30/11/2014 06:45 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Mọi người vẫn quen gọi ông là “ông trùm hoa hậu”, là “cha đẻ của các cuộc thi hoa hậu Việt”, nhưng tôi biết, ông thích được gọi là nhà thơ hơn cả: nhà thơ Dương Kỳ Anh. Những cuộc điện thoại thăm hỏi, đều nhận được câu trả lời: "Tôi đang viết... "
Từ nơi nhà vườn yên tĩnh ở ngoại ô do chính tay ông sắp đặt, ông vừa cho ra mắt tập truyện ngắn: Người rêu – một cảm quan của người từng trải về con người, về cái đẹp...
Nhìn vào số thơ, truyện, tiểu thuyết, ghi chép của ông đã xuất bản không ít người trẻ thấy “choáng”. Vì ngay cả khi ngồi “ghế nóng”: Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, ông vẫn dành thời gian để viết.
Thói đời ám ảnh
So với những cuốn tiểu thuyết của Dương Kỳ Anh mà tôi cho là “dữ dội” như Xuyên Cẩm, Thổ địa, hay tập truyện Người lấy hai vua, có lẽ Người rêu (do NXB Văn học liên kết với nhà sách Hoàng Long ấn hành) “hiền lành” hơn. Truyện nào cũng thấp thoáng “mỹ nhân”, hẳn nhiên rồi, vì Dương Kỳ Anh từng nhận, luôn yêu “cái đẹp”, trong đó vẻ đẹp của con người.
Ở truyện ngắn Người rêu, cô gái đẹp đó mặc yếm hồng, ở Chuyện lạ hoa Đào có người con gái đẹp như hoa tên là Hồng Hạnh... và đương nhiên ở Chuyện một người đẹp thì có người đẹp tên Hương – đẹp tuyệt trần... Nhưng không hiểu có phải từng chứng kiến số phận trớ trêu của không ít người đẹp hay không mà truyện của Dương Kỳ Anh phần nhiều chung cái kết “hồng nhan bạc mệnh”. Người con trai yêu thầm Hương mất 40 năm tìm kiếm mà không kịp gặp lại trước khi cô ấy tự thiêu, còn Hồng Hạnh bỏ xứ mà đi, lấy chồng hay du học cũng không rõ...
Đọc truyện của Dương Kỳ Anh, người ta dễ bị ám ảnh. Không có ung thư, máu trắng kiểu motiv phim Hàn, không “sến súa” như ngôn tình Trung Quốc, mà là những câu chuyện thân phận con người, thói đời ám ảnh.
“Suốt mấy tuần chuẩn bị quà Tết, đau cả đầu. Những năm 80, quà Tết là chai rượu quê, mấy chục quả trứng gà... Đến những năm hai ngàn là phong bì tờ đỏ, tờ xanh. Bây giờ, cậu thư ký bảo:... “gì cũng phải kèm cái phong bì anh ạ”...” (Người rêu).
Rồi thì “Người ta quan hệ với nhau là vì lợi ích. Lợi ích vật chất. Lợi ích tinh thần. Hết lợi ích là hết quan hệ...” (Chuyện lạ hoa Đào).
Qua lăng kính của một nhà báo kỳ cựu, đời chả rất... đời là gì!
Vẫn mải miết đi tìm cái đẹp
Lần đầu tiên tôi có cơ hội tiếp cận “ông trùm hoa hậu” là năm 2003. Mới tập tành làm phóng viên thì xảy ra “scandal” Hoa hậu năm 2002 Phạm Thị Mai Phương mất tích. Xin được số của nhà thơ Dương Kỳ Anh, lúc đó là TBT báo Tiền Phong, nhưng chả “moi” được thông tin gì ngoài: “Tôi đang chờ thông tin của đoàn công tác báo Tiền Phong ở Hải Phòng”. Thế là từ Hà Nội lao xuống Hải Phòng, đến tận nhà Mai Phương. Báo chí hồi đó ầm ĩ lắm, đòi truất vương miện Mai Phương...
Nhưng lần đầu tiên được phỏng vấn trực tiếp ông là năm 2004 khi Hoa hậu báo Tiền phong được nâng cấp thành Hoa hậu Việt Nam. Trước mặt cô phóng viên trẻ măng là một nhà báo “lão làng”, “ông trùm hoa hậu” mà thấy sao ông gần gũi thế, trả lời nhã nhặn từng câu hỏi khó, thậm chí “cài cắm”.
Hồi ông chuẩn bị nghỉ hưu, trên mạng tự dưng xuất hiện blog nói xấu ông, cũng ầm ĩ trong làng báo. Có lần chuyện vui, tôi mới dám hỏi: “Anh có biết blog ấy không?”. Nhưng thật bất ngờ khi ông bảo: Tớ còn biết cả mấy cậu lập cái blog ấy cơ. Cấp dưới bảo tớ, sao không đuổi quách chúng đi, tớ bảo kệ. Người ta nói xấu mình, mà mình không xấu thì thôi…Những người ấy, rồi sau chắc cũng khổ tâm lắm chứ...
Khi tôi hỏi: “Thế chuyện anh với các người đẹp mà thiên hạ cứ đồn như thật, trong đó có bao nhiêu % sự thật?” ông trả lời: “Tôi chỉ là người suốt đời say mê đi tìm cái đẹp”.
Sau này, tôi mới ngộ ra rằng, “cái đẹp” trong lời của ông không chỉ hiểu một cách thô thiển là người đẹp trần tục. Trong tập truyện Người rêu, đó có thể là “hồn hoa” hoặc là hương thơm tỏa ra từ người đẹp. Rộng hơn đó là một ứng xử đẹp, một cách sống đẹp.
Cho đến tận giờ, sau khi ông về hưu sáu năm, tôi và ông vẫn giữ mối liên hệ. Những cuộc trò chuyện qua điện thoại hay chỉ là e-mail hỏi han sức khỏe mà vẫn thấy thân tình lắm.
Cuộc sống của “ông trùm hoa hậu” giờ thanh thản lắm, nơi nhà vườn ngoại ô. Con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại đuề huề. Thế là viên mãn rồi! Ấy vậy mà sao trong văn chương, ông vẫn đau đáu bao nhiêu điều?!
Hoàng Thu Hằng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất