Nhạc sĩ Dương Thụ: V-League 2011 trong con mắt tôi

29/08/2011 18:45 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - V-League 2011 đã chính thức khép lại bằng chức vô địch của Sông Lam Nghệ An sau trận “chung kết” trên sân Vinh. Cà phê thể thao số tuần này sẽ cùng nhạc sĩ Dương Thụ nhìn lại những điểm nổi bật của mùa giải vừa qua.

Chuyên gia bình luận một kiểu, bọn tôi dân mê bóng đá bình luận kiểu khác, kiểu mà anh Doãn Hoàng Giang gọi là “bình loạn”. Với tôi, trong rất nhiều mùa V-League, có lẽ V-League 2011 bộc lộ nhiều sự thật bóng đá nhất: Sự thật về tính chuyên nghiệp, về trọng tài, về cầu thủ, về huấn luyện viên (HLV), về các ông bầu, về bạo lực sân cỏ, về khán giả, về cách làm bóng đá của người Việt... Sự thật được phơi bày: Xấu xí và đẹp đẽ, cấp tiến và bảo thủ, quyết liệt đến cùng và buông xuôi rã đám... và cả những nghịch lý mà ta khó có thể hình dung ra. Có lẽ vì vậy mà V-League 2011 không tẻ nhạt, trở thành giải đấu hấp dẫn và có sức sống.

Những điểm nổi bật

1. Đội vô địch là một đội “quốc doanh”: Sông Lam Nghệ An. Hai đội xuống hạng đều là đội bóng của các ông bầu doanh nghiệp: Hà Nội ACB của bầu Kiên, Đồng Tâm Long An của bầu Thắng. Một kết quả ngoài quy luật phát triển của bóng đá chuyên nghiệp.

2. Bạo lực là điều đương nhiên trong một cuộc chiến dù đó là cuộc chiến thể thao, nhưng bạo lực sân cỏ ở trong V-League 2011 đã vượt qua mức bình thường trở nên tệ hại không thể chấp nhận.

3. Sáu ông bầu oách nhất V-League: Bầu Hiển (Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng), bầu Trường (Vissai Ninh Bình), bầu Đức (Hoàng Anh Gia Lai), bầu Long (Hòa Phát Hà Nội), bầu Thắng (Đồng Tâm Long An), bầu Kiên (Hà Nội ACB) có cách làm bóng đá rất khác nhau. Kết quả chỉ có bầu Hiển, bầu Trường là thành công. Đội bóng của các ông này lọt vào ba trong bốn hạng đầu của V-League. Còn đội bóng của bầu Đức, bầu Long thì chật vật trụ hạng. Riêng hai ông bầu rất nổi tiếng ở nhiều mùa giải trước là bầu Thắng và bầu Kiên thì thất bại cay đắng khi Đồng Tâm Long An và Hà Nội ACB phải quay về hạng nhất. Điều đó chứng tỏ làm bóng đá chuyên ngiệp ở Việt Nam quả là rất khó.

4. Đội bóng chi tiền bạo nhất, có HLV được kính nể bậc nhất cả về chuyên môn lẫn nhân cách, có lực lượng cổ động viên “khủng” nhất để biến sân nhà thành “thánh địa”, có sự ủng hộ cao nhất của chính quyền thế mà chỉ có thể trụ hạng trong gang tấc (đội Vicem Hải Phòng), điều này chỉ có ở bóng đá Việt Nam.

5. Trọng tài năm nào thì cũng có vấn đề thôi. Những sai sót của trọng tài là một phần của bóng đá, nhưng ở V-League 2011 cái phần ấy hơi nhiều quá đã làm đảo lộn kết quả trên bảng xếp hạng. Gây phẫn nộ cho nhiều ông bầu và HLV, gây ức chế cho cầu thủ của nhiều đội bóng. Yếu kém hay thiếu nhân cách. Có lẽ cả hai. (Về chuyện này, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Hội đồng Trọng tài quốc gia có cái nhìn hơi lạc quan tếu (hay đồng lõa???) tôi chưa biết chắc được).

6. Một giải đấu của các HLV trẻ. Bốn đội hạng đầu đều được dẫn dắt bởi bốn HLV trẻ: Đội vô địch - Nguyễn Hữu Thắng, đội hạng nhì - Phan thanh Hùng, đội hạng ba - Lê Huỳnh Đức, đội hạng tư - Nguyễn Văn Sỹ. Đây là điều chưa từng có ở những giải đấu trước.

7. Hai HLV già, giỏi nhất, nổi tiếng nhất là Vương Tiến Dũng, Lê Thụy Hải đều bị sa thải ở những vòng đấu cuối cùng dù lý do bị sa thải là rất khác nhau.

8. Đây là một giải đấu mà tất cả các HLV ngoại đều thất bại một cách nặng nề, họ phải lần lượt rút lui khỏi cuộc chơi.

9. Sự thành công của cả hai lối đá đối nghịch. Một đằng chơi rắn, quyết liệt trên mức cần thiết, lấy thủ làm chỗ dựa, tận dụng lợi thế khán giả, sân nhà (Sông Lam Nghệ An). Một đằng tấn công đẹp mắt, phô diễn phẩm chất kỹ thuật, chiến thuật hợp lý, mảng miếng rõ nét (Hà Nội T&T). Hai lối này đã gặp nhau tại trận chung kết. Đây cũng là một điều hiếm thấy ở những giải đấu trước.

Về nhà vô địch Sông Lam Nghệ An

Vô địch một giải đấu cực kỳ phức tạp như V-League không phải là một chuyện đùa, nhất là khi Sông Lam Nghệ An lần lượt từ vài năm gần đâymất đi hai niềm tự hào của họ là tiền đạo Lê Công Vinh, thủ môn Dương Hồng Sơn và nhiều cầu thủ chất lượng khác. Sau tròn 10 năm chờ đợi, Sông Lam Nghệ An đã một lần nữa vô địch V-League, giải đấu mà họ cũng là đội đầu tiên đăng quang kể từ ngày được khai sinh vào năm 2001. Chiến công này là một cuộc “làm lại” rất đáng khâm phục của bóng đá xứ Nghệ.


Bầu Hiển chúc mừng huấn luyện viên Hữu Thắng sau trận “chung kết” trên sân Vinh. Ảnh: VSI

Bị tổn thương nặng nề nhưng không chấp nhận gục ngã. Ý chí “phục hận” đã làm nên sức mạnh. Cuộc “trở về” của hai nhân vật tài năng Hữu Thắng và Hồng Thanh đóng vai trò quyết định. Có được thủ lĩnh “thép” trên sân là Huy Hoàng và một dàn cầu thủ trẻ chất lượng “thuần Nghệ An”, được hậu thuẫn tối đa của khán giả nhà, của chính quyền địa phương và của nhà tài trợ nên những tính toán chiến lược và chiến thuật của họ không thể bị phá sản. Sông Lam Nghệ An vô địch là xứng đáng dù đội bóng này chưa phải là đội chơi hay nhất.

Về đội xuống hạng Đồng Tâm Long An

Nếu như “cái chết” của Hà Nội.ACB không làm nhiều người quá bất ngờ, thì việc Đồng Tâm Long An phải xuống hạng làm ta phải suy nghĩ. Đồng Tâm Long An là một trong những đội bóng đi đầu trong quá trình chuyên nghiệp hóa và đã từng có thời gian thống trị V-League. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch cho đội bóng của bầu Võ Quốc Thắng? Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên chính là việc ra đi của HLV Calisto, người đã tạo ra đội bóng. Mất người cầm lái, Đồng Tâm Long An mất phương hướng. Những HLV kế tiếp không ai làm được điều mà ông Calisto đã làm.

HLV thay đổi liên tục, những gì ông Calisto dầy công xây dựng mất dần theo thời gian. Đỉnh điểm là việc ra đi của bộ đôi Minh Phương - Tài Em, những người được coi là linh hồn của đội bóng. Sự “tan rã” này báo trước ngày xuống hạng. Bản thân tôi không ngạc nhiên. Không nên vá lại chiếc áo đã rách. Xuống hạng để làm lại từ đầu có lẽ như thế tốt hơn là sống dở chết dở ở V-League. Đồng Tâm Long An muốn trở lại vị thế xưa phải có một “Calisto mới”. Bây giờ mới chính là lúc bầu Thắng phải đầu tư lớn. Bóng đá trẻ của Đồng Tâm Long An vừa mới vô địch ở giải U 15 toàn quốc, đừng có đùa với họ. Tôi tin vào cuộc trở lại V-League của đội bóng này. Tin vào tầm nhìn và sự chín chắn của anh Võ Quốc Thắng.

Về chuyện trụ hạng của Hải Phòng

Tôi thích bóng đá Hải Phòng và khán giả Hải Phòng nhưng không thích cách sử dụng đồng tiền của họ. Hải Phòng treo thưởng 10 tỷ đồng cho suất trụ hạng ở 4 vòng cuối và thực tế họ đã trụ hạng. Trụ hạng chỉ vì bơm thật nhiều tiền thì đồng tiền này chắc là “tiêu cực phí”. Nó giống sự mua bán đổi chác hơn là sự khích lệ tinh thần chiến đấu. Danh dự cầu thủ Hải Phòng ở đâu mà phải dử 10 tỷ để họ chịu đá. Hãy nhìn Sông Lam đá ở trận chung kết để hiểu được lòng tự trọng và trách nhiệm của họ đối với đội bóng với khán giả nhà và đối với cả quê hương của họ. Tôi không tin cầu thủ Hải Phòng về mặt này lại kém các cầu thủ Sông Lam. Tôi chỉ trách Ban lãnh đạo Hải Phòng thôi.

Điểm sáng của V-League

Kết thúc V-League có bạn hỏi tôi: Đội bóng nào hay nhất? Xin thưa Hà Nội T&T. Ở Việt Nam đó là một đội đẳng cấp, có lối chơi rõ rệt, đá đẹp mà có hiệu quả. Có một cái gì đó tương tự như lối chơi của đội tuyển quốc gia. Đội này không vô địch chỉ vì thiếu may mắn. Người Hà Nội có thể hình dung đây sẽ là một “Thể công” mới, một niềm tự hào mà họ đã tìm lại được. Hà Nội T&T có lẽ sẽ ngự trị trên đỉnh cao của bóng đá Việt Nam nhiều năm nữa nếu họ cứ tiếp tục đá như thế.

Kết thúc V-League tôi thấy một điểm sáng nữa là giải đấu này cho ta thấy lấp ló một thế hệ vàng mới của bóng đá Việt Nam qua sự phát triển vượt bậc của một số cầu thủ trẻ. Mà hình ảnh rõ nét nhất là Văn Quyết.

Cà phê thể thao

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm