Từ việc cảnh sát Nhật học tiếng Việt: Nỗi đau tiếng dân tộc

31/03/2014 07:32 GMT+7


(giaidauscholar.com) - Bức thư của nghiên cứu sinh Ngô Quang Vinh gửi từ Đại học Hitotsubashi (Tokyo, Nhật Bản) đăng tải trên trang giaidauscholar.com hôm 29/3 đã khiến dư luận dậy sóng. Cơn sóng tức giận, tủi hổ trước thông tin cảnh sát Nhật đã phải mở các lớp học tiếng Việt do số vụ người Việt ăn cắp đồ ở nước bạn tăng mạnh.

1. Bức thư của nghiên cứu sinh (NCS) Ngô Quang Vinh mở đầu: "Sáng nay, tôi lên trường gặp giáo sư, một người gắn bó và yêu Việt Nam từ những năm cuối thập niên 1970. Như thường lệ, trước khi bắt tay vào công việc, hai thầy trò chào hỏi và trao đổi với nhau vài câu đầu ngày bằng tiếng Việt.

“Từ bản tin tối hôm qua đến nay, đài NHK và các đài khác của Nhật cứ đưa đi đưa lại tin bắt cô tiếp viên của Vietnam Airlines liên quan vào đường dây ăn cắp đồ ở Nhật, tôi và bà nhà tôi xem mà đau. Báo chí Nhật hết rùm beng nghi án quan chức JTC hối lộ, nay lại đưa đậm tin này. Mà cũng tại mấy bữa nay truyền thông chúng tôi không có tin hot nên những tin như thế này lại được chú ý đưa đậm...”, giọng thầy tôi nghèn nghẹn như trách móc các đơn vị truyền thông nước bạn".

Kế đó, NCS Ngô Quang Vinh cũng đưa ra thêm thông tin: "Trang Jiji Press vừa qua đưa thông tin rằng người Việt đứng đầu danh sách các vụ trộm cắp tại các cửa hàng, siêu thị. Số vụ phạm tội của người Việt ở Nhật Bản tăng đến 60% trong 9 năm qua (lên đến 1.118 người trong năm 2013)"

Trước thực trạng này “thay vì chỉ nhờ người Việt hỗ trợ ngôn ngữ, cảnh sát Nhật đã phải tiến đến mở liên tục các lớp học tiếng Việt cho nhân viên của mình”- ông Vinh cho biết.

2. Đây cũng không phải lần đầu, tiếng Việt được “xuất khẩu” một cách bất đắc dĩ. Trước đó, tiếng Việt cũng đã tràn ngập trong các siêu thị xứ Phù Tang qua tấm biển “Cấm ăn cắp vặt”. Rồi những dòng chữ tiếng Việt cũng len lỏi trên nhiều con phố ở Hàn Quốc với tấm biển: “Cấm vứt rác”. Còn ở Thái Lan, Singapore, những từ tiếng Việt xuất hiện nhiều nơi công cộng là: “Cấm lấy đồ thừa” (trong tiệc buffet)...

Hoàng tử Vương Quốc Anh William, ngôi sao bóng rổ Yao Ming và cầu thủ David Beckham cũng lần lượt học tiếng Việt. Mục đích của họ là phát thông điệp bảo vệ động vật tới Việt Nam, quốc gia tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã trái phép hàng đầu thế giới.

3. Cũng cần nhắc lại, trong suốt dặm dài lịch sử trên dải đất hình chữ S, tiếng Việt đã trải bao phen ngặt nghèo để tồn tại, giữ sức sống cho dân tộc.  

Trên tạp chí Nam Phong số 46 năm 1921 đăng bài viết của Phạm Quỳnh (người nổi tiếng với phát ngôn “tiếng ta còn thì nước ta còn”) về quá trình đấu tranh để gìn giữ tiếng Việt khi đất nước dưới sự cai trị của thực dân Pháp: “Gần đây tôi có vận động trong báo Tây – vì báo ta vô hiệu – để xin lấy chữ Quốc ngữ dạy các trường tiểu học và cho thi tốt nghiệp tiểu học bằng quốc ngữ…”

Còn nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng từng kiêu hãnh trước ngôn ngữ dân tộc trong khói lửa chiến tranh: “Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình!”

Song ở thời điểm hiện tại, tiếng Việt còn “ân tình” không khi cảnh sát quốc gia khác bắt buộc phải học để xử lý tội phạm là người Việt?

Tiếng Việt có còn thiêng liêng không khi những dòng “cấm” bằng tiếng Việt xuất hiện ở một số nơi công cộng trên thế giới, để nhắc nhở những chủ nhân của thứ tiếng nói này phải biết tôn trọng những quy định chung?

Đã đến lúc, ta không thể khoác chiếc áo “tự tôn dân tộc” mà nhảy dựng lên khi thấy ai đó nói điều không tốt về mình. Lại càng không thể lấp liếm “một con sâu làm rầu nồi canh” khi một bộ phận người Việt kém ý thức đã làm xấu đi hình ảnh của cả cộng đồng.

“Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất”. Tiếng dân tộc còn đó, nhưng nay phải gánh chịu bao xót xa khi một bộ phận người nói tiếng Việt đã tự hủy hoại phẩm giá của mình …

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm