Chơi xổ số bằng chính sinh mạng

31/10/2016 07:34 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Mọi đàn ông Mỹ ở lứa tuổi từ 18 đến 25 đều hồi hộp theo dõi cuộc quay xổ số hôm 1-12-1969. Giải thưởng không phải tiền, mà là cuộc sống của chính họ.  

Đang giữa cuộc đấu gay cấn

… nhưng Denis R. O’Neill chỉ biết hoạt động như một người máy. Toàn bộ thần kinh của ông căng thẳng vì một lý do khác, và mắt ông hiếm khi dõi theo đường cầu, thay vào đó ông liên tục ngó lên đám bạn bè ngồi trên ghế khán giả, áp tai vào chiếc radio bán dẫn.

Đội trưởng đội khúc côn cầu trên băng của trường Dartmouth, bang New Hampshire, hiếm khi chơi chệch choạc như hôm nay.

“Tôi nghe tiếng họ hô to: 31 tháng 8: 11! 24 tháng 5: 31! 3 tháng 9: 49!”, mấy chục năm sau O’Neill còn nhớ như in.

Những con số tưởng chừng vô hồn ấy, thì ra đóng vai trò số mệnh nghiệt ngã: ngày hôm ấy ở Washington có một quả cầu trong suốt quay tròn với 366 hòn bi bên trong, mỗi hòn mang số chỉ một ngày trong năm, kể cả ngày 29 của tháng 2 nhuận.

Kết quả xổ số này đặc biệt làm cho các thanh niên từ 18 đến 25 tuổi hồi hộp: Ai thiếu may mắn bị nêu danh, người đó hầu như chắc chắn sẽ bị gọi sang chiến trường Việt Nam.

Nhân viên dịch vụ quay số Selective Service System nhặt ra từng hòn bi ghi ngày sinh của các thanh niên sẽ bị gọi đi lính. Ông ta chỉ chọn 200 hòn bi trong 366, và dĩ nhiên ai cũng sợ mình bị rơi vào số đó. Cuộc quay xổ số kỳ quái nọ diễn ra trước ống kính truyền hình trực tiếp, tình cờ đúng lúc đội của Denis R. O'Neill đang quần thảo trên sân băng. “Vô cùng ảo, mà lại rất thật”, ông nhớ lại. 

Cuộc chiến đẫm máu ở Việt Nam

… đã diễn ra từ 1955. Mười năm sau, Mỹ nhảy vào làm hậu thuẫn cho Việt Nam Cộng hoà. Bốn năm sau nữa đã có 550.000 lính Mỹ hiện diện ở đây, tuy không thay đổi cơ bản cục diện, mà đôi khi nổi bật qua những hành vi tàn bạo, ví dụ như cuộc thảm sát 500 thường dân ở Mỹ Lai. Những bức hình ấy làm thế giới sốc và thức tỉnh xã hội Hoa Kỳ.

Cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 là mốc đánh dấu bi thảm cho siêu cường Mỹ. Ngày càng nhiều người dân Mỹ phản đối sự có mặt của con em mình tại đất nước nhiệt đới xa xôi và nghi ngờ kết cục có hậu cho Mỹ. Nhiều cuộc biểu tình của sinh viên nổ ra tại các đại học. Cả ở đại học Dartmouth College, nơi Denis R. O’Neill theo học môn chính trị học.

Mùa hè 1968, bạn cùng lớp của O’Neill là William Smoyer bị đẩy sang Việt Nam và hồi hương chỉ hai tuần sau đó - trong túi nylon đen đựng xác. Toàn bộ sinh hoạt trong trường Dartmouth bị đảo lộn, sinh viên tổ chức biểu tình và chiếm giữ giảng đường. Nên biết là sinh viên Mỹ dễ tránh nghĩa vụ quân sự hơn giới phi hàn lâm.

Chẳng hạn như Richard Cheney, sau này làm phó cho George W. Bush, được tạm miễn nghĩa vụ 5 lần vì đang học dở đại học, cho đến tận 1967 và cũng là thời điểm quá già để đi nghĩa vụ. 

Tổng thống đương nhiệm, Richard Nixon

... nhận ra lỗ hổng đó và nghĩ ra trò xổ số nghĩa vụ quân sự hồi 1969. Nguyên tắc hoạt động khá đơn giản: mỗi hòn bi mang một ngày trong năm, tổng cộng 366. Trong lần quay số năm 1969, ngày 14-9 được rút đầu tiên và mang số 1. Hòn bi thứ 11 ghi ngày 31-8. Và cứ thế tiếp tục. Đám bạn của đội cầu Dartmouth xướng lên các số đó.

Lần quay thứ hai chỉ có 26 hòn bi tương ứng với 26 chữ cái, qua đó ấn định thứ tự tên họ thuộc về một ngày nhất định trong năm. Ai trúng số càng nhỏ thì càng bị gọi tên trước, và nhập ngũ trước. “Tôi nhìn vào khuôn mặt một đồng đội hớn hở cười, hắn có số 365. Cạnh hắn là một người oà khóc: số 14. Tôi ở giữa hai đứa với số 163”, Denis R. O’Neill nhớ lại.

Dạng xổ số tàn bạo ấy không hẳn mới trong lịch sử Mỹ. Trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới Mỹ đều gọi lính theo xổ số. Nhưng cuộc xổ số 1969 có vẻ công bằng hơn, vì hứa hẹn sự ngẫu nhiên tuyệt đối.

Tuy nhiên chẳng mấy chốc các chuyên gia tỏ ý ngờ vực trên tờ New York Times ngày 4-1-1970: trong số những người sớm bị gọi đi Việt Nam dường như có quá nhiều người sinh ra sau tháng Sáu. Thì ra người ta đổ bi vào quả cầu thuỷ tinh theo thứ tự từ 1-2 đến 31-12, và các tháng của nửa sau trong năm nằm bên trên do không trộn kỹ. Dù vậy người ta không tổ chức rút thăm lại, ai gặp rủi thì phải chịu.  

Denis R. O'Neill, sinh 31-12-1948

… không chấp nhận sự tình cờ ấy, đúng hơn là không muốn chết. Ông vốn bị đau đầu gối nhưng do muốn chơi thể thao nên giấu bệnh. Dĩ nhiên một trong những lý do để thoát quân dịch là sức khoẻ kém, bên cạnh đó còn nhiều mẹo khác. Hàng chục ngàn thanh niên Mỹ di cư sang Canada và ở lì tại đó cho đến tận 1973, thời điểm Mỹ “đổi màu da xác chết” ở đồng bằng Mekong.

Hoặc khai là đồng tính luyến ái. Có cả những người giả mạo giấy tờ hay tuyên bố không đi lính và phải vào tù. O’Neill kể: “Một bác sĩ khám đầu gối tôi và ghi vào hồ sơ chữ 4-F, tức miễn nghĩa vụ.”  

Cho đến năm 1972 nhà chức trách Hoa Kỳ còn tổ chức thêm ba cuộc xổ số, một năm sau nước Mỹ bỏ nghĩa vụ quân sự với lý do là sẽ rút quân khỏi Việt Nam nên không cần tân binh nữa, tuy nhiên phong trào phản đối chiến tranh ở Viễn Đông chắc chắc đã phát huy hiệu quả.    

Dù sao thì O’Neill cũng thoát khỏi số phận phải vác súng qua Việt Nam. Học xong đại học, ông lập một ban nhạc Folk và đi hát khắp nơi, cho đến khi bỏ đàn cầm bút và cũng tạo ra một số thành công nhất định. Tiểu thuyết The River Wild của ông được chuyển thể năm 1994 với Meryl Streep trong một vai chính.

Trước đây mấy năm O’Neill tung ra một cuốn về thời kỳ có xổ số sinh tử. “Đó là một thời kỳ mà trên đầu các thanh niên vô tư yêu đời luôn đung đưa một thanh kiếm - chỉ vì những cuộc chiến tranh vô nghĩa”, ông nói. “Và dấu ấn của nó vô cùng sâu đậm: không ai quên số của mình trong lần rút xổ số và địa điểm khi nghe con số định mệnh đó được xướng lên".

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm