30/06/2015 12:00 GMT+7 | Âm nhạc
Mới chỉ nhận lời ngồi “ghế nóng” của Sao Mai, Sao Mai – Điểm hẹn, nhưng Tùng Dương cũng rất quan tâm đến các cuộc thi ca hát đang diễn ra vô cùng sôi nổi. Anh bày tỏ quan điểm về các cuộc thi hiện nay.
* Anh có cho rằng thi ca hát trên truyền hình đang “thống trị” đời sống âm nhạc?
- Thực ra, tôi thấy nhiều thì nhiều nhưng đa số vẫn là những chương trình đã có từ nhiều năm trước đó. Các cuộc thi này đang tạo được sức hút với công chúng về tính giải trí. Tuy nhiên, chất lượng không phải lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu cũng vì yếu tố này.
* Vậy lý do gì khiến anh vẫn dành nhiều quan tâm đến cuộc thi Sao Mai?
- Sao Mai thì cũ về format rồi, không chiêu trò, chỉ có tài năng thực sự và cũng rất công tâm. Đây cũng là cuộc thi mà kết quả không phụ thuộc vào bình chọn của số đông. Đã từng ngồi ghế nóng ở đây 4 lần nên tôi biết, bạn nào hát hay thật sự, có chuyên môn là điểm bao giờ cũng cao nhất.
Tinh thần này của Sao Mai đến giờ tôi vẫn rất thích. Vì trong môi trường các cuộc thi hiện nay mang tính chất xã hội hóa quá nhiều, nhiều thí sinh tài năng chuyên nghiệp đã rất thiệt thòi khi ra về tay trắng. Đó cũng là lý do năm nay, tôi vẫn nhận lời làm giám khảo tại Sao Mai. Và tôi đến với chương trình bằng sự chân thành, khắt khe chứ không hề dễ dãi.
* Nhưng có một thực tế, không xã hội hóa thì các cuộc thi không hấp dẫn được người xem?
- Tôi biết nhiều cuộc thi xã hội hóa, mua bản quyền thế giới mang một thông điệp rất ý nghĩa. Đó là nếu bạn có ước mơ, đều có thể biến điều đó thành hiện thực.
Nhưng khi các cuộc thi mở ra, giống như bất cứ các ngành nghề nào thì đầu vào và đầu ra đôi khi là tỉ lệ nghịch. Tại sao nhiều thí sinh đăng quang xong rồi lại lặn mất tăm? Vì không phải ai cũng theo đuổi con đường nghệ thuật lâu dài, một cách nghiêm túc.
Khi các cuộc thi nặng về tính giải trí quá nhiều thì đầu tiên, sẽ cho ra một kết quả không như mong muốn. Bản thân những người thắng cuộc, dù sau đó, có được tiếp sức, cũng vẫn non nớt, không đủ trình độ chuyên môn theo được nghiệp ca hát.
Chưa kể đến sự xáo trộn trình độ các thí sinh. Nếu chúng ta tung hô quá một giá trị vừa phải, không quá xuất chúng thì vô hình trung ảnh hưởng đến chính người đó, thậm chí cả lớp trẻ. Họ có quyền mơ ước nhưng không nhìn rõ thực lực của mình, thậm chí bị thổi phồng quá mức khả năng thì sẽ không đi đến đâu trong nghệ thuật.
* Nhiều thí sinh chạy hết từ cuộc thi nọ sang cuộc thi kia, anh nghĩ sao về hiện tượng đó?
- Tôi vẫn luôn đánh giá cao những bạn trẻ dám thử sức mình sau những thất bại. Vì thất bại ở một cuộc thi chưa nói lên điều gì, các bạn vẫn còn nhiều cơ hội khác để chinh phục, chinh phục đến khi nào thành công.
Thế nên, nếu có nhẵn mặt tại các cuộc thi thì điều đó cũng không quá quan trọng. Điều quan trọng nhất là sau quá trình rèn luyện ở cuộc thi, bạn có bứt phá không, có thay đổi, chứng minh mình phát triển tốt hơn không?
Nắm vững và đối mặt với những khó khăn thử thách của nghệ thuật, ai cũng sẽ ý thức được điều đó. Vì thế, cho dù game show nở rộ thì mỗi thí sinh khi tham gia bất cứ cuộc thi nào đều phải tỉnh táo.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Lam Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất