Những siêu phẩm của Pixar còn bao nhiêu sáng tạo?

21/07/2014 11:27 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Câu chuyện bắt đầu bằng một thứ quan niệm của nhiều người, trong đó có người viết về sản phẩm của Pixar Animated Studio: phim hoạt hình dành cho cả người lớn và trẻ con.

Các tác phẩm của họ, bằng một cách truyền tải đặc biệt nào đó luôn vượt qua được định kiến rằng phim hoạt hình chỉ hướng đến tầng lớp đối tượng nhỏ tuổi. Đó có thể là công nghệ 3D ngày càng chạm đến ngưỡng thực tế, hoặc cách tạo hình, đặt góc quay qua từng thước phim, hoặc giả là nội dung mà mỗi bộ phim mà Pixar muốn truyền tải. Những ý nghĩa lớn nằm trong những câu chuyện nhỏ. Câu chuyện về tình phụ tử được trải rộng trên một hành trình vượt đại dương trong Finding Nemo, định nghĩa về thành công không nằm ở đích đến mà là cách người ta đi như thế nào trong Cars, cách con người tìm được mục đích sống trong Up… Những chủ đề hầu như không trùng lặp nhau, và nhiều trong số chúng thậm chí còn có sức hút với người lớn nhiều hơn là trẻ nhỏ.

Gần 1 thập kỉ sáng tạo, Pixar dần đưa ra một tiêu chuẩn mới cho phim hoạt hình, đặc biệt là khi Toy Story 3 lọt vào danh sách đề cử phim hay nhất ở Oscar 2011. Thể loại màu mè, nhộn nhạo và giả trí của trẻ em giờ đây đã bắt đầu được chấp nhận trong khẩu phần của những nhà phê bình khó tính. Hay nói cách khác, khoảng cách để đưa hoạt hình từ thương mại đơn thuần tới nghệ thuật đã được rút ngắn. Cùng với hãng phim Nhật Bản Ghibli, Pixar đã đóng góp rất nhiều để làm nên điều đó.


Vậy mà giờ đây, nhiều người và đặc biệt là fan gạo cội của Cây đèn vẽ (biểu tượng của Pixar) bắt đầu đặt câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra với đứa con cưng của họ? Thương vụ mua lại Pixar vào tay Disney dường như đã làm dấy lên điều gì đó khác thường, hệ quả của nó thì ngày một bộc lộ rõ qua những sản phẩm gần nhất. Khi Rattaloius, Up, Toy Story 3 lần lượt ra mắt, người xem vẫn có thể thở phào vì mọi chuyện vẫn ổn. Vẫn còn đó phong cách và tư duy nghệ thuật mà họ ưa chuộng.

Nhưng khi Cars 2 xuất hiện, thì kéo theo đó là những nghi vấn kì quặc. Không phải lần đầu tiên Pixar thực hiện một hậu bản, nhưng là lần đầu tiên họ triển khai phần tiếp theo bằng cách không thể vụng về hơn. Lớp nhân vật cũ nhưng thiếu sức sống, cốt truyện rời rạc, không nói lên được điều gì cụ thể. Hậu quả là những điểm số kém cỏi (6,7 IMDB; 5,7 Metascore) và một lô lốc những lời chê bai rằng Cars 2 “chẳng khác nào một đoạn phim quảng cáo để bán đồ chơi đầy sặc sỡ và lố bịch”.

Và thế rồi sau Cars 2, Pixar tung ra Brave. Phim có chất lượng hình ảnh tốt và nội dung không đến nỗi nào, tuy rằng giải thưởng Oscar của nó có vẻ thiếu thuyết phục so với Wreck – it – Wraph. Song bộ phim này vẫn khiến người ta ngỡ ngàng nhất với câu hỏi: từ bao giờ mà Pixar lại có hứng thú đối  với mô-típ hoàng tử công chúa, vốn là đặc sản của Disney?

Chủ đề này không phải là chán, rõ ràng thế khi Disney ra mắt, người xem vẫn nồng nhiệt đón nhận Frozen 2014, nhưng nó không giống với phong cách của Pixar. Họ tìm kiếm nhân vật chính từ mọi khía cạnh đa dạng của cuộc sống: côn trùng, cá, robot, siêu nhân, xe cộ để truyền tải những thông điệp của mình, chứ không phải bằng một hình mẫu đã dựng đi dựng lại tới 12 lần trước đó hãng phim mẹ.

Câu chuyện tiếp diễn bằng Monster University, vui nhộn nhưng thiếu đi những khoảnh khắc tuyệt vời như cái cách mà Boo và Sully mang lại ở prequels.  Rồi thì phiên bản spin off của Cars, Planes nhận những lời phàn nàn khủng khiếp về cốt truyện lặp lại trắng trợn, dàn máy bay trùng lặp nhưng kém chất hẳn so với những chiếc xe hơi. Để rồi bất chấp những thất bại thảm hại đó, một sequels tiếp theo, Planes 2 sẽ lại tiếp tục được ra mắt vào ngày 18/7 tới. Và nếu như bạn chưa thỏa mãn, thì Pixar sẽ tiếp tục nối dài những câu chuyện đã có của họ với Finding Dory, Toy Story 4, The Incredible 2, Cars 3…

Quá nhiều hậu bản! Quá nhiều lý do để người ta đặt câu hỏi: Sự sáng tạo của Pixar đã mờ nhòe vì studio đã có tuổi? Hay là sự sáng tạo ấy đang phải nhường chỗ cho một tác động đến từ Disney: tính thương mại?

Đối với các bộ phim như Cars 2 hay Planes, người lớn yêu phim hoạt hình dường như không còn là đối tượng được đưa vào danh sách nữa, và chắc chắn 2 phim đó không phải là sản phẩm làm ra để cạnh tranh những giải thưởng lớn. Chúng rõ ràng nhắm thẳng vào đối tượng trẻ em vốn dễ bị thu hút bởi những thước phim màu mè sặc sỡ. Ít cảm quan nghệ thuật, tính giải trí mạnh và dễ dàng "xùy tiền", đích đến này quá rõ ràng. Hãy nhìn cách mà những trường đoạn hồi ức, vốn là thế mạnh về nghệ thuật kể chuyện của Pixar đã biến mất như thế nào trong những bộ phim gần đây. Những năm tháng kí ức chung sống của đôi vợ chồng trong Up, những kí ức đẹp của thị trấn Radiator Springs thời huy hoàng (Cars), quá khứ  của gấu Losto (Toy Story 3)… Một vài phút đồng hồ như thế, hóa ra lại là chất liệu nghệ thuật mà hầu như ít đứa trẻ nào gặm nhấm nổi. Và trong những bộ phim gần đây của Pixar, chúng không còn nữa.

Câu chuyện của Apple đến thời điểm hiện tại đã không còn mới. Kể từ khi Steve Jobs mất đi, Apple của Tim Cook đã đưa ra các sản phẩm khiến người tiêu dùng phải đặt nghi vấn về sự sáng tạo của thương hiệu Táo Khuyết. Và nếu biết Jobs cũng từng là chủ sở hữu của Pixar từ thời nó còn mang tên Graphics Group, thì liệu bạn có chợt nảy ra trong đầu câu hỏi: Sự sáng tạo, cốt lõi thành công của Pixar liệu còn được bao nhiêu phần.

Nhật Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm