Người Hà Nội sống chậm bằng cách... đạp xe

12/02/2014 10:54 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Nhịp sống Hà Nội ngày nào cũng vậy, lặp đi lặp lại cảnh tắc đường, chen nhau trên từng con phố nhỏ, vượt đèn đỏ vì sợ tắc đường, thậm chí chuẩn bị sẵn cặp lồng cơm cho bữa trưa chỉ vì ngại ra đường. Sự phát triển nhanh của một đô thị lớn khiến ai cũng vội, cũng bị cuốn đi một cách vô thức.

Đi tìm một Hà Nội yên bình với lảng bảng sương hồ, gió hiu hiu thổi vào từ những hồ Tây, hồ Gươm, Trúc Bạch… điều đầu tiên người ta nghĩ đến là những cụ già tập thể dục bên hồ. Còn lại, tất cả chỉ là hoài niệm một thời với chiếc tàu điện leng keng, anh cán bộ với chiếc cặp da Liên Xô đạp xe chầm chậm trên đường Thanh Niên.

Đạp xe để... giảm cân

Vân Anh, PR Manager của một chuỗi trung tâm thể thao cao cấp dường như đã chán ghét điều đó. Có đủ ô tô, xe máy và có tiêu chuẩn đi taxi trong các công việc liên quan đến gặp gỡ khách hàng, cô vẫn cảm thấy khá ngột ngạt khi lúc nào cũng phải vội vã dù đó là tính cách mà cô có sẵn. Cô tìm đến xe đạp.

“Tất nhiên ban đầu như bao người phụ nữ khác, đặc biệt là làm tại trung tâm thể thao, tôi đạp xe với mục đích giảm mỡ thừa, săn chắc cơ thể. Nhưng những vòng hồ Tây, những chuyến ra ngoại thành cùng các đội xe đạp Hà Nội khiến tôi thấy có một Hà Nội hoàn toàn khác. Thật yên bình, trong lành và đẹp dịu dàng”, chị tâm sự.

Có lẽ cũng vì lý do này mà hầu hết những người đạp xe ở Hà Nội đều chọn hồ Tây là một cung đường chuẩn cho việc tập thể dục và cảm nhận về một thành phố thanh bình.

Dài khoảng 20km, đường bao quanh hồ Tây đặc biệt hấp dẫn khi đi qua những khu làng cổ như Yên Phụ, Trích Sài, Quảng Bá..., những biệt thự ngoại giao ấn tượng, và đặc biệt là cảnh sáng sớm với những ngư dân xưa của hồ Tây câu cá.

Một cán bộ về hưu cười xoà khi “bị” chụp ảnh đang đạp xe trên đường Thanh Niên. Ông cho rằng, đạp xe là biện pháp tập thể dục vừa sức đối với người cao tuổi và cũng là một cách để nhớ về một Hà Nội xưa.

“Thanh niên giờ năng động nhưng có vẻ lười tập thể dục. Ai cũng có vẻ vội vàng trong cuộc sống mà quên đi cần lắm những phút chậm lại, nhìn lại mình, nhìn lại cuộc sống, ngắm một Hà Nội đang đổi thay từng ngày nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp riêng của mình”. Ông nhất quyết không nói tên nhưng khẳng định, bất cứ ai ở độ tuổi ông cũng đều nghĩ vậy khi chọn xe đạp làm phương tiện đi lại vào thời điểm này.

Nhưng có vẻ như những gì ông nhận xét là hơi chủ quan. Ở góc độ nào đó, thanh niên Hà Nội ham chơi, lười tập thể dục. Nhưng nếu nói về sự năng động, nhanh chóng thích nghi với thực tế thì họ chưa hẳn đã chịu thua... các cụ. Bỏ lại ô tô và xe máy, Trần Thanh Bình, một ông chủ doanh nghiệp nhỏ chọn cách đến công ty bằng xe đạp: “Tôi không phải là mẫu người ham ngủ nướng và luôn không thích mình là người đến muộn giờ làm. Chính vì vậy, chỉ cần dậy sớm, đạp xe, tôi vẫn thoát được khỏi những dòng đường đông nghẹt người, đến công ty và đủ thời gian để tắm rửa, thay quần áo làm việc”.

Có thể với ai đó, cần rạch ròi giữa thể dục và công việc, với anh Bình, chẳng khó khăn gì trong việc phối hợp giữa đi làm và tập thể dục. Anh cho rằng, điều quan trọng là chủ động được quỹ thời gian của mình. Còn việc cảm nhận Hà Nội hay tìm một không gian riêng giữa những bận rộn này, giới trẻ như anh còn nhiều cách khác hay hơn.

Và để... sống chậm

6h30 sáng, Hà Nội vẫn chìm trong sương mù, ảnh hưởng của đợt gió mùa sau Tết. Thỉnh thoảng lại có một bóng người nghiêng ngả đạp, gió thổi bạt cả xe. Những quán trà đá, cà phê, cửa hàng sửa xe đạp chẳng ngại cái giá rét cuối mùa cũng sớm mở cửa làm chỗ dừng chân cho những người yêu thích bộ môn này.

Người đi 1 vòng rồi lại làm chén trà hàn huyên với bạn. Người khác lại cứ cặm cụi đạp 3 vòng, 4 vòng, thậm chí đến lúc nào chán thì về. Đâu đó từng nhóm đủ cả người cao tuổi, thanh niên đứng lại chờ nhau, chuẩn bị cho một chuyến sang tận Bát Tràng hay lên tuốt Ba Vì. Nói là mốt đi xe đạp thì cũng không hẳn nhưng Hà Nội đang có một phong trào đạp xe, vì sức khoẻ, vì một cuộc sống chậm hơn.

“Em chọn xe đạp trước tiên là vì sự đơn giản và chậm của nó. Xe đạp chưa bao giờ là cầu kỳ. Nó không đòi hỏi phải giấy tờ, phải gương chiếu hậu, phải xăng dầu. Chỉ cần một chút sức khoẻ của bản thân, một chút thanh thản, thế là đã từ từ đi qua những vội vã của cuộc sống đô thị. Nó chậm, nó giúp em quên đi được những ồn ào, xô bồ xung quanh. Lúc đó em đã cảm nhận được cuộc sống thực sự đang diễn ra thế nào”.

Lời tâm sự của Nguyễn Quỳnh, một hướng dẫn viên du lịch trẻ nghe qua có vẻ gì đó mệt mỏi, triết lý. Nhưng quả thực, khi bạn lạc vào một dòng chảy của cuộc sống hiện đại, bạn phải trôi theo nó và thấy mọi thứ cứ đương nhiên phải diễn ra như vậy.

Một lúc nào đó, đứng bên lề nhìn vào, mọi thứ bỗng trở nên khác biệt. Và bạn nhận ra rằng: “À, Hà Nội vẫn còn đó những vẻ đẹp đã đi vào thơ ca. Hà Nội vẫn còn đó sự chậm chạp đầy đáng yêu của mình. Và Hà Nội vẫn còn nhiều lựa chọn dù bạn có bận đến mấy”.

(Còn tiếp)

Cao Mạnh Tuấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm