Người thu nhập thấp không thuộc diện phải nộp thuế nhà ở

18/04/2018 08:02 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Đề xuất ngưỡng chịu thuế/không chịu thuế đối với nhà ở là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng, tại dự án xây dựng Luật Thuế tài sản vừa được Bộ Tài chính công bố đã gây xôn xao dư luận xã hội suốt thời gian qua.

Đa số người dân cho rằng mức áp thuế này không công bằng khi đang đè thêm gánh nặng cho người có thu nhập thấp.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Trường, Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính.

* Thưa ông, theo dự thảo Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính có đưa ra đề xuất ngưỡng chịu thuế/không chịu thuế đối với nhà ở là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng. Theo ông, đề xuất này có hợp lý không khi mà hiện nay nhà ở xã hội mà người lao động mua theo các gói vay ưu đãi của nhà nước cũng đã có giá trị vượt quá mức đề xuất đưa ra?

- Giá nhà mà người có thu nhập thấp được mua thực chất bao gồm giá quyền sử dụng đất và giá nhà, chứ không chỉ là giá nhà. Giá đất được tính theo giá do Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định. Giá nhà được tính theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng quy định.

Nhà ở dành cho người có thu nhập thường có diện tích từ 50 đến 70 m2 và cao từ 5 đến 10 tầng. Suất vốn đầu tư xây dựng cho nhà chung cư từ 5 đến 7 tầng là 8,06 triệu đồng/m2; từ trên 7 đến 10 tầng là 8,3 triệu đồng/m2.

Chú thích ảnh
Một góc dự án nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá, huyện Gia Lâm (giai đoạn 2). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Giả sử một căn hộ cho người có thu nhập thấp với diện tích rộng 70 m2 trong căn chung cư 10 tầng thì giá trị nhà làm căn cứ xác định thuế tài sản chỉ là 581 triệu đồng, mặc dù giá căn nhà này có thể được bán từ 900 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Điều này cho thấy, người có thu nhập thấp không thuộc diện phải nộp thuế đối với nhà ở.

Do đó, theo dự thảo Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính vừa công bố, thuế nhà chỉ đánh vào hộ gia đình có thu nhập trên trung bình trở lên nên không phải là gánh nặng cho người nghèo.

* Vậy trong trường hợp phải thu thì quan điểm của ông nên thu ở ngưỡng như thế nào sẽ hợp lý?

- Tôi cho rằng không nên đánh thuế tài sản đối với người có thu nhập từ trung bình trở xuống. Theo đó, căn cứ vào suất vốn đầu tư xây dựng bình quân khoảng 7 triệu đồng/m2, mức diện tích nhà ở trung bình của một hộ gia đình khoảng 100 m2 (mức diện tích phấn đấu theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030) thì giá trị nhà trên 700 triệu đồng như mức dự thảo Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính đưa ra là không đánh thuế vào người có thu nhập trung bình trở xuống.

Cần lưu ý là một số người nhầm lẫn giữa giá nhà tính thuế với giá nhà trên thị trường. Khi mua nhà trên thị trường thì thực chất người mua đã mua cả giá trị quyền sử dụng đất và nhà trên đất. Bởi vậy, nếu như tính mức giá nhà là 700 triệu đồng thì tổng giá trị của cả nhà và quyền sử dụng đất có thể từ 1,2 tỷ đến 2,5 tỷ đồng tùy theo vị trí nhà và loại đô thị.

* Thưa ông, hiện khi mua đất xây dựng nhà, người dân đã phải chịu nhiều khoản thuế, phí như thuế sử dụng, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thu thuế đất ở được phân bổ trên diện tích sàn sử dụng thực tế (nhà chung cư), lệ phí trước bạ, phí công chứng… Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo này sẽ dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế.” Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Với mỗi sắc thuế thì đối tượng đánh thuế và mục tiêu điều tiết riêng. Thuế giá trị gia tăng điều tiết thu nhập của người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản đánh vào thu nhập của người có bất động sản khi chuyển nhượng. Thuế tài sản tính trên giá trị của tài sản.

Khi đánh thuế giá trị gia tăng, Nhà nước không thể điều tiết vào lợi ích mà chủ sở hữu nhà đất nhận được từ sự đầu tư vào kết cấu hạ tầng của nhà nước. Khi đánh thuế thu nhập cá nhân vào hoạt động chuyển nhượng bất động sản, nhà nước chỉ điều tiết thu nhập của người sở hữu nhà đất khi có hoạt động chuyển nhượng.

Thêm vào đó, đánh thuế tài sản cũng là phương pháp tốt để thu thuế đối với những khoản thu nhập ngầm, thu nhập chưa kê khai thuế thu nhập cá nhân đầy đủ.

Thuế Tài sản đánh vào nhà đất là một sắc thuế hữu hiệu để điều tiết thu nhập của người giầu, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, đặc biệt, khi xác định ngưỡng đánh thuế phù hợp để không đánh thuế vào nhà ở của người có thu nhập từ trung bình trở xuống.

* Theo quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Các doanh nghiệp, cá nhân chỉ được cấp quyền sử dụng đất chứ không cấp quyền tài sản. Theo ông, việc đánh thuế tài sản với đất, nhà liệu có hợp lý?

- Bản chất của việc đánh thuế tài sản đối với đất ở Việt Nam là đánh vào quyền sử dụng đất. Người có quyền sử dụng đất tuy không phải là chủ sở hữu đất nhưng được thực hiện phần lớn các quyền của chủ sở hữu (như: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền chuyển nhượng) và khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật thì được bồi thường.

Như vậy, tuy chỉ có quyền sử dụng đất nhưng người dân được hưởng các lợi ích từ đất như chủ sở hữu đất. Vì lẽ đó, coi quyền sử dụng đất là tài sản và đánh thuế tài sản là hợp lý.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

Những ý kiến trái chiều trước đề xuất đánh thuế nhà ở ngưỡng 700 triệu đồng

Những ý kiến trái chiều trước đề xuất đánh thuế nhà ở ngưỡng 700 triệu đồng

Đề xuất của Bộ Tài chính áp thuế với mức 0,4% đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Phần lớn người đang sở hữu nhà rơi vào đối tượng phải nộp thuế trong khi họ không phải là giới đầu cơ, không phải là những người chiếm hữu nhiều tài sản.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm