02/01/2025 07:03 GMT+7 | Văn hoá
Do khuôn khổ trang báo, tôi chia câu chuyện này thành hai kỳ. Hôm nay chúng ta sẽ tập trung nói về bằng chứng "người lạ" miền Thiên Trúc hành nghề, lập nghiệp ở xứ Thanh xưa.
1. Cũng những ngày này 2 năm về trước, một "người bạn" văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng tiền sử Phạm Huy Thông đã gửi hỏi tôi về một mặt nhẫn đá màu da cam bóng đẹp. Mặt đá này mỏng đều khoảng 2mm, hình oval, mài vát cạnh và đánh bóng cả hai mặt. Trên mặt oval nhỏ hơn có hình khắc sắc nét mô tả hình nhìn nghiêng của một ông già có râu, tay chống gậy, tay đỡ vạt áo đang bay, như đang ngược gió tiến về phía trước. Cấu trúc mặt đá này rõ ràng như một mặt nhẫn kiểu intaglio.
Điều đáng ngạc nhiên là mặt đá lạ này nằm trong lòng những đồ gốm rất quen thuộc của giai đoạn Đông Sơn Giao Chỉ ở một vùng cửa sông cổ thuộc đất Nông Cống (Thanh Hóa) hiện nay. Tôi nhận ra ngay, đây là một mặt nhẫn rất giống những thứ mà Malleret, Giám đốc EFEO (viện Viễn Đông bác cổ Pháp) đã phát hiện trong văn hóa Óc Eo trước Chiến tranh Thế giới 2 ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Sau này, rải rác trong văn hóa Champa cũng phát hiện được loại mặt đá tương tự.
Tôi đã gửi ảnh hiện vật cho một nữ tiến sĩ người Đức, chuyên gia trong lĩnh vực này và ngay lập tức nhận được trả lời. Đó là một loại mặt nhẫn đeo dùng để in dấu chủ nhân trên các thư từ hay kiện hàng gửi cho người khác, tương tự như những "phong nê" phổ biến đương thời ở Trung Hoa cổ đại. Chủ nhân là quý tộc hay thương nhân vùng tây Ấn, nơi chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy - La thời Ba Tư.
Hình khắc ông già trên mặt nhẫn đó chính là một biến thể của thần Dớt (Zeus), chúa tể các vị thần Hy Lạp trên đường hành hương về phía đông, niên đại phổ biến khoảng những thế kỷ đầu Công nguyên. Để đảm bảo thư từ hay hàng hóa không bị mở trộm hoặc tráo đổi, kiện hàng được buộc dây và rót niêm phong sáp ong ở đoạn thắt nút, sau đó, khi sáp ong còn ấm mềm, sẽ ấn mặt nhẫn khắc hình của riêng mình vào đó.
Câu chuyện về chiếc mặt nhẫn đã rõ, nhưng sự tồn tại chung lẫn của nó với những hiện vật thuần Đông Sơn muộn lại mở ra một đề tài mới mà tôi đã từng để ý nhiều năm trước đó: Sự hiện diện của những thương nhân hay tăng lữ đến từ những vùng văn hóa Ấn Độ hay Ấn Độ hóa trong văn hóa Đông Sơn. Những người mà trong mấy kỳ "Đêm đêm rì rầm trong tiếng Đất" vừa qua được nhắc đến như những "người lạ" trong văn hóa Đông Sơn.
"Sát Thiệu Dương, cũng chân Núi Đọ có xã Thiệu Khánh từng xuất lộ hai cụm mộ chứa toàn đồ "phong cách Thiên Trúc" ở Cồn Gành" - TS Nguyễn Việt.
2. Khi vừa loan tin phát hiện này trên các phương tiện truyền thông, tôi ngay lập tức nhận được thông báo về những phát hiện tương tự ở một số vùng khác thuộc địa bàn Đông Sơn Giao Chỉ. Đáng chú ý nhất là một chiếc nhẫn vàng còn nguyên mặt đá, trên đó có hình khắc hình Nữ thần, được phát hiện ở vùng Đình Tổ, gần Luy Lâu đất Dâu Keo, Thuận Thành (Bắc Ninh).
Do khuôn khổ trang báo, tôi sẽ chia câu chuyện này thành hai kỳ. Hôm nay sẽ tập trung nói về bằng chứng "người lạ" miền Thiên Trúc hành nghề, lập nghiệp ở xứ Thanh, đất Cửu Chân xưa.
Xứ Thanh đã từng có một nhịp nhập cư rất lớn diễn ra vào khoảng đầu thiên niên kỷ 2 trước Công nguyên. Một nhóm dân trồng lúa từ phía Bắc đã đến tìm đất lúa đang mở ra khi biển thoái, định cư ở các cồn gò hay chân các rìa núi đá vôi khô ráo giữa đồng bằng đang mở rộng từ ngã ba sông Chu - Mã. Rìa chân núi lớn hình mu rùa (Đọ) ngay vùng ngã ba sông đó hiện còn lưu giữ dấu tích làng lúa sớm nhất của cuộc nhập cư đó: địa điểm khảo cổ học Cồn Chân Tiên. Dân cư trồng lúa nhanh chóng mở rộng ra các cồn cao và chân núi ở Thiệu Dương, Đồng Ngầm (Đông Tiến), Bái Man, Cồn Cấu, Đông Khối…
Cuộc hội nhập của những người Đồng Vườn săn bắt hái lượm kiểu Đa Bút với những người trồng lúa kiểu Cồn Chân Tiên tại Mán Bạc (Yên Mô, Ninh Bình) mà tôi đã nhắc đến trong kỳ 1 của loạt bài này là bằng chứng hiếm hoi của cuộc hợp cư giữa những người săn bắt, hái lượm, trồng trọt sớm bản địa với những người trồng lúa phương Bắc.
Bài này sẽ không đi sâu vào khoảng nhập cư sớm này mà chỉ nhấn mạnh vị trí ngã ba sông Chu - Mã đã sớm trở thành một trung tâm mang tính phát tích của chuỗi văn hóa vật chất tiền Đông Sơn và Đông Sơn sau này. Trong văn liệu học thuật thường nhắc đến các giai đoạn phát triển kế tiếp nhau là Cồn Chân Tiên - Đông Khối - Quỳ Chử và Đông Sơn.
3. Từ đầu những năm 1960, địa điểm khảo cổ học Đồng Cổ Ngựa tại Thiệu Dương đã được khai quật. Từ đây đến khu mộ táng Đông Sơn theo rìa hữu ngạn sông Mã chỉ chưa đầy 2km.
Dấu tích cư trú cho thấy dân cư trồng lúa sớm đã tụ cư ở vùng Thiệu Dương này trước khi lan tỏa đến Đông Sơn. Trong lớp mộ nửa sau thế kỷ 1 trước Công nguyên tại Đồng Cổ Ngựa đã phát hiện nhóm quý tộc họ Trần sớm nhất hiện biết với những ấn đồng Trần trường (tràng) hầu ấn, như bằng chứng khẳng định Thiệu Dương như một cảng thị sầm uất đương thời. Cái tên "Làng Giàng" - Đất Trời gắn với quý tộc Đông Sơn họ Giàng - Dương và Tư Phố cũng ra đời từ đây.
"Tư Phố" là chữ Hán ám chỉ trung tâm buôn bán cảng thị ngã ba sông. Sự sầm uất này có lẽ muộn nhất đã có từ thế kỷ 3 trước Công nguyên, liên quan đến việc phát hiện chiếc ấn đồng lưng đội mu rùa nổi tiếng từ 1936 - 1937 mà thương gia người Bỉ là Huet đã sưu tầm được.
Chiếc ấn lần đầu được nữ giám đốc Bảo tàng Hoàng gia nghệ thuật châu Á nước Bỉ công bố tại Hội nghị lần thứ nhất các nhà khảo cổ Đông Nam Á tại Tây Âu ở London năm 1986 với bản dịch là Việt phố hầu ấn. Tiến sĩ Ian Glover đã công bố lại ấn này sau khi ông cùng các nhà khảo cổ học Việt Nam khai quật Trà Kiệu giữa 1990. Chữ trên ấn này đã được nhà khảo cổ học Việt Nam là Nguyễn Văn Hảo đính chính lại là Tư Phố hầu ấn năm 2008.
Và tôi sau khi khảo sát kỹ đã đồng tình với Nguyễn Văn Hảo, cho rằng đây chính là ấn của viên quan tước hầu (lưng ấn có hình rùa) được Triệu Đà cử sang làm Điển sứ thu thuế quận Cửu Chân sau khi sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt. Tư Phố khi đó đã trở thành trị sở của quận Cửu Chân. Hiện chiếc ấn đang lưu tại Bảo tàng Hoàng gia Brussels (Bỉ).
Bài viết đã dừng lại khá lâu ở vùng đất Thiệu Dương, Tư Phố này cũng còn vì nơi đây, khi Đông Sơn bước vào thời kỳ quận huyện Cửu Chân, Giao Chỉ… đã từng nổi danh với thủ lĩnh Đô Dương, một trong những thế lực Đông Sơn Cửu Chân tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị Mã Viện truy sát sau này.
Nhưng đáng nói hơn là những phát hiện gần đây trong vùng đất Thiệu Dương về những mộ táng mang theo bộ đồ đồng thau pha thiếc cao (high tin bronze) được đúc, gò, đánh bóng theo kỹ thuật kim hoàn cao của thợ Ấn Độ, trong đó khá nhiều loại bát đồng khất thực, đặc biệt những bát có núm trôn nổi cao ở giữa đáy bát, đĩa. Có vẻ đó là bằng chứng khảo cổ học sinh động nhất về sự hiện diện của những "người lạ" thương nhân, tăng lữ đến từ vùng Thiên Trúc, mà mở đầu nói về mặt nhẫn đá chỉ là bước dạo đầu.
Những cụm mộ chứa đồ "phong cách Thiên Trúc" ở Cồn Gành
Sát Thiệu Dương, cũng chân Núi Đọ có xã Thiệu Khánh (nay thành phường thuộc thành phố Thanh Hóa mở rộng) từng xuất lộ hai cụm mộ chứa toàn đồ "phong cách Thiên Trúc" ở Cồn Gành. Cụm thứ nhất là ba phiến đồng mỏng đẹp trang điểm trên trán và hai tai, hai vòng tay dáng ống đen bóng. Cụm thứ hai cũng gồm hai vòng ống đeo tay tương tự và ba vòng mảnh nhỏ hơn, một bát chân nhỏ và một phễu dáng lạ. Có vẻ như nó của một tăng lữ Thiên Trúc thời xưa. Nhờ những đồ Đông Sơn đi kèm chúng ta dễ dàng nhận ra niên đại của các đồ lạ khác hẳn nhóm đồ Đông Sơn truyền thống.
(Còn nữa)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất