Chuyện du đấu hè của Premier League: 'Gánh xiếc rong' lại bắt đầu mùa lưu diễn

19/07/2016 20:03 GMT+7 | Bóng đá Anh

(giaidauscholar.com) - Leicester đã vô địch Anh mùa trước sau khi chuẩn bị cho mùa bóng mới chỉ ở quê nhà. Nhưng giờ họ cũng đang nhảy vào gánh xiếc rong lang thang khắp thế giới để đá những trận giao hữu hào nhoáng và vô nghĩa.

Liệu những đội ở lại có quyết định đúng đắn hơn về mặt chuyên môn?

Leicester: Từ South Yorkshire tới California

Mùa Hè năm ngoái, chuyến đi đá giao hữu đầu mùa xa nhất của Leicester là 66 dặm (106 km) từ Leicester xuống South Yorkshire gặp Rotherham United. Còn lại họ đá các trận khởi động khác đều trên sân nhà, với những đội hàng xóm vùng miền Trung nước Anh như Lincoln, Mansfield, Burton và Birmingham.

Nhưng sau danh hiệu vô tiền khoáng hậu mùa trước, những chân trời mới đã mở ra với đội bóng của HLV Claudio Ranieri mùa Hè này, ở một mức độ choáng ngợp. Những đội bóng hàng đầu châu Âu giờ xếp hàng đặt lịch hẹn với Leicester: Đối thủ của họ sẽ bao gồm Paris Saint-Germain ở Carson, California, Mỹ; và Barcelona ở Stockholm, Thụy Điển.

Những trận đấu đó thuộc khuôn khổ giải International Champions Cup 2016, một giải giao hữu “siêu sao” đầu mùa do hãng quảng cáo và tiếp thị Relevant Sports, trụ sở ở New York, tổ chức. Diễn ra tại 16 thành phố đăng cai tại Australia, Trung Quốc, Mỹ, và châu Âu, các đội hàng đầu châu Âu sẽ đá những giải mini trải khắp thế giới. Tottenham chơi ở Australia, cùng Atletico Madrid, Juventus và Melbourne Victory; Man City và Man United với Borussia Dortmund đá ở Trung Quốc…

Như vậy, lần đầu tiên Pep Guardiola và Jose Mourinho đối mặt mùa tới sẽ không phải là ở Etihad hay Old Trafford, mà là sân Tổ Chim tại Bắc Kinh. Đó cũng sẽ là trận derby Manchester đầu tiên diễn ra bên ngoài nước Anh. Trong khi đó, HLV Antonio Conte sẽ dẫn dắt Chelsea thi đấu ở Mỹ và châu Âu, nơi họ gặp Liverpool tại sân Rose Bowl ở Pasadena, Real Madrid ở Ann Arbor và AC Milan ở Minneapolis, đều trên đất Mỹ.

Giống như Leicester, Liverpool của Juergen Klopp đá ở Mỹ và châu Âu, bao gồm trận gặp Barcelona tại Wembley. Những trận đấu có mặt các đội Premier League sẽ được truyền trực tiếp từ Albania tới Argentina, từ Belarus tới Myanmar, từ Canada tới Kosovo, từ Đài Loan tới Thái Lan, từ Iceland tới Ấn Độ, và từ Malta tới Malaysia, quy mô cũng như thời gian của chuyến lưu diễn cứ ngày càng được mở rộng.

Các HLV sẽ chẳng quan tâm tới kết quả (có lẽ trừ trận Guardiola-Mourinho), nhưng về mặt thương mại, những trận đấu đó không hề vô nghĩa chút nào. 2 năm trước, 110.000 CĐV đã tới sân xem Man United đối đầu Real Madrid ở Michigan trong trận giao hữu đầu mùa, kỷ lục về lượng khán giả trong một trận bóng đá ở Mỹ.

Thất bại của phong trào đòi ở lại

Đông Á, trong khi đó, đang là thị trường mới nổi quan trọng nhất. Những kẻ tìm cách ở nhà giờ hoặc là không thể kiếm tiền, hoặc chỉ là lập dị. Một người như thế là Sam Allardyce. Mùa trước, khi còn dẫn dắt West Ham và không chịu nổi việc để cầu thủ vắt kiệt sức với chuyến bay sang New Zealand, mùa này, Allardyce, đã chuyển sang Sunderland, muốn ông chủ người Mỹ của CLB Ellis Short cho phép đội bóng ở lại châu Âu mùa Hè này. Đã từng phải nghe những lời than phiền tương tự từ Dick Advocaat, người tiền nhiệm của Allardyce, lần này Short đã ghi nhận.

Dù Sunderland cũng sẽ đá trên sân New York, nhưng sân này là ở Rotherham. “Với chúng tôi việc không phải di chuyển quá nhiều và ở lại châu Âu là rất quan trọng”, Allardyce nói, đội bóng của ông sẽ chỉ khởi động ở Pháp và Áo. “Đi vòng quanh thế giới, tới những nơi như nước Mỹ, là điều không thích hợp cho một đội bóng đang chuẩn bị cho một mùa giải lớn ở Premier League. Ở lại châu Âu giúp chúng tôi chuẩn bị tốt nhất cho các cầu thủ”.

Allardyce và Arsene Wenger không có nhiều điểm chung, nhưng riêng trong chuyện này thì lại hợp ý nhau. Trong nhiều năm, HLV người Pháp đã giới hạn việc khởi động cho mùa giải mới chỉ ở Áo, nhưng rồi Wenger gần đây cũng phải khuất phục và Arsenal bắt đầu đá tại California. Với mọi chi phí do nhà tổ chức chi trả, cộng thêm khoản tiền “ra sân” tối thiểu phải là 1 triệu bảng cho 90 phút “diễn xiếc”, thật khó để nói lời từ chối.

“Phong trào đòi ở lại” của những HLV như Wenger và Allardyce coi như đã thất bại: Trong 10 năm tính tới 2014, Man United, Man City, Arsenal, Chelsea và Liverpool đã đá 319 trận giao hữu đầu mùa của đội 1, chỉ 97 trong số đó diễn ra ở Anh! Không ai còn bận tâm về việc cho các CĐV nhà thực thụ được “xem giò xem cẳng” những chữ ký mới, vốn là một truyền thống lâu đời của bóng đá Anh.

Trong 20 đội Premier League, chỉ 2 đội, Middlesbrough và Watford, không đi nước ngoài du đấu Hè này, và họ đều mới thăng hạng. Nhiều cầu thủ Premier League ngán ngẩm leo lên những chuyến bay mười mấy tiếng đồng hồ sang Trung Quốc hay California (và hai mươi mấy tiếng nếu sang Australia) sẽ muốn được ở nhà, nhưng họ đành phải ghen tị với những đồng nghiệp sẽ được cho nghỉ thêm vì đã dự EURO 2016.

Cách đây không lâu, Giám đốc điều hành Premier League, Richard Scudamore, từng nêu ý tưởng tổ chức một “lượt đấu thứ 39” của Premier League ở Trung Quốc. Ông đã vấp phải chỉ trích dữ dội, nhưng cứ đà này, Scudamore có thể sớm lôi lại dự án kỳ quặc về mặt bóng đá, nhưng lại rất hấp dẫn về tiền nong của ông.


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm