Hợp tác sản xuất điện ảnh với nước ngoài: Cuộc chơi... không dễ 'xơi'

25/11/2014 07:21 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Hợp tác quốc tế đang trở thành một từ khóa “hot” khi ngày càng có nhiều bộ phim Việt hợp tác sản xuất với nước ngoài. Hợp tác mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không “dễ xơi”, nhất là với những nền điện ảnh còn yếu như Việt Nam.

Trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội III, chiều qua 24/11 đã diễn ra Tọa đàm “Hợp tác sản xuất phim giữa Việt Nam và các nước”, chỉ ra một số vấn đề.

Từ làm dịch vụ đến hợp tác làm phim

Đã từng có những bộ phim nổi tiếng của nước ngoài quay tại Việt Nam: Người tình, Đông Dương, Điện Biên Phủ (Pháp), Người Mỹ trầm lặng (Úc). Nhưng đó chỉ là những phim Việt Nam làm dịch vụ cho các đoàn làm phim nước ngoài chứ chưa phải phim hợp tác đúng nghĩa. Dẫu vậy thời kì đầu chúng ta đã chưa biết nắm bắt tốt cơ hội này. Vì sau đó ngày càng hiếm phim nước ngoài quay ở Việt Nam. Nền điện ảnh lớn như Hollywood muốn làm phim có bối cảnh ở Việt Nam họ sẽ tới Thái Lan hoặc Campuchia.

“Điều gì khiến các quốc gia thu hút người nơi khác đến nước họ làm phim ? đó là do họ có cơ chế tốt đón tiếp các đoàn làm phim. Ở Pháp có một hội đồng hỗ trợ các nước tới làm phim, ở từng địa phương đều có các hội đồng như vậy. Còn khi tôi muốn tới Việt Nam làm phim đồng nghiệp khuyên nên qua Campuchia vì ở đây có dịch vụ tốt hơn”, ông Edouard Mauriat nhà sản xuất phim Bầu trời đỏ đã được Bộ VH,TT&DL và Cục Điện ảnh đồng ý cho quay tại Việt Nam chia sẻ.

Thời gian qua, đã có một vài thay đổi nho nhỏ theo hướng tích cực ở Việt Nam. Từ LHP Việt Nam lần thứ 18 đã có một số hoạt động quảng bá bối cảnh quay đẹp tại Việt Nam. Tại lễ khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội năm nay, tiết mục chào mừng cho thấy rất rõ thông điệp: “Mời bạn hãy đến quê hương chúng tôi” với hình ảnh nền là danh lam thắng cảnh trải dài khắp ba miền đất nước.

Muốn hợp tác phải có nội lực

“Việt Nam có dân số hơn 90 triệu dân, gấp đôi Hàn Quốc. Từ những năm 1999 chúng tôi đã có bộ phim thu hút hơn 6 triệu người xem ở Hàn Quốc, chúng tôi hi vọng sẽ sản xuất ra những bộ phim thu hút nhiều người xem như thế ở Việt Nam”, ông Kini Kim – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn giải trí và truyền thông CJ E&M phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ông Kini Kim nhận định: “Nền điện ảnh Việt chủ yếu sản xuất phim thương mại. Nhưng các bạn cũng nên xác định về lâu dài liệu khán giả có còn muốn xem những bộ phim hài quanh đi quẩn lại vẫn là vài diễn viên đó đóng không? Tôi nghĩ trước khi muốn vươn xa hơn thì điện ảnh Việt nên phát triển chính thị trường trong nước, đi lên từ nội lực. Cần dấn thân, tìm ra cái gì đó thật mới, thật khác biệt thì mới có thể vươn xa. Tất nhiên cái gì cũng cần phải có quá trình chứ không thể một đêm trở thành nền điện ảnh trong khu vực”.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm