Nhà văn đoạt giải Nobel Alice Munro: Không già ở tuổi 85

10/07/2016 07:06 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Alice Munro sinh ngày 10/7/1931 tại Ontario, Canada - nơi bà miêu tả là một trang trại xập xệ đầy cáo và chồn. Vào ngày hôm nay, nữ tác giả tập truyện ngắn Dear Life (tên xuất bản ở Việt Nam: Cuộc đời yêu dấu) sẽ bước sang tuổi 85.

Năm 2013 - thời điểm Alice Munro được trao giải Nobel Văn học, bà từng chia sẻ rằng đã có kế hoạch gác bút; nhưng bà cũng thừa nhận, những ý tưởng truyện ngắn vẫn tiếp tục miên man trong đầu.

Sợ rằng mình không đủ khả năng viết văn

Khi còn nhỏ, không ai trong gia đình khuyến khích bà đọc sách. Mỗi khi thấy bà say sưa với những câu chuyện, mẹ bà lại trêu bà là một “Emma McClure nữa”. Emma là họ hàng của Munro - một người đã đọc sách ngày đêm trong suốt 35 năm, đến mức không có thời gian để kết hôn.

Ở tuổi 14, Munro đã mơ ước trở thành nhà văn. Đến năm 19 tuổi, bà lần đầu gửi truyện ngắn The Dimensions Of A Shadow cho tạp chí văn chương của Đại học Tây Ontario. Biên tập khi đó, sau khi đọc truyện của bà, đã chạy xuống sảnh, huơ cao bản thảo và hét lên “Mọi người phải đọc cái này!”.


Alice Munro với hình ảnh hiền hậu quen thuộc

Thế nhưng, Munro vẫn luôn tự ti cho rằng mình không đủ tài năng để viết văn. Những bản thảo bị vứt đi nhiều hơn số hoàn thành. Sau khi kết hôn, bà lại dành thời gian để chăm sóc ba đứa con nhỏ. Thế những, giữa những buổi trưa, khi các con bà say nồng giấc ngủ, Munro lại nghĩ về những câu chuyện.

Trong một thời gian dài, Munro vật lộn với ý nghĩ rằng viết truyện ngắn chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho một cuốn tiểu thuyết. “Tôi đã tra tấn bản thân khi cố gắng viết một cuốn tiểu thuyết! Cho tới một ngày tôi nhận thấy truyện ngắn là thứ phù hợp nhất với tôi” - bà nói trong một buổi phỏng vấn hiếm hoi.

Phải tới cuối những năm 1960, khi sắp 40 tuổi, bà mới yên tâm cống hiến đời mình cho nghiệp viết lách.

Tác phẩm gây sốt tại LHP Cannes

Tại LHP Cannes năm nay, bộ phim Julieta của đạo diễn gạo cội Pedro Almodovar đã được ban giám khảo đánh giá rất cao. Phim kể về mối quan hệ phức tạp giữa Julieta và cô con gái Antia, tuy bối cảnh ở Tây Ban Nha với lối kể chuyện hiện đại, nhưng thật ra, nó lại dựa vào tập truyện ngắn Run Away (tên xuất bản tại Việt Nam: Trốn chạy) của Alice Munro, viết từ một thời đã xa, ở một thị trấn hẻo lánh tại Canada. Khi xuất bản Run Away năm 2004, tác giả Munro đã ở tuổi 73.

Dù vậy, khi tập truyện ngắn đầu tiên Dance Of Happy Shades được xuất bản, sau 15 năm thai nghén, Munro đã vội giấu bản in nhà xuất bản gửi cho vào trong tủ đồ bởi không muốn nhìn thấy tác phẩm của mình. Mãi tới một đêm, cuối cùng bà cũng mở ra, đọc lại và thấy “Nó không tệ như mình nghĩ”. Cuốn sách sau đó giành được giải thưởng văn học của Toàn quyền Canada.

Ở quê hương Munro, ít ai biết tới bà. Điều đó làm Munro thấy thoải mái. Nhưng trên thế giới, danh tiếng của bà rất lớn, truyền cảm hứng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống.

Cả kiếp người trong một trang sách

Các nhà phân phối sách từng lo lắng rằng sách của Munro sẽ nhàm chán bởi bà cứ viết mãi về những chủ đề quen thuộc. Đó là về những người phụ nữ ở Canada (nhưng không gây cảm giác là cuộc đấu tranh nữ quyền), những bà mẹ và con gái - người lớn lên, rơi vào tình yêu, có những trải nghiệm tươi đẹp hay cuộc sống bi kịch.

Thế nhưng họ đã nhầm, cũng như Alice đã nhầm khi nghĩ mình kém cỏi khi không viết được tiểu thuyết.

“Điều khiến Munro trở thành một nghệ sĩ sinh động và ngoạn mục lại tới từ chính những chất liệu cuộc sống gia đình của bà. Hãy nhìn xem, bà chẳng viết gì khác ngoài những câu chuyện nhỏ của mình, càng đào sâu vào nó, bà càng có nhiều phát hiện” - tác giả Jonathan Franzen viết về Munro hàng thập kỷ trước khi bà giành giải Nobel Văn học.

Franzen đã đúng. Cũng chính bởi sự đào sâu vào những câu chuyện nhỏ, Alice Munro đã mang về giải thưởng Nobel Văn học đầu tiên cho Canada. Trước bà, cũng chưa từng có ai nhận được giải thưởng cao quý này nhờ những sáng tác truyện ngắn bởi Hội đồng trao giải Nobel thường chỉ chú tâm tới các tiểu thuyết gia và những nhà thơ.

Nhà phê bình văn học Siegrid Loffler nhận xét về Munro rằng “Bà làm chủ nghệ thuật nắm toàn bộ đời người trong một trang sách. Bà đổ đầy những câu chuyện, thường chỉ dài từ 20 tới 30 trang, nhiều hơn so với khối cuốn sách dày tới 700 trang”.

Thật vậy, mỗi câu chữ của Munro chứa đầy sức nặng và cảm xúc, biến những truyện ngắn tuy ít câu chữ và với những chủ đề về cuộc sống thường nhật thành những cuốn tiểu thuyết thu nhỏ. Stockholm đã hoàn toàn bị thuyết phục và ngợi ca bà là “bậc thầy của truyện ngắn đương đại”. Rất tiếc, vì tuổi già, bà không thể tới tận Stockholm để nhận giải Nobel mà chỉ gửi video bài phát biểu xúc động của mình.

Năm 2006, bà từng nghĩ mình không thể viết nữa bởi sắp quá già yếu. Tuy nhiên, 6 năm sau, bà lại khiến giới phê bình ngả mũ vì tập truyện ngắn Cuộc đời yêu dấu. Sau khi phát hành tập truyện, Munro lại nghĩ tới nghỉ hưu. Dù vậy, những câu chuyện trong bà chưa bao giờ ngừng tuôn chảy.

Ở tuổi 85, là một phụ nữ hiền hậu tóc trắng, sống giản dị ở vùng quê Canada, Munro vẫn khiến thế giới ngưỡng mộ bởi những câu chuyện không bao giờ già, viết về những phụ nữ bình dị.

Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm