06/01/2011 15:33 GMT+7 | Âm nhạc
1. Tôi nhớ, đêm 1/10/2010, tôi cũng vào đây. Mưa như trút. Tới sân bay, anh em đưa tôi tới thẳng nhà Y Moan. Sấm chớp vẫn ầm ầm. Bà con xóm làng đội mưa đến đông nghịt. Họ ngồi quây bên thi hài của anh mà khóc. Họ thương anh lắm! Anh là người con tiêu biểu của làng buôn, của bộ tộc. Anh đã làm rạng danh cho núi rừng Tây Nguyên. Anh là niềm tự hào cho mỗi người dân nơi đây. Tiếng hát anh vang mãi trên trời xanh...
Thế rồi, cả thành phố lưu luyến tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi đi trong đoàn xe tang và vô cùng cảm động khi thấy mọi người đổ xô ra đường, đứng kín đặc trên những con phố xe qua. Họ cầm hoa tung lên đầy xe tang. Ai cũng khóc. Một cụ già đầu bạc phơ, trải chiếu ra hè trước nhà và kính cẩn quỳ lạy khi xe tang đi qua. Có lẽ, chưa bao giờ ở Tây Nguyên có một đám tang lớn như vậy. Mọi người đều vô cùng thương tiếc anh...
Anh thích nói với mọi người về lịch sử và truyền thống của người Ê Đê. Anh tự hào về quê hương của mình lắm. Biết tôi hay lo cho nông dân, anh rất quý. Anh luôn mơ ước cho đồng bào của mình ngày một vươn lên. Anh hỏi tôi nhiều điều để đi nói lại cho bà con cách làm ăn. Lúc đó anh giống ông trưởng bản hơn là một nghệ sĩ tài ba. Anh là người con đích thực của buôn làng.
2. Sáng hôm sau là một ngày đặc biệt vì ngày đó có tới 4 con số 1: 1/1/2011! Tôi lên thăm mộ Y Moan. Mộ nằm trên đồi phía sau làng. Từ nhà anh ra đây chỉ có một đoạn. Thật ngạc nhiên vì vợ con và bạn bè của Y Moan đã xây cho anh một khu mộ tuyệt vời. Phải gọi đó là nhà mộ vì nó có mái, có tầng, xung quanh có vườn, có hoa. Khách đến viếng sẽ leo theo các cầu thang độc mộc của người Ê Đê để lên tầng trên. Ở trên đó giống một căn phòng nhưng không có tường xung quanh. Mộ anh nằm giữa. Bạn bè có thể ngồi sum vầy quanh anh, vừa nhớ anh, vừa đàn hát.
Nhiều hoa văn đặc sắc được ghi, khắc lên các cột trụ chung quanh nhà. Tượng bán thân của Y Moan bằng đá trắng được đặt lên cao phía cầu thang đi lên. Bè bạn bắt đầu đưa cây về trồng quanh khu mộ. Anh thanh niên Trịnh Xuân Mười - người nổi tiếng về tạo giống bơ quý ở Đắk Lắk - đã đưa tới 20 cây hoàng nam. Cây nhanh chóng bén rễ. Chả mấy chốc nó sẽ phủ xanh nơi Y Moan nằm.
Thương nhớ anh nhưng tôi rất hài lòng về nơi anh yên nghỉ. Anh vẫn ở với buôn làng, vẫn nằm đây nghe chim rừng ca hát. Anh sẽ đón tiếp bạn bè từ tứ phương tới thăm. Mùa cà phê chín rộ, đỏ thắm những nương rẫy quanh vùng. Tiếng xe máy rộn rã, tiếng cồng ngân vang, mùi nếp nương thơm ngậy vẫn về quanh anh. Làng buôn còn quây quần đâu đó.Tiếng thôn nữ cười giòn tan. Đàn chim rừng sà xuống rồi bay vút lên cao. Cả Tây Nguyên dập dìu bên anh.
3. Tôi nhớ có lần Y Moan hỏi rất kỹ về những giống mới mà chúng tôi đang đưa vào Tây Nguyên. Tôi giới thiệu với anh về cây mắc ca, về nghề nuôi lợn rừng, nuôi nhím, nuôi chồn, về mô hình trồng xen cây bơ với cây cà phê, về triển vọng của giống ca cao, về giống sắn mới ở Đồng Nai và cả những nơi đang đưa cá hồi, cá tầm lên Đắk Lắk. Anh lắng nghe say sưa như muốn học thuộc những thứ chúng tôi vừa nêu. Anh nhìn thẳng vào mắt chúng tôi và nói như van xin: “Anh hãy vào giúp cho bà con trong này đi! Họ cần anh lắm! Sao bọn xấu cứ xúi họ làm những việc bậy. Em sẽ mở một văn phòng để anh tư vấn cho bà con cách làm ăn. Làm gì để bà con không nghe theo bọn xấu nữa!”.
Tôi biết đó là tấm lòng của Y Moan. Anh muốn biến tiềm năng tuyệt vời của Tây Nguyên thành hàng hóa, thành sản phẩm. Anh mong cho bà con mình tìm được hướng đi đúng đắn để vươn lên. Anh thương họ do ít hiểu biết nên hay bị xúi giục. Anh muốn đóng góp nhiều hơn cho quê hương...
Tôi nhớ Y Moan. Anh còn mãi trong trái tim chúng tôi...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất