha để cùng gặp nhau tại chung kết.

Điều thú vị là hai quốc gia được bố trí tổ chức đá trận khai mạc (Ý) và bế mạc - cũng là trận chung kết (Anh) lại gặp nhau trong trận thư hùng để giành ngôi vô địch. Đây là cuộc chạm trán giữa 2 tên tuổi lớn, 2 trường phái bóng đá tiêu biểu: Ý là bậc thầy về phòng thủ (catenaccio) còn Anh điển hình cho lối đá tấn công "sút và chạy" (kick and rush). Thực tế, một số sân vận động của Giải Ngoại hạng Anh còn dài rộng quá tiêu chuẩn FIFA (110x75m thay vì 105x68m).

Nước Anh là quê hương sản sinh ra môn thể thao dùng trái bóng tròn để đá (từ thế kỉ 18), nhưng thành tích tốt nhất của bóng đá xứ sương mù chỉ là một lần vô địch Thế giới từ năm 1966. Họ chưa từng đăng quang tại Giải Vô địch châu Âu. Vì vậy, hơn lúc nào hết, người Anh mong được nâng chiếc Cup EURO 2020 ngay tại quê hương mình. Chính phủ Anh đã cho cán bộ, viên chức và người dân được nghỉ ngày diễn ra trận chung kết (11/7/2020) để cổ vũ. Sân Wembley náo nhiệt, đông vui hơn một ngày hội lớn. Người Anh tin vào tài cầm quân của Gareth Southgate với một dàn cầu thủ thượng thặng đứng đầu là đội trưởng Harry Kane.

Dĩ nhiên, nước Ý (4 lần Vô địch Thế giới, một lần Vô địch châu Âu) trông chờ vào chiến thắng lần thứ hại tại giải EURO dưới "triều đại" Roberto Mancini. Thực tế, không chỉ có hai quốc gia (Ý và Anh) đối đầu, khán giả châu Âu (và toàn thế giới) "lưỡng phân" thành hai ngả. Và ngày 10/7/2020, trên Thể thao & Văn hóa, tôi đã có bài thơ, nhan đề Thế giới chia làm hai, trong đó có đoạn:

Ký ức EURO 2020 - Nghịch lí trái bóng tròn - Ảnh 2.

Lễ bế mạc EURO 2020 trên sân vận động Wembley

Không chỉ sân Wembley ngày hôm nay (11/7) chia hai màu Màu Ý (xanh Thanh Thiên) và màu Anh (Trắng - Đỏ)

Mà còn cả châu Âu hai hướng bàn tay vỗ

Dù cùng ở trên sân hay ngồi trước màn hình.

 

Em yêu những chiến binh thành La Mã tóc xanh

Có Paolo Rossi "Thiên thần" và Roberto Baggio "Thần thánh"

Và bây giờ, Chiellini, Jorginho, Verratti, Chiesa... kiêu hãnh

Phòng thủ, tấn công, muôn đường bóng đa chiều.

 

Anh quá quen những chàng trai xứ sương mù đáng yêu

Charlton, Shilton, Beckham, Rooney... từng xiêu lòng khán giả

Và bây giờ, hậu sinh Harry Kane, Sterling, Haka, Maguire... vượt lên tất cả

Trường phái Anglo-Saxon đâu chỉ giản đơn "lật cánh đánh đầu"?

Trận chung kết đã hướng theo một kịch bản không tưởng. Người Anh có lí do để hò reo khi ngay phút thứ hai, anh chàng Luke Shaw "phục phịch" nã một cú đại bác vào lưới Gianluigi Donaruma. Một "kết quả như mơ" được tất cả mọi người dân bên kia biển Manche tin đang thành hiện thực.

Người Ý vẫn kiên nhẫn cầm chân các chàng trai Anh (đang hăng) và chờ cơ hội. Thế rồi, phút 67, Leonardo Bonucci đã gỡ hòa, làm cho sân Wembley, London và cả nước Anh nín lặng. H. Kane và đồng đội cố hết sức đành bất lực nhìn người Ý chọn "giải pháp chấm phạt đền". Và Donaruma (sau được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất giải) đã giúp cho đội Ý thắng oanh liệt 3-2 trên chấm luân lưu. Nước Anh lại một lần vỡ mộng trước cơ hội "hơn cả bằng vàng".

Niềm vui của người này là nỗi đau của người khác. Trái tim tôi cũng như mọi người "chia thành hai ngả". Bài thơ cuối cùng, "chốt hạ" EURO2024 có tên Không theo quỹ đạo lăn nói về sự "bất thường đỏng đảnh" của trái bóng tròn. Nói đúng hơn là "triết lí trái bóng tròn" luôn có quy luật riêng của nó:

Trái bóng Uniforia hôm nay sao bướng bỉnh

Không chịu lăn theo quỹ đạo lập trình

Mọi toan tính vẫn chỉ là toan tính

Trái bóng cứ bay theo hướng của riêng mình.

 

Trận chung kết hai kì phùng địch thủ

Phút cuối cùng rạng rỡ Áo Thiên Thanh

Nước mắt cùng rơi niềm vui cúp vàng về đất Ý

Thăm thẳm nỗi buồn sáu bảy triệu người Anh.

 

Lịch sử cuối cùng cũng phải gọi tên nhà vô địch đón sớm mai

Những loạt sút luân lưu "tăng xông" người yếu vía

Và may mắn lần này lại đứng về người Ý

Cú sút hỏng Saka làm tan giấc mộng Anh - 55 năm khắc khoải đợi chờ

 

Wembley một chiều tan tác một giấc mơ

67 triệu người Anh chưa bao giờ nghĩ chiếc cúp về gần đến vậy

Nhưng sân cỏ như chúng ta thường thấy

Dù không tin vẫn phải tin nghịch lí trái bóng tròn

Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm