Hồ Anh Thái 'rung chuông' ở Anh, Mỹ

20/05/2013 12:46 GMT+7 | Đọc - Xem

(giaidauscholar.com) - Apocalypse Hotel (Khách sạn Ngày Tận Thế) là tiêu đề bản tiếng Anh của cuốn tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của nhà văn Hồ Anh Thái mới được ấn hành tại Mỹ. Hầu như cùng thời gian, truyện ngắn Đồng tay Mỹ của anh cũng được giới thiệu trên tạp chí văn học Bainipal của Anh.

1. Tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế đã được dịch giả Jonathan McIntyre và nhà văn Wayne Karlin chủ động đổi tên sách và lý giải ở lời giới thiệu: trong tiểu thuyết có khách sạn Apocalypse theo nghĩa Thiên Khải, Khải Huyền, nhưng cũng có nghĩa là ngày phán xử cuối cùng, ngày tận thế. Đặt lại tên tiểu thuyết là Khách sạn ngày tận thế, những người làm sách muốn tập trung vào tính ẩn dụ về “thế gian như một cái nhà trọ, một cõi tạm đang ngổn ngang trước những nguy cơ về đạo đức, về tinh thần, về điều kiện sống ngày càng đòi hỏi tranh đua khốc liệt”. 



Bìa cuốn tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế

Cõi người rung chuông tận thế do NXB Đà Nẵng ấn hành lần đầu năm 2002 và từ đó đến nay đã tái bản hơn mười lần, qua các NXB Lao Động, NXB Trẻ, các Công ty Song Thủy, Bách Việt… với tổng số lượng đã vượt hơn năm vạn bản. Ở bản dịch tiếng Anh lần này, NXB Đại học Tổng hợp Texas phát hành cả bản bìa cứng và sách điện tử trong hệ thống hiệu sách toàn quốc, trên mạng amazon.com và hệ thống các trường đại học trong và ngoài nước Mỹ. Các trường sẽ tùy theo điều kiện mà sử dụng trong chương trình giảng dạy, cho các khoa văn học và khoa nghiên cứu quốc tế của trường mình.

Tạp chí phê bình sách ForeWord có lời bình luận: “Tiểu thuyết của Hồ Anh Thái vẽ lên một bức tranh cảm động về xã hội Việt Nam thời hậu chiến. Bàn tay tác giả xử lý những đề tài nặng nề có đủ độ tinh tế để khiến người đọc nhầm tưởng rằng nó thật giản dị”.  

2. Hầu như cùng thời gian, một tác phẩm khác của nhà văn Hồ Anh Thái được giới thiệu trên tạp chí văn học Bainipal của Anh. Đó là truyện Đồng tay Mỹ. Cái tiêu đề tiếng Việt có thể gây băn khoăn ban đầu nhưng khi chuyển sang tiếng Anh thì trở nên sáng rõ: The Field of the American Arm. Và tác giả cũng đã giải thích ngay từ đầu truyện: Đồng tay Mỹ là cánh đồng mang cái tên cánh tay người Mỹ. Thời chiến tranh, máy bay Mỹ bị bắn cháy, một viên phi công nhảy dù xuống đồng lúa, một cánh tay bị đứt lìa. Khi hắn đã được giải đi, dân làng mới hoảng hồn phát hiện ra cánh tay bị bỏ quên lại trên ruộng lúa. Một người dân quân vội vàng đạp xe mang cánh tay lên bệnh viện huyện, nghe nói rằng quân y có thể nối lại cánh tay đã đứt rời… 

Đồng tay Mỹ là truyện ngắn luận đề, về tính cách bao dung, rộng lượng, hay là “dễ dãi” của người Việt ngày nay, khi luôn hồ hởi đón nhận du khách người Pháp, người Mỹ, đến từ những đất nước từng gây ra chiến tranh cho đất nước mình. Lời giới thiệu của tạp chí còn có đoạn: “Nhà văn cho rằng, thế hệ hậu chiến phải trả được ân nghĩa cho quá khứ nhưng cũng phải thấy rõ những gì cần thay đổi và cần góp ý. Quan niệm này được nhấn mạnh như một chủ đề trong tác phẩm của Hồ Anh Thái và thể hiện rõ trong thao tác cũng như trong những thể nghiệm về hình thức và ngôn ngữ. Hồ Anh Thái đắm mình vào lịch sử và văn học của đất nước, nhưng cũng mở rộng cửa tiếp nhận những ảnh hưởng từ bên ngoài và góp phần đưa văn học Việt Nam đương đại đi theo chiều hướng mới”.

Banipal là tạp chí văn học Anh mỗi năm ra ba kỳ, gồm 256 trang khổ 15x23cm. Tạp chí do Hội đồng Nghệ thuật Anh (Arts Council England) cung cấp kinh phí. Banipal được đặt theo tên vị hoàng đế cuối cùng của xứ Assyria, một người đỡ đầu cho nghệ thuật, có công lao nổi bật là xây dựng một thư viện đồ sộ, tập hợp hầu hết những tác phẩm lớn trên khắp vùng Trung Đông, những anh hùng ca, truyện dân gian, kinh văn tôn giáo và những văn bản ghi chép thành ngữ, tục ngữ…

Banipal số 45 là số đặc biệt kỷ niệm 15 năm tạp chí ra đời, ngoài tác phẩm và các chuyên mục thường xuyên, có hai nhà văn thuộc diện khách mời (guest writer) là nhà văn Romania Vasile Baghiu và nhà văn Việt Nam Hồ Anh Thái.

Minh Võ
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm