18/10/2021 20:01 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nhã Nam vừa phát hành tập thơ song ngữ Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ (NXB Thế giới) mà Nguyễn Phong Việt viết cho trẻ em, với phần dịch tiếng Anh của Rosy Trần. Tập thơ này như là cuộc trò chuyện thì thầm giữa cha mẹ với con cái, nhưng không với vai vế trên dưới, mà như những người bạn.
Vào dịp Giáng sinh tới đây, Nguyễn Phong Việt sẽ phát hành tập thơ thứ 10 và cũng là tập cuối viết cho người lớn, vì anh muốn độc giả được nghỉ ngơi, cũng như muốn dành thêm thời gian để viết cho trẻ em.
Nguyễn Phong Việt chia sẻ: “Thật sự là tôi muốn dừng lại với thơ dành cho người lớn, một phần vì tôi cũng đã thấm mệt với hành trình 10 năm vừa qua, phần khác, tôi đang muốn độc giả quen thuộc của mình được nghỉ ngơi. Món ăn ngon đến cách mấy rồi thì sẽ đến lúc cũng trở nên bình thường. Tôi dừng lại và sẽ trở lại vào một thời gian khác, với những mới mẻ và chiêm nghiệm nhiều hơn”.
Chuyển hướng sang tản văn và thơ thiếu nhi
* Trước khi tạm giã biệt với độc giả chủ đạo là thanh niên, anh đã kịp viết vài tập cho trẻ em, dường như đây sẽ là công việc chính trong vài năm tới phải không?
- Tôi không dừng hẳn việc viết lách và ra sách, mà sẽ chuyển hướng sang thể loại tản văn và thơ thiếu nhi.
Tôi đã từng phát hành tập thơ thiếu nhi song ngữ Xin chào những buổi sáng (dịch giả tiếng Anh: Hạ Nhiên, 2018) và tập tản văn Chúng ta sống có vui không (2020). Tôi thật sự đang có rất nhiều niềm cảm hứng với đề tài thiếu nhi, nên chắc là trong thời gian tới sẽ dấn thân sâu thêm vào đối tượng độc giả nhí.
* Tại sao là trẻ em, mà không phải là viết cho người già chẳng hạn?
- Mọi cảm hứng bắt nguồn từ cậu con trai của tôi. Mỗi ngày, khi được lớn lên bên cạnh nhau, trong suốt 8 năm qua, tôi đã trưởng thành, cũng như học hỏi được sự bao dung, thấu hiểu rất nhiều từ bạn ấy. Tôi mua rất nhiều sách cho bạn ấy đọc và tôi nhận ra vào lúc này có rất ít tác giả Việt Nam chịu viết cho độc giả nhí. Thế nên, tôi muốn viết điều gì đó cho chính con trai mình, cũng như những bạn trẻ cùng trang lứa.
Tôi không dám nói tôi viết hay mảng đề tài này, nhưng tôi tự tin mình thật sự muốn kể những câu chuyện bằng đúng góc nhìn của trẻ con. Còn ở địa hạt người lớn, tôi nghĩ mình chỉ giữ nhịp bằng tản văn trong một vài năm sắp tới.
* Viết thơ cho trẻ em và viết cho thanh niên, theo anh, bên nào sẽ khó hơn? Tại sao?
- Tôi may mắn có được những góc nhìn cùng những cảm nhận, trải nghiệm tương đối sâu sắc trong phần đời mình đã và đang sống. Nhờ đó tôi dễ viết ra khi cảm xúc xuất hiện từ bên trong. Nhưng viết cho thiếu nhi là một việc hoàn toàn mới mẻ. Tôi gần như phải từ bỏ cái tôi của mình một cách triệt để. Tôi phải kể những câu chuyện bằng suy nghĩ ngang tầm mắt của một đứa trẻ.
Thật may, đôi khi vào những giây phút viết cho trẻ con, tôi nghĩ mình được thanh tẩy tâm hồn rất nhiều. Đó có thể xem là niềm hạnh phúc của một người lớn viết cho thiếu nhi.
* Khi viết cho trẻ em, anh có tâm niệm hoặc tự đặt ra những yêu cầu gì?
- Tôi không tâm niệm hoặc mưu cầu bất cứ điều gì, đó là sự thật. Tôi chỉ đơn giản chọn lọc lại những câu chuyện hàng ngày trong đời sống của tôi và con trai, rồi kể nó ra bằng đúng chất giọng của một đứa bé. Tôi muốn kể và tôi thích kể. Dĩ nhiên, thấp thoáng đâu đó vẫn sẽ có chút hình bóng của Nguyễn Phong Việt, song tôi đảm bảo đó chỉ là sự vô thức và rất ít.
Cảm xúc thơ như chiếc giếng sâu
* Anh làm thơ từ nhỏ, viết khá thường xuyên, nhưng đến khi ra tập đầu tiên, anh có nghĩ là sẽ làm được một mạch đến 10 tập cho 10 năm như vậy không?
- Thật sự, cho đến giờ phút này tôi vẫn chưa thể tin là trong suốt 10 năm qua, cứ vào mỗi tháng 12, là tôi phát hành một tập thơ. Ngay từ khi bắt tay vào viết những bài thơ đầu tiên trong tập Đi qua thương nhớ (2012), tôi chỉ nghĩ mình muốn giải tỏa những cảm xúc trong lòng mình. Tôi cần viết xuống trang giấy, vì nếu không, trái tim tôi sẽ vỡ tung. Tôi chưa bao giờ mong mình trở thành một tác giả sách. Nhưng đôi khi trong cuộc đời, sẽ có những sứ mệnh nhỏ nhoi được dành riêng cho ta.
Tôi không biết những người viết khác như thế nào, song lúc tôi viết, tôi rất mệt. Khi một cảm xúc xuất hiện, tôi phải viết nó xuống, như cảm giác mình trút bỏ được gánh nặng. Rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó, lại một cảm xúc mới hình thành, lại phải viết xuống. Nó là chiếc giếng sâu không đáy, mà cuộc đời này tôi nghĩ mình không bao giờ có thể tát cạn.
10 năm với 10 tập thơ là một đặc ân mà nghề viết dành cho tôi. Thế nên tôi cũng muốn kỷ niệm hành trình ấy bằng việc sẽ sớm phát hành một phiên bản giới hạn, với một hộp sách (book-set) gồm 10 tập thơ bên trong. Tôi sẽ làm thật đẹp, thật tinh tế. Đây sẽ là một món quà ý nghĩa mà tôi muốn dành tặng cho tất cả các độc giả - những người tri kỷ đã đi cùng Nguyễn Phong Việt trong suốt 10 năm qua.
* Nhiều độc giả cho biết thơ anh đã giúp họ tìm thấy sự an ủi, chữa lành, sẻ chia… Còn thơ anh đối với chính anh có vậy không?
- Không có điều gì khác ngoài lòng biết ơn của tôi dành cho những độc giả vẫn bền bỉ đọc, đồng cảm, chia sẻ với những gì Nguyễn Phong Việt viết trong suốt 10 năm qua. Tôi viết ra cũng chính là chữa lành những phiền muộn bên trong mình. Và qua những câu chữ ấy, tôi cũng nhận diện được những cảm xúc mình đang có trong mỗi ngày mình sống, để từ đó học cách tự trưởng thành…
* Anh có vẻ không quá đặt nặng cấu trúc, mỹ từ hoặc tu từ khi làm thơ phải không?
- Nói một cách đơn giản, tôi để cảm xúc dẫn dắt mình đi trên trang viết. Tôi thề là mình chưa bao giờ cố gắng vắt óc viết ra một câu thơ. Vì tôi biết, một khi trong đầu mình có ý nghĩ phải cố gắng viết thì tôi sẽ làm sai lệch bản chất cảm xúc của câu chuyện ấy. Tất cả những nhịp điệu về câu, chữ, hoặc xuống dòng đều là vô thức. Mọi thứ được viết xuống vốn dĩ nó sẽ là như thế, tôi không can thiệp và cũng không bao giờ muốn can thiệp. Dù có một vài lần ít ỏi, tôi có can thiệp vào câu chữ, vì không muốn điều mình viết ra quá nặng nề với cảm giác của người đọc!
* Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất