16/07/2014 07:03 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Trong số cả tỷ người trên Trái đất đã theo dõi trận chung kết World Cup diễn ra cuối tuần trước, có một đôi mắt Đức đã hướng về sự kiện từ ngoài không gian: phi hành gia Alexander Gerst.
Bất chấp việc có lịch làm việc và nghiên cứu rất bận rộn trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), người đàn ông 38 tuổi này vẫn được xem trực tiếp trận đấu trong đó Đức đánh bại Argentina.
Xem World Cup từ ngoài Trái đất
Một bức ảnh do Jim Rostohar, Giám đốc truyền thông tại Trung tâm vũ trụ Johnson ở Texas, Mỹ, gửi tới cho báo giới cho thấy Gerst mặc áo thi đấu đội tuyển quốc gia Đức và chăm chú xem trận đấu phát trên một chiếc máy tính xách tay cùng 3 phi hành gia khác ở ISS. Trong ảnh, người ta có thể nhìn thấy sự vui thích thể hiện rất rõ trên mặt anh.
Đây không phải là lần đầu tiên Gerst và các phi hành gia được xem truyền hình trực tiếp một trận đấu World Cup trên ISS. Trước đó anh đã xem trận Đức đánh bại đội tuyển Mỹ với tỷ số 1-0 và đã cạo đầu 2 phi hành gia Mỹ ở cùng mình là Steve Swanson và Reid Wiseman, do họ “thua độ”. Nếu trận đó Đức bại trận, Gerst sẽ phải vẽ cờ Mỹ lên cái đầu đã trọc lốc của mình.
“Sẽ bay trên sân vận động trong tối nay, dù tôi chẳng biết có ai ngước lên không. Dù sao trong tình huống nào, chúng tôi cũng nhìn xuống” - Gerst nhắn tin lên Twitter trước lúc xem trực tiếp trận Đức nghiền nát Brazil với tỷ số 7-1 tại thành phố Belo Horizonte trong ngày 8/7.
Thường thì do công việc bận rộn, các phi hành gia chỉ có thể xem video tóm tắt các trận đấu World Cup vào giờ nghỉ. Tuy nhiên Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn truyền trực tiếp các trận đấu quan trọng lên ISS dưới định dạng video có độ nét cao (HD) thông qua hệ thống vệ tinh bắt bám và thu phát tín hiệu (TDRS) hoạt động ở độ cao 35.000 km. Nếu các phi hành gia bận rộn, NASA sẽ ghi lại trận đấu và truyền lên sau đó để họ thưởng thức.
Một con người với nhiều đam mê
Với Gerst, việc được xem World Cup từ vũ trụ đã ghi một dấu mốc phiêu lưu đặc biệt trong cuộc đời anh. Gerst sinh ngày 3/5/1976 tại Kunzelsau. Anh theo học tại trường Trung học kỹ thuật Ohringen và khi tốt nghiệp đã có thời gian làm công tác cộng đồng cho Hội chữ thập đỏ của Đức. Tiếp đó anh có 4 năm xách balô đi chu du khắp thế giới.
Ấn tượng mạnh trước những ngọn núi lửa ở New Zealand, anh bắt đầu nghiên cứu địa vật lý và tốt nghiệp cử nhân tại Viện nghiên cứu kỹ thuật Karlsruhe. Anh cũng nghiên cứu Khoa học Trái đất ở Wellington và nhận bằng Thạc sĩ khoa học vào năm 2005. Một năm sau, anh nhận học bổng tới nghiên cứu tại Trung tâm hàng không vũ trụ Đức.
Gerst nói rằng mối quan tâm tới hàng không, không gian của anh đã được ông nội khai phá. Ông là một nhà nghiên cứu nghiệp dư, thích gửi tín hiệu vô tuyến lên Mặt trăng. Niềm đam mê đặc biệt đó của ông nội đã truyền cảm hứng cho anh.
Đam mê tạo động lực để Alexander Gerst tham gia cuộc thi tuyển phi hành gia của Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) và đã vượt qua 8.407 đối thủ xuất sắc khác. Anh là người Đức duy nhất trong 6 phi hành gia mới của châu Âu và đã được giới thiệu với công chúng vào ngày 20/5/2009. Sau thời gian huấn luyện kéo dài tại Cologne, Đức, tháng 9/2011, Gerst đã trở thành phi hành gia đại diện ESA tham gia kíp phi hành gia mới lên làm việc trên ISS. Anh chính thức lên ISS bằng tàu Soyuz TMA-13M trong ngày 28/5 năm nay. Sau Thomas Reiter và Hans Schlegel, anh đã là phi hành gia thứ 3 của Đức lên làm việc trên ISS.
Fan trung thành của đội Đức
Cả Gerst và 2 phi hành gia Mỹ đang ở trên ISS cùng anh đều mê bóng đá. Trước khi giải World Cup diễn ra, Gerst và họ đã “phô diễn” kỹ năng bóng đá thông qua việc biểu diễn các màn sút vô-lê, lao người đánh đầu trong tình trạng không trọng lượng và gửi lời chúc may mắn tới toàn thể các đội bóng tham dự giải đấu.
Gerst ủng hộ nhiệt thành đội tuyển quốc gia và đã mang theo một chiếc áo của đội Đức lên ISS. Anh đã mặc chiếc áo trong trận Đức chạm trán Mỹ tại Recife. Anh tiếp tục mặc chiếc áo này trong đêm chung kết và có lẽ đã chìm trong vui sướng khó tả với chiến thắng của đội nhà.
Được biết Gerst thường xuyên tải các bức ảnh chụp Trái đất từ ISS lên mạng xã hội Twitter dưới nick #bluedot và hiện đã có 65.000 người ủng hộ. Công việc chính của anh trên ISS là tiến hành các thí nghiệm về vật lý và sinh học con người nhằm giúp cải thiện cuộc sống ở Trái đất, đồng thời chuẩn bị cho hoạt động chinh phục Thái Dương Hệ trong tương lai.
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất