Nhìn lại biển

02/06/2014 09:00 GMT+7 | Văn hoá


(giaidauscholar.com) - Việt Nam đã từng nếm trải những đau thương tột độ của nô lệ, lệ thuộc, lập quốc, và khai phái, cũng như giao lưu hội nhập. Nay với gần 3.300 km tiếp giáp biển, với sự thân quen sông nước, ruộng ngập nước, văn minh lúa nước, người Việt sẽ mau thích ứng với biển để trở thành một đất nước quân bình cả yếu tố đất và yếu tố nước, làm thành một sáng tạo mới cho chính dân tộc và góp phần xây dựng thế giới toàn cầu.

Nếu chưa kể từ thời có sử thành văn, tức là khởi đầu với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40 trước Công nguyên) cách nay hơn 2.000 năm, người Việt đã giỏi về canh tác lúa nước, giỏi về thủy lợi, và giỏi về thủy chiến. Từ Ngô Quyền đến Trần Quốc Tuấn, từ Quang Trung, Gia Long, tức là từ 1.000 năm trước đến cách nay khoảng 200 năm, người Việt nổi tiếng với những trận thủy chiến và con sông Bạch Đằng chói lóa uy danh trong lịch sử chống ngoại xâm. Nhưng với biển thì khác…

Biển - sự hỗn mang, đa phức

Biển hoặc bể có nhiều ý nghĩa, trong đó một số có thể tương phản, hoặc mâu thuẫn vì đây là một hiện tượng vĩ đại nhất trên hành tinh (chiếm tới ¾ diện tích Trái đất):

Sự to lớn mênh mông như “công ơn trời biển”;

Sự tổng hợp của tất cả, như “trăm sông đều đổ vào biển”;

Sự xa xăm, mịt mù, như “chân trời, góc biển”;

Sự nguy hiểm, thách đố: “Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình”;

Người mẹ, cội nguồn của sự sinh thành, dưỡng dục: “Công cha như núi ngất trời/ Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông/Núi cao biển rộng mênh mông/Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”;

Sự thành đạt to lớn, như câu tục ngữ: “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”;

Bản đồ Đông Nam Á vẽ năm 1606 bởi người phương Tây, Hoàng Sa (Pracel) được xác lập vị trí từ trong đất liền nhìn ra, nằm giữa Cinoa (Thuận Hóa) và Chămpa (Cofta De Pracel)

Sự đa nghĩa, vừa vĩ đại, vừa nguy hiểm: Bể ái, bể tình: việc thương yêu, trai gái; bể hoạn: con đường làm quan thời phong kiến; bể khổ: chân lý thứ nhất của Tứ diệu đế, Phật giáo; bể khơi: “vào lộng ra khơi”; bể thảm: như bể khổ; bể trầm luân: cõi nhân sinh chìm đắm trong vòng luân hồi, sinh tử…

Từ khi lập quốc trong truyền thuyết, người Việt đã có biển thuộc về một mẹ trăm trứng trăm con - của mẹ tiên Âu Cơ với bố rồng Lạc Long Quân. Mẹ dẫn 50 con lên núi, và bố đưa 50 con xuống biển. Đây có lẽ là sự phân chia định cư ở độ cao và độ thấp, còn phản ánh trong nếp sống Thượng và Kinh của các dân tộc thiểu số (mẫu hệ) và dân tộc Kinh (phụ hệ).

Huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh cũng ghi khắc sự tranh chấp nối dõi truyền thống chính thống (đại diện là Mỵ Nương, con của vua Hùng). Như vậy quyền lực thuộc về cha nhưng quyền uy và giá trị cao quý, chính đáng thuộc về người mẹ. Một nghĩa đen, theo địa lý vật thể là sự tranh chấp giữa đất và nước, giữa đê điều và kỹ thuật hàng năm ở đồng bằng Bắc Việt, khi dân di cư và định cư, canh tác theo văn minh lúa nước.

Sơ sài truyền thống biển

Tuy nhiên, trong 2.000 năm vừa qua đó, chúng ta không có truyền thống vượt biển, khám phá và giao lưu mậu dịch với thế giới.

Cũng thời gian 2.000 năm trước, nền văn minh Óc Eo đã lập được những thương cảng quốc tế ở Rạch Giá; cũng như việc khảo cổ học thế kỷ 20 còn đào được những đồng tiền và trang sức của đế quốc La Mã của hoàng đế Antonius Marcus (thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên) ở vùng này.

So với dân tộc Chămpa, chúng ta cũng không giỏi nghề đi biển và thủy chiến trên biển, cũng như giỏi các kỹ thuật đóng tàu bè đi buôn bán và giao tranh khắp Đông Nam Á.

Những trận thủy chiến lẫy lừng của chúng ta đều là trên sông nước. Năm 1835, sau khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi ở Gia Định (có kết hợp với người Chămpa và các giáo sĩ Thiên Chúa giáo Tây phương), hoàng đế Minh Mạng xuống lệnh cấm người Chămpa làm nghề biển và phải sống bằng nghề nông thuần túy. Như vậy là thắng lợi nhập vào Việt Nam, người Chămpa bị đánh mất truyền thống oai hùng của nghề đi biển: giao lưu buôn bán và thủy chiến lại không đóng góp vào di sản dân tộc khi đối diện với tàu lớn súng to của Tây phương.

Quang Trung cũng đã nuôi mộng lớn về biển nên kết hợp với giặc Tần Ô để học hỏi về truyền thống hải tặc và hải chiến, nhưng sự ngắn ngủi của triều đại này cũng chôn vùi luôn giấc mộng này.

Trong Truyện Kiều, Từ Hải cũng là một anh hùng đã kết hợp với hải tặc Nhật Bản (người Trung Quốc miệt thị gọi là nụy khấu, tức giặc lùn) để “Năm năm hùng cứ một phương hải tần”.

Gia Long là vị anh hùng đầu tiên của Việt Nam đã phải trải qua từ thời niên thiếu bôn ba trốn chạy khắp vùng Gia Định, Cửu Long, vịnh Thái Lan và tiếp xúc với hàng hải phương Tây nên cũng là người đầu tiên ý thức về vị trí chiến lược của quần đảo Hoàng Sa nên đã đặt một phiên đội thay nhau hàng năm ra trấn đóng để kiểm soát việc buôn bán, đánh thuế.

Nguyên nhân yếu kém

Để tính những nguyên nhân cho việc thua kém về truyền thống đi biển và kỹ năng hàng hải, chúng ta có thể đặt những giả thiết như sau:

Thời lập quốc việc thích ứng và cải tạo đồng bằng Bắc Việt khoảng hơn hai, ba ngàn năm trước đây còn là một vũng sình lầy và đa phần là đất ngập mặn với những rừng sú, đước, bần, tràm... Công cuộc khai phá này chiếm hết thời gian và năng lực của người dân Việt trong sự kết hợp với 15 bộ tộc thời Văn Lang lúc đó;

Sau khi Ngô Quyền đuổi được quân Nam Hán (938) mang lại nền tự chủ cho dân tộc, thoát khỏi sự đô hộ của phương Bắc gần một ngàn năm, người Việt đã xây dựng được những triều đại rực rỡ với văn minh dung hợp tam giáo của thời Lý và thời Trần trên đất liền - nó chiếm trọn bốn thế kỷ, với ba lần chiến thắng sự xâm lăng của đế quốc;

Đầu thế kỷ 15, với sự suy bại của nhà Trần, Hồ Quý Ly đã làm cách mạng cung đình, nhưng không may chỉ được 7 năm lại gặp phải sự thôn tính của đế quốc nhà Minh cực thịnh lúc đó nên giấc mộng cách mạng một nền văn minh riêng biệt đành trở thành hư ảo;

400 năm của nhà Lê, chấn chỉnh phong tục tập quán, giáo hóa quốc dân với Bộ luật Hồng Đức đầy nhân bản và bình đẳng giới - Lê Thánh Tông cũng phân công phân nhiệm theo địa lý chính trị và lịch sử phát triển của đất nước. Nhà Mạc trấn biên giới với Trung Quốc. Họ Trịnh cai quản phương Bắc, trong khi họ Nguyễn mở mang phương Nam, sáp nhập Chămpa vào Chân Lạp để hoàn thành cuộc Nam tiến và khai thác Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long… nên hết thời gian ra biển;

Công việc vừa xong, Việt Nam đã mở rộng ảnh hưởng sang Lào và Miên để hình thành đế quốc Đại Việt thì gặp ngay sự bành trướng của phương Tây đang thời cực thịnh và muốn thiết lập chế độ thực dân đế quốc.

Diện mạo mới

Sau khi thống nhất đất nước, ngày 30/4/1975, Việt Nam bước vào giai đoạn toàn cầu hóa. Lần đầu tiên hàng triệu người Việt dời quê hương bản quán để phân tranh khắp thế giới. Miền Nam chủ yếu di tản và thuyền nhân vượt biển qua các nước phương Tây, miền Bắc du học, xuất khẩu lao động và sau năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô (cũ) tan rã, họ lần lượt định cư ở khắp Nga, Đông Âu, rồi lan ra toàn thế giới.

Như vậy, có thể nói 1.000 năm Bắc thuộc, tiếp theo là 1.000 năm dựng nước, Việt Nam hội nhập vào thế giới cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21. Người Việt ngày nay có mặt khắp năm châu bốn biển, trên hàng trăm quốc gia, vừa học hỏi trải nghiệm tri thức, vừa đem tinh hoa của khắp các truyền thống và tộc người để xây dựng một nền văn minh tổng hợp và nhân bản, thích hợp với một dân tộc đa sắc tộc, đa văn hóa như Việt Nam thời khai sinh cũng như thời đương đại.

Nguyễn Tiến Văn (nhà nghiên cứu)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm