27/12/2019 07:25 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả của hàng loạt ca khúc đi cùng năm tháng như Mẹ yêu con, Dư âm, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ… vừa qua đời chiều 26/12 tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 94 tuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh 1925 tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), quê gốc tại Phú Cường, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Cha của ông là "trùm một phường bát âm của miền quê Vĩnh Phú, thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào", sau vào làm thợ máy nhà máy xe lửa Trường Thi ở Nghệ An.
Năm 1945, Nguyễn Văn Tý tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Ông bắt đầu sáng tác âm nhạc vào năm 1947 khi là đương chức Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
Năm 1948, ông về công tác tại Đoàn Văn hóa tiền tuyến thuộc Quân huấn cục. Từ đầu năm 1950, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304 và làm Trưởng đoàn. Năm 1951, ông giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu 4.
Đến 1951, Nguyễn Văn Tý giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội văn nghệ Liên khu IV. Năm 1952, ông quen biết với bà Nguyễn Thị Bạch Lệ, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, và sau đó hai người thành hôn. Thời gian này ông sáng tác những bài như: "Vượt trùng dương" (1952), "Tiếng hát Dôi-a" (1953) và ca khúc nổi tiếng "Mẹ yêu con" (1956).
Cuối năm 1957, Nguyễn Văn Tý cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được chỉ định thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng như: Luống cày (1950), Mùa hoa nở (1950), Dư âm (1950), Vượt trùng dương (1952), Việt Trung Xô, Mẹ yêu con (1956), Tiễn anh lên đường (1964), Bài ca năm tấn (1967), Em đi làm tín dụng (1971), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (1973), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (1974), Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (1976), Cô nuôi dạy trẻ (1980), Dáng đứng Bến Tre (1980).
Ngoài ra, ông cũng có nhiều ca khúc thiếu nhi, đáng chú ý là: Tôi là gà trống, Gà mái mơ, viết phần âm nhạc cho phim hoạt hình, nhạc cho múa rối và viết nhạc cho một số vở Chèo như Đảo nổi, Sông Hồng (1967), Nguyễn Viết Xuân(1968).
Năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Sau khi về hưu ông sống trong căn nhà nhỏ ở đường Trần Khắc Chân, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM cho đến ngày qua đơi.
Dự kiến, lễ viếng sẽ được tổ chức vào sáng 27/12 tại Nhà Tang Lễ TP. HCM (25 Lê Quý Đôn, Quận 3). Lễ di quan sẽ diễn ra sáng 29/12 và lễ an táng tại Nghĩa trang hoa viên Bình Dương.
KN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất