18/12/2015 11:38 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Dù làm thơ từ năm 13-14 tuổi, nhưng mãi tới khi in tập đầu tay năm 2012, sau tuổi 30, Nguyễn Phong Việt vẫn nghĩ mình làm thơ nghiệp dư. Thế rồi, sau 4 tập Đi qua thương nhớ (12/2012), Từ yêu đến thương (12/2013), Sinh ra để cô đơn (12/2014), Sống một cuộc đời bình thường (12/2015), in tất cả 85 ngàn cuốn thì suy nghĩ ấy đã đổi sang “bán chuyên nghiệp”.
Tôi cũng vài lần khẳng định việc viết sách chỉ vì đam mê, sở thích… chứ nếu vì chuyện kiếm tiền (ít nhất với một người viết nghiệp dư như tôi) là chuyện… hơi hoang đường.
Thế nhưng càng ngày tôi càng thấy rằng cách suy nghĩ về chuyện kiếm tiền như vậy là sai, mình cần tích cực hơn, không phải vì muốn có tiền nhiều hơn, mà mình phải vì độc giả của mình” - nhà thơ Nguyễn Phong Việt tâm sự.
* Anh nghĩ như thế nào về việc PR cho một tập thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung?
- Đã có hàng chục ngàn bản sách được bán ra theo kênh Facebook, đó là một kênh bán hàng hiệu quả nếu biết tận dụng nó. Còn việc PR cho một cuốn sách hay một tác phẩm nghệ thuật nào đó, tôi nghĩ là điều tất yếu phải làm.
Cho dù có đề cao bản thân đến đâu nữa thì cuối cùng một người viết sách vẫn là một người muốn bán món hàng (là cuốn sách) cho khách hàng (là người đọc), trong thời buổi này, một món hàng dù tốt đến đâu cũng cần phải PR.
Đôi khi sự thành bại của một sản phẩm phụ thuộc đến 50% chiến dịch PR, dĩ nhiên là chất lượng sản phẩm phải có một chuẩn mực nhất định, nếu không thì phản ứng ngược và sẽ nguy hại gấp trăm lần…
* Nhìn lại 4 tập thơ đã bán, có lẽ sức tác động từ Facebook là rất mạnh, fanpage của anh có hơn 40 ngàn người theo dõi, anh có khó khăn trong việc giữ chân họ không?
- Tôi lăn lộn trong nhiều việc, nên đôi khi trộm nghĩ việc giữ chân độc giả thơ cũng khó như giữ chân những khách hàng thân thiết của một quán ăn. Tôi có hơn 40 ngàn lượt người theo trên fanpage, và khoảng 85 ngàn lượt độc giả bỏ tiền mua sách, nếu đây là lượng khách hàng của một tờ báo, một quán ăn, một tiệm cà phê… nơi tôi làm chủ, thì tôi phải chăm sóc khách hàng của mình chứ.
Thậm chí với các tạp chí có một, hai chục ngàn độc giả ổn định, họ đã thuê cả quản lý kinh doanh, quản lý nội dung, quản lý truyền thông… để giữ chân độc giả. Vì vậy, việc một tác giả có nỗ lực kiếm tiền bằng việc giữ chân và tìm thêm độc giả mới, chuyện ấy tất nhiên là phải có. Tôi đang muốn chuyển từ cây viết nghiệp dư sang bán chuyên nghiệp.
* Kinh nghiệm mười mấy năm làm báo giúp anh được nhiều chiêu trò không? Có nhiều khách hàng vốn là nhân vật báo chí của anh không? Anh có nhờ những nghệ sĩ nổi tiếng với nhiều fan của họ để tiếp thị không?
- Không phải là chiêu trò, nhưng kinh nghiệm làm báo giúp tôi hiểu rõ cách tiếp cận với những người đọc của mình theo cách tốt nhất. Dĩ nhiên là trong số những người đọc của tôi có rất nhiều người bạn đang là nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng tôi không muốn tiết lộ tên của họ, vì đơn giản, tôi vẫn xem mọi độc giả đều giống nhau, tôi đều nợ họ một ân tình. Một người nổi tiếng hay một người bình thường thì có khác gì nhau khi mua một tập thơ?.
Còn chuyện nhờ vả thì tôi không bao giờ làm, chỉ đơn giản tôi không thích cách đó, giống như mình đang lợi dụng mối quan hệ để mưu cầu cho bản thân… Còn bạn đọc của tôi khi đọc cuốn sách rồi viết status hoặc chụp hình post lên Facebook, thì đó là một cách tiếp thị mà bạn có muốn bỏ tiền ra cũng không thể nào làm được.
* Bỏ qua khía cạnh kinh doanh, với tiền nhuận bút vài trăm triệu đồng, 4 tập thơ đã cho anh điều gì lý thú nhất?
- Tôi vẫn tin rằng giữa bộn bề cuộc sống hiện nay, những ai bước vào nhà sách mà còn chọn mua một tập thơ, thì chắc chắn họ không thuộc nhóm số đông.
Thơ ít chữ là vậy, nhưng để đọc lại cần nhiều kiên nhẫn và rung cảm hơn. Qua Facebook, tôi biết đa phần độc giả của mình ở độ tuổi từ 20 đến 35, độ tuổi mà trong mắt nhiều người là đang xa lạ với thơ. Qua 4 tập này, tôi hạnh phúc vì thơ còn hiện diện đây đó, vẫn có thể chia sẻ những rung cảm và an ủi được phần nào nỗi lòng của nhiều người.
Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất