27/04/2018 16:30 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trong hàng chục phiến đá lưu tác phẩm thơ, nhạc của Hữu Ước, có một tảng đá gắn 3 bìa sách của ông, được tác tạo công phu y như bìa bộ tiểu thuyết 3 tập Kiếp người. Công viên Ước (ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) của nhà văn, Trung tướng Hữu Ước là nơi đang và sẽ giữ lại những tác phẩm và kỷ vật của chủ nhân bên cạnh sức sống của những trang viết giữa nhân gian.
Sáng mai, 28/4/2018, tại đây sẽ diễn ra cuộc ra mắt tập 3 tiểu thuyết Kiếp người (Lạnh) và tập thơ Gió hoang.
Tôi vẫn thường tự hào về trường đại học của mình với những cựu sinh viên ưu tú, hãnh diện là đồng môn Học viện Báo chí và Tuyên truyền với nhà văn, nhà báo, Trung tướng Nguyễn Hữu Ước (lớp Báo chí Khóa 2, 1975 - 1979, ông là đồng môn với GS Tạ Ngọc Tấn).
Từ năm 1997, khi bắt đầu đời sinh viên đến nay, sau 17 năm ra trường, tôi vẫn coi nhà văn Nguyễn Hữu Ước là bậc thầy của bản lĩnh sống, tinh thần sáng tạo không ngừng. Người thầy không niên khóa của tôi, chịu bầm dập, lẫn khi thăng tiến, trong tiếng tăm danh lợi vẫn là người lính sống giản dị nhu cầu cá nhân, lại đầy chu đáo, nghĩa tình với bạn bè, đồng nghiệp.
Công viên Ước
Khu đất 1,5ha ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn mua từ chục năm trước. Để làm công viên từ năm 2014, nhà văn Nguyễn Hữu Ước phải huy động vốn, hảo tâm của bạn hữu. Giai đoạn nước rút thiếu tiền, trước Tết Đinh Dậu, Hữu Ước bán mảnh đất 100m2 ở Đà Nẵng (mua từ thời bao cấp theo tiêu chuẩn) được 600 triệu đồng, thêm vào hoàn thiện công trình.
Công viên phi lợi nhuận trưng bày nhiều tranh và tượng, đang hoàn thiện bảo tàng cá nhân, hoa và cây xanh rợp một vùng, là một kiến trúc văn hóa đẹp của Thủ đô, điểm đến của nghệ sĩ, công chúng yêu nghệ thuật, những ai coi trọng tâm linh thanh thản. “Cuộc đời lắm mệt mỏi, đây là chốn tĩnh tâm để sống tử tế hơn, sống cho ra sống đến phút cuối cùng”.
Ngày 18/2/2017, ông cho cắm biển Công viên Ước. Từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào 3km, gặp đường rẽ, theo mũi tên lại có biển chỉ dẫn 1km nữa là đến nơi. Ở đây, nhà văn đặt phiến đá trắng đề thơ tặng vợ, một phiến khác đề tên công đức, phiến đá chờ thơ. Nhiều ghế đá dành cho khách tham quan. Có suối Giải Oan vì đời nhiều oan ức. Hoa trái tốt tươi. Bóng mát rợp một vùng.
Trong vườn thơ-nhạc yên tĩnh và mơ mộng, gió đưa hương làm ta thanh thản. Thơ ngân, âm nhạc vang lên từ những khối đá kỳ công khắc chữ, khuông nhạc. "Đệm" theo chim ca, tiếng quẫy đuôi của đàn cá Koi trăm con đớp nắng. Ông đang xây dựng nơi đây thành điểm hẹn - không gian tao đàn nghệ thuật cho nghệ sĩ, công chúng vào tự do.
Vai trò lịch sử “kép” của “Kiếp người”
Sáng 28/4/2018, tại Công viên Ước sẽ diễn ra cuộc ra mắt tập 3 tiểu thuyết Kiếp người (Lạnh) và tập thơ Gió hoang.
Kiếp người - tiểu thuyết quan trọng nhất đời văn của Hữu Ước, phát hành 2 tập từ năm 2016: tập 1 Sống (497 trang, in 3 vạn cuốn), tập 2 Lửa (399 trang, in 5 vạn cuốn), đều khổ 16x24cm (NXB Văn học), kỷ lục ở thời suy giảm văn hóa đọc, thực sự là hiện tượng gây chú ý trong giới cầm bút, trí thức, nghệ sĩ. Viết kịch bản phim truyện nhựa, sân khấu từ gần 3 thập kỷ trước, Hữu Ước đã đưa đời sống vào tác phẩm, thành phim trên giấy. Cuốn phim đời trầm luân, kịch tính, đa cảm và cám dỗ người xem.
Tính điện ảnh là ưu thế nổi bật của Kiếp người. Nó phản ảnh trữ lượng phì nhiêu từ tư duy hình ảnh của nhà văn sở hữu trí nhớ siêu thường, biên độ khái quát và chồng lớp đa tuyến và tâm hồn rộng mở. Ông tâm sự: “Tiểu thuyết chỉ là 1/10 sự thật những gì mà tôi nếm trải”.
Kiếp người là cuốn tiểu thuyết đáng đọc. Tôi may mắn được đọc Kiếp người trên bản thảo, bản in vi tính đánh máy từ những trang viết tay của nhà văn. Không cần chiêu trò lôi kéo, tự bản thân Kiếp người là thỏi nam châm lớn.
Tích tụ cả đời để viết từ máu nước mắt với sức sáng tác xứng danh Anh hùng Lao động. Những nghiệm sinh và tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, đa tình, ắp niềm ham sống đã giúp Hữu Ước lập được nhiều "biên bản" về cuộc đời, về cuộc sống có giá trị tư liệu lịch sử.
Sách có ích cho người cầm bút trẻ nói chung và sinh viên báo chí nói riêng, bởi tác phẩm này của Hữu Ước ngang tầm một công trình, luận án về làm báo, nghề báo chứ không đơn thuần mang tính tự sự. Bởi ông là nhân chứng, quyết liệt để có thành công từ ý chí, thử thách khốc liệt nhất cũng không gục ngã.
Đặt tên mình cho tên Công viên, đồng nghĩa với nơi để đến cho ai ước ao sự thanh bình, sống thật, Hữu Ước đưa phần đời thực này vào đoạn kết tiểu thuyết. Tập 3 Lạnh - một bút lực biến hóa sâu sắc và đẫm tình nhân thế. Tác giả mở chúng ta xem hộ chiếu đời ông khi nó đang còn hạn, đang chờ những dấu visa mới, với số trang không ấn định. Sống và viết đồng nhất, Hữu Ước dốc mình vào tác phẩm dâng hiến cho đời. Chính vì thế, người ta bảo người Anh hùng Lao động ấy rất giàu: Giàu bạn bè, ý tưởng sáng tạo và cống hiến.
Quên “Gió hoang” để viết tiếp kịch bản
Gió hoang in 2.000 cuốn, NXB Hội Nhà văn ấn hành cuối tháng 3/2018, gồm 29 bài, chủ yếu là sáng tác mới đầu năm nay.
Trước tập này, Hữu Ước đã in 5 tập thơ: Nốt trầm, Và giọt thời gian, Thơ chơi, Ngẫu hứng thơ, Một mình. Ông sáng tác 10 vở kịch được dàn dựng, biên kịch 3 phim truyện nhựa ăn khách, trong đó có phim Người con gái Đất Đỏ (về Anh hùng Võ Thị Sáu) do Lê Dân đạo diễn, gây ấn tượng mạnh. Hữu Ước còn viết hợp xướng và hơn 20 ca khúc. Ông đã vẽ gần 200 tranh sơn dầu khổ lớn. Đến nay, Hữu Ước cũng là tác giả duy nhất của nền văn chương Việt Nam làm nhiều đêm diễn liên tục tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Ở tập Gió hoang mới nhất, chủ yếu là thơ tự do, ông cũng tỏ ra rất nhuần nhuyễn ở thể lục bát với: Tương tư, Góc riêng. Những bài thơ ông viết về người vợ đã mất hơn 5 năm trước thật sự xúc động.
Gió hoang chưa phát hành xong, tác giả đã chuyển sang viết kịch bản sân khấu. Hai tuần trước Hội thảo về tập 3 tiểu thuyết và tập thơ Gió hoang, Hữu Ước đã viết xong vở kịch nói Nhật ký kẻ tử tù (70 trang đánh máy, về cuộc chiến chống tham nhũng). Hữu Ước không cho phép mình được nghỉ tư duy, không bao giờ "gặm nhấm", thỏa mãn thành tựu.
"Tôi phải quên ngay Gió hoang để làm tác phẩm khác" - nhà văn, nghệ sĩ Hữu Ước khẳng khái.
Không dễ kiếm người ở độ tuổi 65 trải qua nhiều biến cố, bi kịch, vẫn giữ được độ tơi xốp tâm hồn, nồng nhiệt của trái tim, bản lĩnh sống và sáng tạo bền vững với tinh thần thanh xuân, ưa đọc-xem và cập nhật đổi mới như ông.
Nói như nữ văn sĩ Pháp George Sand, thì Hữu Ước đã được hạnh phúc, điều hiếm có trên đời: “Chỉ có một thứ hạnh phúc trên đời, yêu và được yêu”.
Hữu Ước dường như không biết mệt và không cho mình được nghỉ hành trình sáng tạo. Những nỗi buồn kết tinh nơi ông và phát sáng thành chữ chữ sinh sôi mà người nghệ sĩ đa tài ấy vẫn mang sức trẻ không ngờ, để viết và sống đầy nhân văn với mỗi trang viết là những trang đời.
Hữu Ước - Nhà văn, Trung tướng, Anh hùng Lao động Gần 40 năm sau khi tốt nghiệp trường đào tạo Báo chí đa ngành, lâu năm và uy tín nhất Việt Nam, Hữu Ước là cái tên được nhắc qua bao thế hệ thầy, trò. Tại ngôi trường của nghề báo tuổi hơn nửa thế kỷ này (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), hàng vạn phóng viên đã "ra lò", định danh, nhiều người giữ các chức danh Tổng biên tập báo, giám đốc các đài phát thanh, truyền hình, lãnh đạo Sở, ngành, quan chức tỉnh... Song chỉ Hữu Ước được phong Anh hùng Lao động (2008) và là nhà văn duy nhất trong lịch sử 61 năm Hội Nhà văn Việt Nam mang hàm Trung tướng Công an. |
Vi Thùy Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất