Người quan sát: Khóa cửa sân vận động

31/05/2024 08:33 GMT+7 | Thể thao

Chuyện thật như đùa, khi SVĐ Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, đã bị khóa trái cửa trong nhiều tháng qua. Trong khi rất nhiều các địa phương thiếu sân chơi và mơ ước có được một sân bóng 11 người đạt chuẩn, thì ở Bảo Lộc, người ta lại làm chuyện ngược đời, chỉ vì bất đồng về giá thuê giữa bộ phận quản lý khai thác (Trung tâm VH-TT) và khách hàng, tức các đội bóng.

Trong chuyến công tác tại Lâm Đồng vừa qua, người viết đã mục sở thị sân bóng huyền thoại, từng là sân nhà của đội bóng Lâm Đồng, cũng là nơi tổ chức rất nhiều các trận đấu - giải đấu tiếng tăm, như Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long, các trận giao hữu của danh thủ 3 miền gây quỹ thiện nguyện, quảng bá du lịch, phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho thành phố..., nay lại khóa trái cửa im lìm. Các đội bóng thiếu sân chơi và lạ ở chỗ, lãnh đạo TP. Bảo Lộc cũng như Sở VH, TT&DL tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa có văn bản chỉ đạo.

Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, vì không đạt được thỏa thuận về giá cho thuê, cũng như thời hạn thuê, mà sân bóng này bị đóng cửa. Tức là, thay vì thắp sáng cả căn phòng, thì người trong cuộc lại tắt đèn, để tất cả chìm trong bóng tối. Cuối cùng thì bóng đá thuộc về ai và chúng ta đá bóng vì mục đích gì, cho cái gì?!

Người quan sát: Khóa cửa sân vận động - Ảnh 2.

SVĐ Trung tâm Văn hoá - Thể thao TP. Bảo Lộc dù có chất lượng mặt cỏ rất tệ nhưng vẫn trở thành mục tiêu tranh chấp. Ảnh: CCKM

Từ cái sân bóng Trung tâm VH-TT Bảo Lộc bị khóa trái cửa, suy rộng ra, bối cảnh của bóng đá Việt Nam lúc này cũng khá mông lung. LĐBĐ TP.HCM (HFF) có một khẩu hiệu rất hay là: Bóng đá vì ngày mai, nhưng ngày mai cũng có thể là vùng trắng trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. 20 năm qua, kể từ khi TMN.CSG xuống hạng Nhất năm 2003, thành phố đông dân nhất Việt Nam này luôn trong trạng thái ấy. Và nhiều giai đoạn, địa phương này phải nhập khẩu các CLB nơi khác về.

Đến nay, hệ thống đào tạo trẻ của TP.HCM gần như vẫn tê liệt, dù các trung tâm bóng đá cộng đồng vẫn rất nhộn nhịp, thậm chí sôi động nhất cả nước. CLB TP.HCM không được AFC cấp phép mùa tới, khi chưa kiện toàn được các tuyến trẻ và các yếu tố khác của một CLB chuẩn chuyên nghiệp.

Nhưng ở Việt Nam đâu chỉ mỗi CLB TP.HCM là chưa đạt chuẩn, có đến hơn nửa số đội bóng đang chơi V-League (chứ đừng nói hạng Nhất) đều sẽ không được AFC cấp phép mùa tới. Ví như Thể Công Viettel, Hải Phòng, HAGL, Bình Định, Khánh Hòa, SHB Đà Nẵng...

Hơn 25 năm tiến lên chuyên nghiệp, cùng rất nhiều các đợt phổ cập, từ văn bằng huấn luyện đến các gói Tầm nhìn châu Á..., song cho đến nay, bóng đá Việt Nam vẫn cứ mông lung thế nào ấy.

Cũng tại vòng 22 V-League 1 chiều qua (30/5), nhà ĐKVĐ CAHN lại thua trên sân của đội bóng đang đua trụ hạng là HL Hà Tĩnh. Đây đã là trận thua thứ 4 liên tiếp của đội bóng sở hữu toàn hảo thủ này, kể từ khi chia tay HLV Kiatisuk.

Không ai biết lý do vì sao một đội bóng mới vừa năm ngoái lên ngôi vô địch mà năm nay đã sa sút đến vậy, và không rõ chuỗi trận thất vọng của CLB này còn kéo dài cho tới khi nào, nhưng dù gì việc một nhà ĐKVĐ mà lại nhanh chóng để mất cơ hội bảo vệ danh hiệu khi mùa bóng vẫn còn 4 lượt trận nữa mới kết thúc thì không thể coi là một tín hiệu tích cực của giải VĐQG chuyên nghiệp.


CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm