29/09/2020 10:43 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Mộng giang hồ là một tập truyện dung lượng tương đối mỏng, song là một tập truyện khá hoàn chỉnh và có sức nặng ở Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn cho một cây bút còn khá mới. Nó cho thấy đề tài đời sống “nhỏ” của các số phận người bình thường trong xã hội vẫn còn nhiều đất để khai thác, nhất là cuộc sống của trẻ thơ và lứa thiếu niên ở các làng quê.
Xét về vai trò một tập truyện tham dự một cuộc thi, tập truyện ngắn này có thể coi là một phát hiện. Có thể thoạt đầu đọc sẽ thấy kết cấu các truyện hơi lỏng, thậm chí những cái kết bỏ lửng, song một khi đã bắt được mạch và giọng thì người đọc có khả năng bị cuốn hút hoàn toàn.
Bản thảo gồm 7 truyện ngắn vừa vặn cho một tập sách có thể xuất bản đàng hoàng mà chỉ cần biên tập lại một chút. Nội dung xoay quanh những số phận con người nhiều thất bại ở làng quê - những thực trạng diễn ra tàn phá nông thôn, ảnh hưởng đến cuộc sống những đứa trẻ vắng bóng cha hay mẹ, chúng tìm tình cảm từ làng xóm. Khi tìm về những mối quan hệ cộng đồng nhiều nét chất phác, tinh thần tập truyện gợi nên những bùi ngùi và cảm thông. Điều này gợi đến tập Ngọn đèn không tắt hoặc những tác phẩm thời kỳ đầu của Nguyễn Ngọc Tư, hay một tác giả Nam Bộ khác là Võ Diệu Thanh, những tác giả đã xác lập tên tuổi bằng mảng đề tài này.
Điều khiến người đọc vừa thích thú là hành văn có chất, không khó đọc vì cách diễn đạt "cố tình quê mùa", vừa có chút băn khoăn vì đôi chỗ xuất hiện lối diễn đạt có phần cầu kỳ: “Má nó xỉu lên xỉu xuống nên đâu có để ý đến mớ lời bị khói nhang làm bạt lại phía sau” hay “Xe rời đi bỏ lại làn khói mỏng manh đủ làm dài cho một cuộc chia xa. Tuyệt nhiên tôi chẳng thấy có cái ngoái đầu nào nhìn lại, chỉ thấy đôi vai nào đó khẽ run run qua tấm màn kính xe đò”.
Những câu văn hơi réo rắt quá mức cũng làm giảm hiệu quả của những câu chuyện về đời sống mộc mạc lẽ ra cần viết một cách giản dị.Sự làm dáng cũng có xảy ra trong một vài cách cài cắm tình tiết hay các mô-típ éo le của đời.
Cho dẫu những điều chưa như ý, về sự hoàn chỉnh của một tập truyện cho một tác giả vùng nông thôn Nam Bộ là một thầy giáo, Mộng giang hồ đem lại một hi vọng khá ấm áp về khả năng ảnh hưởng của văn chương trong cuộc sống.
Ở một không gian đương đại, văn chương và đề tài thiếu niên trong đời sống thực với đủ sắc thái vui buồn vẫn có sức lan tỏa trước sự lấn át của các phương tiện điện tử và thế giới ảo.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý (Ban sơ khảo giải Dế Mèn)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất