Nhớ cuộc gặp nhà báo Hữu Thọ để nghe kể về 'Những việc cần làm ngay'

13/08/2015 17:21 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Nhà báo Hữu Thọ, nguyên trưởng Ban tư tưởng văn hóa Trung ương, vừa qua đời sáng 13/8.

Nhà báo Hữu Thọ sinh ngày 8/1/1932 tại Hà Nội. Tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thọ, bút danh Hữu Thọ, Nhân Nghĩa, Nhân Chính...

Trong cuộc đời làm việc của mình, nhà báo Hữu Thọ từng đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng trên mặt trận Văn hóa, Tư tưởng, Báo chí... Một trong những dấu ấn trong cuộc đời làm báo của ông là khi ông là thành viên Bộ Biên tập báo Nhân dân năm 1987. Khi đó báo Nhân dân đăng loạt bài về Những việc cần làm ngay của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Mới đây, để chuẩn bị cho Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Thể thao & Văn hóa đã có cuộc gặp, phỏng vấn Nhà báo lão thành Hữu Thọ.

Tuy đã yếu nhưng ông vẫn chấp nhận cuộc gặp khi được đề nghị qua điện thoại. Trong căn phòng tiếp khách nhỏ, tầng trệt ngôi nhà trong ngõ phố Lê Thánh Tông, vẫn dáng vẻ nhỏ nhắn, ngôn từ khúc chiết, ông chia sẻ với người đối thoại. Trong suốt cuộc nói chuyện, ông hút khá nhiều thuốc. Ông nói đó là thói quen không tốt và rất lịch thiệp, ông mong người đối diện thông cảm.

***

Nhà báo Hữu Thọ hồi tưởng lại những năm tháng đổi mới đầy khí thế, đặt nền móng cho nhiều thành tựu ngày nay. Ông khẳng định vai trò của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chính là triển khai đường lối đổi mới trong 5 năm đầu sau Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI. Bối cảnh đất nước khi ấy thực sự vô vàn khó khăn.

Nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh, trước khi nói đến văn hóa văn nghệ, chúng ta cần nhớ rằng khi đó chúng ta thay đổi mô hình tăng trưởng, giải ngũ quân đội… Bối cảnh đất nước tác động đến mọi mặt đời sống, phải là người quyết đáp mới có thể làm việc này.

Dư luận vẫn nhắc về loạt bài Những việc cần làm ngay của Tổng Bí thư ra đời trong bối cảnh đó. Nhà báo Hữu Thọ kể lại: “Tối 24/5/1987 là phiên tôi trực Ban biên tập. Đồng chí thường trực cơ quan đưa vào một phong thư, nói là của một người đứng tuổi, đi ô-tô Lada màu sữa.

Phong thư của Văn phòng Trung ương Đảng có thư và một bài báo viết tay. Bức thư ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ “gửi một bài báo, nếu Ban biên tập thấy được thì đăng”. Bài báo có đầu đề Những việc cần làm ngay, ký tên N.V.L.

Khởi đầu công cuộc đổi mới trong muôn vàn Những việc cần làm ngay, dư luận còn nhắc tới sự đổi mới liên quan đến đời sống văn hóa đất nước.

Nói về đời sống văn nghệ, báo chí ngày nay, trong cuộc trò chuyện, nhà báo Hữu Thọ cặn dặn người viết: “Trong chiến tranh do bí mật và do yêu cầu tất cả để chiến thắng nên nhiều đề tài bị hạn chế, những tiêu cực ít được nhắc đến. Ngay chúng tôi đi làm phóng sự biết rõ những tiêu cực cũng không dám nói vì không để phân tâm ở hậu phương lớn.

Ngày nay, chúng ta phát huy tự do sáng tạo cho văn nghệ sĩ nhưng lại phải nhớ rằng sáng tạo nghệ sĩ phải gắn liền với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Từ câu chuyện về Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, tôi xin chia sẻ một điều nhỏ thôi, giải trí là một nhu cầu không thể thiếu được, nhưng tất cả hoạt động văn nghệ mà chủ yếu phục vụ cho ngành giải trí thì rất nguy hiểm. Để nâng cao tâm hồn của chúng ta thì không thể chỉ có giải trí”.

“Chia sẻ nhỏ” này của nhà báo lão thành cũng đáng để các văn nghệ sĩ hiện nay suy ngẫm. Cái sự thiên về giải trí ấy liệu có khiến “thành tựu văn học nghệ thuật của chúng ta nghèo hơn trước”?

Trong cuộc trò chuyện, nhà báo Hữu Thọ cũng chia sẻ một kỷ niệm về Những việc cần làm ngay khi ông làm Phóng viên biệt phái của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Khi đó ông theo đồng chí Tổng Bí thư vào Mộc Hóa, vùng Đồng Tháp Mười đang cải tạo mở rộng, đêm cùng nằm lại ở Mộc Hóa. Xin trích nguyên văn lời ông: "Đêm hôm đã bớt việc cũng là anh em tâm sự với nhau, tôi hỏi đồng chí một câu: Anh làm Tổng Bí thư, anh có quyền ra chỉ thị, có quyền đề nghị với Bộ Chính trị ra những quyết định về những vấn đề chúng ta muốn chống tham nhũng, tại sao anh lại đi viết báo chống tham nhũng?

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có trả lời với tôi rằng: Đúng là mình có khả năng đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra những chỉ thị về việc này, việc khác nhưng mình muốn sử dụng báo chí, viết báo vì mình muốn học tập theo kinh nghiệm của Bác Hồ. Bác vừa lãnh đạo quốc gia vừa tham gia viết báo để đưa tư tưởng của mình tới đông đảo quần chúng và viết báo nó khác với khi ra chỉ thị. Mình với tư cách đưa ra những ý kiến của mình, cũng có thể đúng và cũng có thể chưa đúng, đưa lên như ý kiến của tác giả bài báo đưa ra công luận. Việc viết báo và đăng báo có thể đến trực tiếp với mọi người, nên sức mạnh của báo chí, dư luận là sức mạnh cực kỳ quan trọng.

Báo chí có thể ra hàng ngày chuyển tải ý kiến của người lãnh đạo đến tất cả mọi người, báo chí có vị trí quan trọng trong việc tạo ra dư luận xã hội và khi dư luận thuận chiều sẽ ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng. Đấy là một kỷ niệm của tôi đối với đồng chí Nguyễn Văn Linh".

Lời nhà báo lão thành nhắc nhớ về một nhà báo đặc biệt cũng là sự ký thác và tin tưởng lớn vào vai trò của báo chí.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm