22/03/2015 08:03 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Tản văn Đong tấm lòng (NXB Trẻ) của Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa được phát hành, như tiếng gọi nhẹ từ tình yêu thương, giúp con người đang chìm đắm trong vô thức rời khỏi cơn mê sâu để biết cách yêu lấy cuộc đời…
Trước đây, Nguyễn Ngọc Tư dường như “ở ẩn”, muốn tìm gặp chị, thì đến Cà Mau đất mũi. Từng có nhiều người bạn viết rủ tôi đi thăm Nguyễn Ngọc Tư, giống như chúng tôi gọi trêu với nhau, “Tư là đặc sản miền đất ấy”. Đến Cà Mau mà không gặp trò chuyện với Tư đôi câu, thì coi như chưa từng đến đó.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Quan sát thế giới qua Facebook
Mà cho đến cùng, thì cội nguồn của người phố vẫn là từ quê “tôi sinh ra ở nông thôn, mẹ tôi là nông dân” (theo như Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) đã ngấm vào trong từng thớ thịt, giọt máu, cách nghĩ, việc làm.
Giờ đây, muốn trò chuyện với Nguyễn Ngọc Tư, những người bạn của chị có thể thông qua trang mạng xã hội. Thời gian dùng blog, Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có xuất hiện, chủ yếu là giao lưu với bạn đồng nghiệp, chuyên môn, số lượng bạn hạn chế.
Chị dùng tên ảo, người lạ rất khó phát hiện. Rồi đến Facebook, cũng lại không phải tên thật. Chỉ có ai biết, thì mới kết bạn, mà chưa hẳn chị đã chấp nhận rộng rãi. Bởi vì, với những người quen, Nguyễn Ngọc Tư trò chuyện vui vẻ thẳng thắn lẫn hài hước, chị thoải mái ở nhiều câu chuyện, và vì thế, có lẽ tránh được những đánh giá không đáng có từ đám đông chưa từng tiếp xúc và càng không thể hiểu chị. Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Tư sử dụng Facebook như một công cụ quan sát thế giới. Hàng triệu người có thể bộc lộ tính cách, thói quen, cung cách nghĩ, thông qua hình ảnh, nội dung status, vấn đề họ quan tâm, hay tuần suất sử dụng Facebook, có khi như thể một “con nghiện”.
Còn ở Fanpage, Nguyễn Ngọc Tư có khoảng 2 tài khoản, do người hâm mộ chị lập lên. Chủ yếu trích dẫn các bài Nguyễn Ngọc Tư từng viết.
Bìa cuốn tản văn “Đong tấm lòng”
Trang viết nhuốm màu phố thị
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã thử sức viết của bản thân qua nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, tản văn và thơ… Và dù ở mảng nào, cũng thấy chông chênh nỗi buồn sâu thế sự. Giọng văn của chị, kể một câu chuyện, lắm khi tưởng như bâng quơ, quá quen thuộc gần gũi từ mọi hình ảnh ai trong chúng ta đều dễ dàng bắt gặp. Nhưng khác ở chỗ, ta nhìn, rồi dửng dưng bước qua. Còn Nguyễn Ngọc Tư dừng lại, có khi rất lâu, lặng lẽ quan sát, âm thầm trăn trở trong việc tìm kiếm bản chất thực sự nằm sau hình ảnh ấy.
Từ bao giờ, tên của Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã gắn liền với nơi chị sống, dù bây giờ, trang viết của Tư đã nhuốm màu phố thị, với khung cảnh tấp nập náo nức đô thành. Nhưng dù miêu tả bất cứ cảnh vật nào hay kể câu chuỵện ở nơi đâu, thì cái chất bên trong vẫn là cái nhìn của người dân miền Tây chân thật, hiền hoà, cùng những so sánh lấy hương vị dân quê làm điểm tựa. Thế nên, dù có neo đậu giữa chốn ồn ào mạng xã hội bằng một tài khoản không danh thật, thì Nguyễn Ngọc Tư vẫn có không gian riêng của mình nhằm phục vụ công việc là chủ yếu. Và đó thực sự là cách sử dụng Facebook thông minh.
Trước hiện trạng của những người quen sống ảo trên mạng, với thói quen “từ từ vài phút” để chụp hình và post lên Facebook, dần hình thành nên việc muốn nhận nhiều “like” hay các comment thể hiện sự quan tâm, hơn là giải quyết vấn đề ngay trước mắt, thậm chí là cứu mạng cho một con người:
“Em sợ lại gặp trên ấy gương mặt biến dạng của người phụ nữ bị chồng thiêu, bàn tay rụng đốt của một em bé bị bạo hành. Những con người buộc phải đến khoa cấp cứu trong tình trạng bên bờ sống chết. Chỉ với điện thoại thông minh buộc vào mạng xã hội là thành cần câu, anh y sĩ ung dung biến ca trực của mình thành buổi câu tin nóng hổi. “Và bằng mồi người”…”(Giữa người với người).
Giữa sự đời tấp nập ngược xuôi, lo vạn sự để đủ sống xong kiếp này, bạn có đôi khi dừng lại, lắng nghe những thanh âm chảy trong lồng ngực, để đếm nhịp đập trái tim người? Và những thói quen không mảy may suy nghĩ, chỉ để gây sự chú ý đến đám đông, mà quên đi bổn phận thực sự khi đang sống, liệu có làm chúng ta lúc nào đó giật mình nhìn lại?
Giữa lòng thành phố, xuất hiện xóm Khmer, ngơ ngác lạc lõng với những đôi mắt “không đậu vào đâu” cùng ký ức khắc khoải về miền đất hoang sơ, nơi “hàng rào xương cá bọc lấy căn nhà lá tạm bợ, nuôi mấy con bò, lấy nước thốt nốt nấu đường, chờ cơn lũ chìm đồng tháng tám để bắt cá giăng câu…” (Mấy cụm khói rời)
Hay căn nhà cũ kĩ “lún giữa cây vườn và bóng nắng” giao hoà giữa đất trời, với tình thương đồng cảm rộng mở cùng muôn loài của ông Cố Tám – người “từ chối làm phiền người thân khi tự thấy vẫn còn mạnh giỏi” (Cúi xuống che chung).
Trong Đong tấm lòng, Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đã kể sự việc bằng “lạnh lùng và gai góc (…) xen giữa u sầu và trách móc đành hanh” như nhận xét của biên tập viên Trần Ngọc Sinh.
Vẫn dòng chảy thấm đẫm tình người với những góc nhìn sâu sắc, như muốn chiếu ánh sáng để sưởi ấm những vùng tăm tối, sang đến cuốn tản văn này, Nguyễn Ngọc Tư dường như ngoài cuộc hơn bằng sự quan sát lý trí mà tránh để cảm xúc chi phối.
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất